Quy định rõ tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội

07:56, 23/10/2014

Ngày 22-10, ngày làm việc thứ ba, kỳ họp thứ tám, Quốc hội (QH) khóa XIII, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, nghe Chính phủ trình dự án Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo và dự án Luật Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam (sửa đổi); thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức QH (sửa đổi).

Chính phủ trình hai dự án luật

 

Các đại biểu QH đã nghe Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật này; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim trình bày Tờ trình về dự án Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật nêu trên.

 

Dự thảo Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo quy định về quản lý tổng hợp các hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trong phạm vi vùng bờ, vùng biển và các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; việc lập, phê duyệt, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân để khai thác, sử dụng tài nguyên biển thực hiện theo quy định của Luật Biển Việt Nam. Báo cáo thẩm tra dự án luật này nêu rõ: Quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển là phương thức quản lý theo phương châm không làm thay quản lý ngành, lĩnh vực mà đóng vai trò định hướng, điều phối các hoạt động quản lý ngành, lĩnh vực; giúp khắc phục các xung đột, mâu thuẫn trong quản lý ngành, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bảo vệ tài nguyên, môi trường và các hệ sinh thái biển, thống nhất các hoạt động quản lý từ trung ương đến địa phương, bảo đảm phát triển bền vững biển và hải đảo. Do vậy, luật này không mâu thuẫn, chồng chéo với các luật chuyên ngành mà cùng với các luật chuyên ngành tạo thành hệ thống pháp luật đồng bộ để quản lý tài nguyên, môi trường biển bảo đảm hiệu quả.

 

Tờ trình dự án Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) nêu rõ, Luật sửa đổi phải kế thừa những quy định đã thực hiện ổn định, phù hợp; sửa đổi những quy định còn hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành luật hiện hành; nâng cao tính quy phạm của các điều, khoản của Luật; bảo đảm phát huy truyền thống, kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của Mặt trận trong 84 năm qua; đổi mới về tổ chức, nội dung, phương thức và cơ chế hoạt động để phù hợp chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam trong tình hình mới. Báo cáo thẩm tra dự án luật nhấn mạnh: Ðể MTTQ Việt Nam tiếp tục phát huy và nâng cao vai trò, trách nhiệm của Mặt trận, cần tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn cơ chế để MTTQ Việt Nam tham gia hoạt động, nhất là hoạt động giám sát, phản biện xã hội; quy định rõ trách nhiệm, mối quan hệ công tác giữa MTTQ Việt Nam với các thành viên của Mặt trận; phân định rõ phạm vi điều chỉnh của luật này với các luật chuyên ngành có liên quan.

 

Nâng cao chất lượng hoạt động của các đại biểu Quốc hội

 

Buổi chiều, các đại biểu thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức QH (sửa đổi). Các đại biểu QH: Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình), Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), Bùi Văn Phương (Ninh Bình), Nguyễn Anh Sơn (Nam Ðịnh)... nhấn mạnh yêu cầu tăng cường tính chuyên nghiệp cho đại biểu QH để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH. Nhiều ý kiến tán thành quy định về đại biểu QH trong dự thảo Luật, tiếp tục làm rõ vai trò của đại biểu; khắc phục cơ chế hoạt động của đại biểu QH thời gian qua còn nặng về hành chính; quyền hạn của đại biểu chưa rõ ràng; số lượng đại biểu QH chuyên trách tuy có tăng nhưng chưa đáng kể,...

 

Một số ý kiến thống nhất quan điểm, cần có điều luật riêng về bộ máy QH để có cái nhìn tổng quát về bộ máy của QH. Ðại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng, việc nâng cao chất lượng của đại biểu QH rất quan trọng. Ðại biểu QH phải nói được tiếng nói của cử tri, của công bằng, lẽ phải. Do đó, tiêu chuẩn của đại biểu phải quy định chặt chẽ để chọn được người tiêu biểu cả về đức, tài. Dự thảo Luật cần quy định rõ tiêu chuẩn đại biểu, đề cao tính trí tuệ, bản lĩnh, có ảnh hưởng và uy tín tốt trong nhân dân.

 

Một số đại biểu tán thành quy định về chức năng nhiệm vụ của đại biểu QH như trong dự luật, theo hướng mở rộng quyền của đại biểu QH tham gia Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH. Thời gian tới, cần tăng tỷ lệ đại biểu QH chuyên trách. Tuy nhiên, có đại biểu cho rằng, số đại biểu QH chuyên trách không nên tập trung quá nhiều ở Trung ương; mà cần nâng lên số đại biểu QH chuyên trách ở các địa phương. Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tính độc lập và quyền thể hiện chính kiến của đại biểu QH trong mọi lĩnh vực, từ lập pháp đến giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Thực tế cho thấy, cơ chế hoạt động hiện nay của đại biểu QH chuyên trách vẫn mang nặng tính hành chính và công chức, chưa phát huy được tư duy độc lập. Ngoài tiêu chuẩn chung của đại biểu QH, các đại biểu QH chuyên trách phải đáp ứng một số tiêu chí khác, phải là chuyên gia giỏi trong lĩnh vực của mình, phát huy được vai trò tích cực trong xây dựng pháp luật và giám sát.

 

Ðề cập trách nhiệm của đại biểu QH trong việc tiếp công dân và xử lý khiếu nại, tố cáo của công dân, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng: Trong trường hợp xét thấy cần thiết, đại biểu QH có quyền gặp người đứng đầu để giải quyết. Quy định vừa qua khó khả thi vì trong nhiều trường hợp, người đứng đầu từ chối hoặc xin khất trả lời. Theo đại biểu, dự thảo Luật cần nêu đại biểu QH có quyền yêu cầu người đứng đầu các cơ quan giải thích, làm rõ cơ sở pháp lý của vụ việc cần giải quyết.

 

Nếu không có quy định rõ tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội chuyên trách, sẽ không bảo đảm yếu tố hoạt động thường xuyên, ổn định và dễ dẫn đến tình trạng hành chính hóa hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Ðại biểu Trương Văn Vở (Ðồng Nai).

 

Luật MTTQ cần tạo điều kiện để tiến hành phản biện có quy trình, trình tự rõ ràng, có sự trao đổi qua lại giữa "cơ quan phản biện" và "cơ quan bị phản biện", kết quả cuối cùng phải được hai bên trao đổi để đi đến sự thống nhất.

Ðại biểu Nguyễn Văn Pha (Nam Ðịnh).