Cải cách tư pháp là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, được Bộ Chính trị chỉ đạo trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005. Đối với tỉnh ta, từ khi triển khai Nghị quyết số 49, công tác cải cách tư pháp đã được cấp uỷ, chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm về mọi mặt nên công tác này đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn…
Năm 2014 là năm các cấp, ngành trong tỉnh tập trung nhiều thời gian, công sức, nguồn lực cho công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật. Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh, các cơ quan, tổ chức có liên quan của tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, Luật Đất đai và nhiều văn bản pháp luật quan trọng khác. Đặc biệt, Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan liên quan để tham mưu với UBND tỉnh về Chương trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh năm 2014. Đồng thời, Sở Tư pháp đã thẩm định 100% dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các ngành của tỉnh xây dựng và thường xuyên tiến hành kiểm tra, rà soát, theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính. Đồng chí Nguyễn Đức Chỉnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: “Trong 9 tháng năm 2014, đơn vị đã rà soát 508 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành (gồm: 322 văn bản còn hiệu lực; 120 văn bản hết hiệu lực; 66 văn bản sửa đổi, bổ sung, ban hành mới). Sở cũng đã đề nghị Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) công khai 43 hồ sơ thủ tục hành chính, không công khai 34 hồ sơ thủ tục hành chính…”.
Đối với lĩnh vực xây dựng pháp luật, trong 9 tháng năm 2014, các cơ quan tư pháp của tỉnh đã tham gia đóng góp ý kiến vào các Dự thảo luật, như: Luật Nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Công chứng sửa đổi; Bộ luật Dân sự sửa đổi; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi. Riêng 3 ngành Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân, Toà án Nhân dân đã tổ chức tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Tố tụng hình sự sửa đổi, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân; Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân sửa đổi, Pháp lệnh cảnh sát môi trường và một số dự thảo luật khác. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức bộ máy là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong chiến lược cải cách tư pháp nên các cơ quan tư pháp của tỉnh liên tục được củng cố, kiện toàn theo chỉ đạo của các cơ quan tư pháp Trung ương và phù hợp với điều kiện thực tiễn tại tỉnh ta.
Đồng chí Lê Thanh Hải, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh khẳng định: Tăng cường công tác phối hợp, đề ra các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đảm bảo đúng quy định của pháp luật đã được các cơ quan tố tụng 2 cấp trong tỉnh thực hiện khá hiệu quả. Mới đây, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh đã chủ trì xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan liên quan trong tỉnh để thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TU ngày 14-6-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với công tác xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và các kiến nghị khởi tố trên địa bàn tỉnh”.
Đoàn Luật sư tỉnh, Hội Luật gia tỉnh cũng đã có nhiều đóng góp cho công tác cải cách tư pháp của tỉnh trên các mặt công tác, như: Tham gia trực tiếp vào hoạt động xét xử, tranh tụng tại toà, tư vấn, trợ giúp pháp lý, đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật. Đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp của tỉnh thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng và kiện toàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cụ thể, Hội đồng Tuyển chọn thẩm phán, kiểm sát viên của tỉnh đã tiến hành xem xét, tuyển chọn, trình Chánh án Toà án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 01 thẩm phán sơ cấp, bổ nhiệm 03 kiểm sát viên trung cấp, 05 kiểm sát viên sơ cấp. Đặc biệt là việc bổ nhiệm, luân chuyển, điều động cán bộ để phát huy năng lực của cán bộ, hạn chế những tiêu cực trong quá trình thi hành nhiệm vụ đã được các cơ quan tư pháp của tỉnh thực hiện rất quyết liệt.
Đồng chí Nguyễn Thế Đề, Chánh án Toà án Nhân dân tỉnh cho biết: Toà án Nhân dân tỉnh rất quan tâm đến công tác đào tạo, rèn luyện cán bộ về mọi mặt. Thời gian qua, đơn vị đã cử 23 cán bộ đi học các lớp nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị. Đồng thời, đơn vị cũng đề nghị cấp trên cho thôi chức vụ đối với những cán bộ vi phạm quy định của ngành”. Các mặt công tác khác của nhiệm vụ cải cánh tư pháp như: Đảm bảo cở sở vật chất phục vụ các hoạt động tư pháp; hoạt động giám sát của HĐND tỉnh với các cơ quan tư pháp cũng đạt được những kết quả quan trọng.
Đánh giá về kết quả công tác cải cách tư pháp trong 9 tháng năm 2014, đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Cải cách tư pháp đã biểu dương những kết quả mà các cơ quan tư pháp của tỉnh đạt được trong thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh, trong những tháng cuối năm 2014, các cơ quan tư pháp của tỉnh cần thực hiện hiệu quả hơn nữa Kết luận số 92-KL/TW ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49 và tiếp tục phổ biến những nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 2013; Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2014; tiếp tục nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh; tăng cường, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tố tụng; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; khi tuyển chọn các chức danh tư pháp cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng cán bộ về chuyên môn, đạo đức, mối quan hệ xã hội…