Kinh nghiệm quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ ở Phú Lương

23:07, 07/10/2014

Trong những năm qua, huyện Phú Lương luôn quan tâm đến công tác cán bộ nữ, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ nữ phát triển về mọi mặt, đưa những người đủ năng lực vào quy hoạch, bổ nhiệm vị trí lãnh đạo, quản lý theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hiện huyện Phú Lương có 21/34 cơ quan, đơn vị cấp huyện có ít nhất 1 lãnh đạo chủ chốt là nữ. Toàn huyện có 90 đồng chí là lãnh đạo nữ, chiếm tỷ lệ 32%. Tổng số cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý là 224 đồng chí, trong đó có 54 đồng chí cán bộ nữ, chiếm tỷ lệ 24%. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2010-2015 ở cấp huyện là 8/39 đồng chí, đạt tỷ lệ 21% (tăng 5% so với nhiệm kỳ trước); cấp xã là 49/241 đồng chí, đạt 20 % (tăng 3% so với nhiệm kỳ trước).

 

Đồng chí Phạm Hữu Hoàn, Phó Ban Tổ chức Huyện ủy Phú Lương cho biết: Trong những năm qua, Ban Tổ chức Huyện ủy luôn bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy về thực hiện công tác cán bộ nữ để tham mưu với Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các cấp ủy quán triệt nội dung thực hiện công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ. Đặc biệt từ khi có Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về công tác cán bộ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hằng năm, Huyện ủy chỉ đạo cấp uỷ trực thuộc nghiêm túc rà soát, đánh giá phẩm chất đạo đức, năng lực cán bộ nữ. Những đồng chí có đủ năng lực, tín nhiệm cao sẽ đưa vào diện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng.

 

Để cán bộ nữ có cơ hội học tập. Hằng năm, huyện quan tâm cử cán bộ nữ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng bằng nhiều loại hình, như: Đào tạo tập trung, tại chức, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, điều hành… Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, tỷ lệ cán bộ nữ  của huyện được cử đi tham gia các khóa đào tạo: Cao cấp lý luận chính trị là 10/17 người, chiếm tỷ lệ 59% tổng số cán bộ đi đào tạo; trung cấp lý luận chính trị 96/174 người, chiếm 55% tổng số cán bộ đi đào tạo; tỷ lệ nữ tham gia các lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên và chuyên viên chính là 77/131 người, chiếm 59% (chỉ tiêu đề ra chiếm từ 30% trở lên). Đối với công tác quy hoạch, số lượng cán bộ nữ được đưa vào quy hoạch của huyện đều tăng hằng năm, chất lượng quy hoạch đều đáp ứng tiêu chuẩn đề ra. Cán bộ nữ được quy hoạch vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện giai đoạn 2010-2015 là 15/67 đồng chí, chiếm tỷ lệ 22%, giai đoạn 2015-2020 là 23/67 đồng chí, chiếm tỷ lệ 34%. Quy hoạch vào Ban Chấp hành Đảng bộ xã, thị trấn giai đoạn 2010-2015 là 112/349 đồng chí, chiếm tỷ lệ 35%, giai đoạn 2015-2020 là 128/375 đồng chí, chiếm tỷ lệ 34%.

 

Mới đây, Đoàn công tác Trung ương do đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa, Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam làm Trưởng đoàn đã kiểm tra kết quả thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tại huyện Phú Lương đã đánh giá: Mặc dù là huyện miền núi, nhưng công tác cán bộ nữ của huyện Phú Lương đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, công tác đào tạo, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ nữ đạt tỷ lệ hơn hẳn so với nhiều huyện miền núi khác trên địa bàn cả nước.

 

Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Bí thư Huyện ủy Phú Lương chia sẻ kinh nghiệm: Muốn công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ đạt chất lượng tốt, thì phải quan tâm đến công tác đào tạo chuẩn hóa cán bộ ngay từ đầu chứ không phải chờ đến khi bổ nhiệm mới tìm đến. Bên cạnh đó, cấp ủy các cấp cũng phải mạnh dạn lựa chọn cán bộ nữ đủ tiêu chuẩn vào quy hoạch để bổ nhiệm lãnh đạo. Đồng chí Nguyễn Quế Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Đu (địa phương có gần 50% cán bộ nữ là công chức xã) cho rằng: Thực tế cho thấy, ở cơ sở, một số phụ nữ có năng lực nhưng khi đưa vào cấp ủy lại không muốn do rào cản từ phía gia đình, chúng tôi đã chỉ đạo các đoàn thể của thị trấn tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích họ không ngừng phấn đấu học tập, nâng cao trình độ, chuyên môn, bên cạnh đó, quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, đề bạt vào những vị trí phù hợp với trình độ, năng lực của họ. Chị Lại Thị Thuận, Phó Chủ tịch HĐND thị trấn Đu chia sẻ: Trong công tác bổ nhiệm cán bộ nữ, ngoài sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền thì chính bản thân cán bộ nữ đó cũng phải nỗ lực phấn đấu hết mình để hoàn thiện về mọi mặt, đáp ứng tốt yêu cầu công việc ở vị trí lãnh đạo.

Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị (khóa X) nêu: “ Đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt 25% trở lên, nữ Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp từ 35% đến 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết phải có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ”.