Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình và Tây Hồ

07:54, 07/10/2014

Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, ngày 6/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội thuộc đơn vị bầu cử số 1 đã có cuộc tiếp xúc cử tri hai quận Ba Đình và Tây Hồ để lắng nghe, tiếp nhận những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của cử tri gửi tới Quốc hội.  

Tại buổi tiếp xúc, đại diện đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đơn vị bầu cử số 1 cho biết, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc vào ngày 20/10 tới đây và dự kiến bế mạc ngày 29/11. Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 17 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến 12 dự án luật; giám sát va quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước như kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2014; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2015; giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII… Đáng chú ý, cũng tại kỳ họp Quốc hội cuối năm nay, Quốc hội sẽ thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm những người thuộc đối tượng Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm.

 

Phát biểu tại cuộc tiếp xúc, các cử tri vui mừng trước sự phát triển của đất nước; đánh giá cao việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng phát huy được vai trò giám sát, phản biện nhằm phát huy dân chủ trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Các cử tri cho rằng, việc trả lời trực tuyến của các Bộ trưởng đã sát thực tế hơn, công tác tiếp xúc cử tri có nhiều đổi mới. Cử tri mong muốn, sắp tới các Bộ trưởng cần tăng cường đi thực tế để gần dân, sát dân hơn.

 

Các cử tri cho rằng, trong thời gian qua, chủ trương chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta đã được thực hiện rất quyết liệt. Một số vụ án tham nhũng lớn đã được xét xử với những án tử hình rất nghiêm khắc, cho thấy quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong công tác này. Dẫn chứng từ hai vụ án tham nhũng lớn xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng, cử tri cho rằng, Đảng, Nhà nước phải có quyết sách rõ ràng, quy định chặt chẽ, cụ thể việc quản lý vốn, nợ công, tín dụng… để hạn chế thấp nhất tiêu cực. Liên quan đến vấn đề lãng phí, cử tri cho rằng, trong khi cuộc sống của người dân đang còn khổ, Nhà nước đang phải đi vay tiền trả nợ thì lãng phí lại xảy ra lớn. Quốc hội cần tìm ra nguyên nhân cơ bản để xử lý lãng phí cho hiệu quả.

 

Ngoài ra, một số cử tri còn nêu vấn đề công tác quản lý cán bộ, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại vấn đề bố trí, sắp xếp và quản lý cán bộ từ Trung ương đến địa phương. Bởi hiện nay đang có tình trạng, có cán bộ được Trung ương sắp xếp về địa phương vừa làm cán bộ chưa được bao lâu, chưa đủ trải nghiệm thì đã lên Trung ương làm đảo lộn công tác cán bộ…

 

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đề nghị Quốc hội tiếp tục xây dựng chính sách để hỗ trợ phát triển nông nghiệp nhiều hơn vì hiện nay đời sống của người dân ở nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, khoảng giữa nông thôn với thành thị còn lớn. Cử tri cũng cho ý kiến về quá trình tái cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế biển….

 

Thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đơn vị bầu cử số 1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao và trân trọng tiếp thu ý kiến cử tri gửi tới Quốc hội. Tổng Bí thư cho rằng, các vấn đề cử tri quan tâm đều mang tâm vĩ mô, rất đúng và trúng, thể hiện sự quan tâm của người dân đến tình hình chung của đất nước.

 

Trao đổi với cử tri về vấn đề phát triển nông nghiệp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng hiện đại. Phát triển nông nghiệp cũng là một hướng để công nghiệp hóa, theo hướng sản xuất lớn, chuyên canh tập trung, chất lượng cao, đưa khoa học công nghệ vào, tăng cường xuất khẩu, làm cho giá trị nông nghiệp tăng lên. Vừa qua chúng ta đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống mới vào sản xuất, nhờ đó đạt năng suất cao, chất lượng tốt, xuất khẩu có giá trị. Chúng ta đã đưa máy móc cơ giới, khoa học công nghệ vào, gắn nông nghiệp với doanh nghiệp, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Năng suất lúa đã khác xa so với trước đây, bình quân mười mấy tấn/ha, có nơi hơn 20 tấn/ha. Mỗi năm, cả nước làm ra hơn 40 triệu tấn lương thực, xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo, đứng thứ 2 trên thế giới, có lúc đứng thứ nhất. Thành tựu nông nghiệp rất lớn...Phong trào xây dựng nông thôn mới đã tạo chuyển biến mạnh mẽ ở nông thôn. Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng đồng tình với ý kiến của cử tri là Nhà nước cần phải tiếp tục quan tâm thích đáng cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân bởi cuộc sống ở khu vực này vẫn còn nhiều khó khăn.

 

Đề cập lĩnh vực kinh tế biển, Tổng Bí thư cũng cho biết, đây là một chiến lược quan trọng nên từ cách đây hơn 10 năm, Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết về vấn đề này để vừa phát huy tiềm năng phát triển kinh tế lớn của đất nước, vừa góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Tổng Bí thư khẳng định, phát triển nông nghiệp và kinh tế biển là những vấn đề và nhiệm vụ chiến lược trong phát triển đất nước.

 

Giải đáp một số băn khoăn, kiến nghị của cử tri liên quan đến vấn đề tham nhũng và chống tham nhũng còn đang nhức nhối trong xã hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, lần nào tiếp xúc cử tri cũng được nghe vấn đề này. Tham nhũng gây hại ngay cho nền chính trị, kinh tế của đất nước nên Đảng, Nhà nước và người dân rất không đồng tình, không ai “bật đèn xanh” cho tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên phải làm sao xây dựng được luật, cơ chế để cho người muốn tham nhũng cũng không dám tham nhũng, không có cơ hội để tham nhũng.

 

Liên quan đến vấn đề đào tạo cán bộ, Tổng Bí thư khẳng định, cán bộ là quyết định, muốn làm gì cũng phải có con người, vì vậy Đảng ta hết sức coi trọng công tác cán bộ, đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là cái gốc của mọi vấn đề. Thời gian qua, lần đầu tiên chúng ta tổ chức các lớp cán bộ dự nguồn, rồi đưa đi luân chuyển, xuống địa phương, vừa chống cục bộ địa phương chủ nghĩa, vừa rèn luyện, giúp cán bộ có thêm kinh nghiệm thực tế, nắm bắt cơ sở. Việc luân chuyển cán bộ phải theo đúng quy định chứ không có chuyện Trung ương cử cán bộ xuống địa phương kiểu “chuồn chuồn đạp nước” được 1- 2 năm rồi điều chuyển đi nơi khác, mà phải đủ 3 năm trở lên. Trừ một số trường hợp đặc biệt cần thiết phải rút lên. Cũng không phải cán bộ nào về địa phương cũng được lên chức. Không phải cốt xuống để lấy “mác” mà đi để lấy kinh nghiệm thực tế từ địa phương…