Phát huy tính tự lực tự cường, hăng hái thi đua góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp

08:57, 27/11/2014

Trong hai ngày 27 và 28-11, diễn ra Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên lần thứ II, năm 2014. Nhân dịp này, Báo Thái Nguyên Điện tử xin trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Nguyễn Đình Phách, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy về những định hướng trong công tác dân tộc của tỉnh thời gian tới.

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã cùng nhân dân cả nước lập nhiều chiến công hiển hách, viết nên trang sử vàng trong lịch sử dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cùng với các tỉnh trong vùng Việt Bắc, nhân dân các dân tộc Thái Nguyên đã làm tròn sứ mạng lịch sử, bảo vệ an toàn Trung ương Đảng, Bác Hồ và các cơ quan đầu não của Trung ương đóng trên địa bàn góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã cùng nhân dân cả nước chiến đấu anh dũng, lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

 

Sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống quê hương cách mạng, nỗ lực phấn đấu vươn lên, vượt qua mọi khó khăn thử thách, sáng tạo trong lao động sản xuất, tạo ra những bước tiến quan trọng trên con đường xây dựng và phát triển. Cơ cấu kinh tế đã có bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; sản xuất nông lâm nghiệp đã có bước chuyển theo hướng đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ và sản xuất hàng hoá, sản lượng lương thực không ngừng tăng lên; cơ sở hạ tầng ở vùng dân tộc, miền núi đã được cải thiện rõ rệt, bước đầu đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và phục vụ đời sống của đồng bào các dân tộc; công tác xoá đói giảm nghèo đã  đạt được kết quả đáng khích lệ, số hộ nghèo toàn tỉnh hàng năm đã giảm dần; sự nghiệp giáo dục có nhiều phát triển; các chính sách ưu tiên, miễn giảm cho đồng bào các dân tộc được quan tâm; bản sắc văn hoá tốt đẹp các dân tộc được bảo tồn, duy trì và phát triển; cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá được đẩy mạnh; chương trình phát thanh truyền hình tiếng dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện; tình hình an ninh chính trị được giữ vững, đội ngũ cán bộ các dân tộc thiểu số từng bước phát triển, đồng bào các dân tộc luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đạt được kết quả đó là nhờ có sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, sự đoàn kết, gắn bó, nỗ lực phấn đấu vươn lên của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc tỉnh nhà.

 

Phấn khởi với những thành tích đã đạt được, song chúng ta không được chủ quan, thoả mãn, vì chúng ta cũng còn không ít những tồn tại, hạn chế: Nhìn chung, đời sống đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số sống ở những thôn bản, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn nhiều bất cập, trình độ dân trí thấp, sản xuất chậm phát triển. Một số ít đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt. Cơ sở hạ tầng ở miền núi, vùng cao tuy đã được đầu tư nhưng nhìn chung còn thấp kém. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn cao, công tác xoá đói giảm nghèo đã đạt được kết quả nhất định nhưng chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao, khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số với các vùng trong tỉnh, giữa các dân tộc có xu hướng gia tăng; chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, công tác chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào các dân tộc thiểu số còn hạn chế. Một số tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan chưa được bài trừ, bản sắc văn hoá của một số dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị mai một.

 

Đất nước đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đan xen. Tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến đổi khó lường. Đứng trước bối cảnh đó, cả nước nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng trong những năm tới có nhiều thời cơ, song cũng không ít khó khăn, thách thức. Để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới đòi hỏi các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong tỉnh tiếp tục động viên sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết các dân tộc, hăng hái thi đua lao động sáng tạo, trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

 

Một là, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về dân tộc, tiếp tục quán triệt nâng cao nhận thức đúng đắn, đầy đủ hơn về miền núi, tình hình dân tộc và công tác dân tộc. Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào dân tộc để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp bổ sung, sửa đổi, ban hành mới các chính sách phát triển kinh tế - xã hội miền núi, dân tộc, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện chính sách đã ban hành.

 

Hai là, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, trước hết là giao thông, điện, trường học, trạm y tế, các công trình nước sinh hoạt v.v… Đẩy mạnh công tác xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, nhất là các xã đặc biệt khó khăn, phấn đấu bình quân mỗi năm vùng dân tộc, miền núi giảm 3-5% hộ nghèo. Tập trung giải quyết tốt về nhu cầu đất sản xuất, nhà ở; giải quyết cơ bản tình trạng du canh, du cư, di dân tự do, thiếu lương thực, thiếu nước sinh hoạt. Thực hiện tốt Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020” đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2037/QĐ-UBND ngày 16-9-2014.

 

Ba là, quan tâm bảo tồn và phát triển giá trị văn hoá tốt đẹp, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo, đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề cho thanh niên người dân tộc thiểu số; đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm vệ sinh môi trường.

 

Bốn là, tham mưu tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn, đặc biệt là tham mưu quản lý, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án được giao. Thực hiện có hiệu quả Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12-3-2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020. Tăng cường phối hợp củng cố hệ thống tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng tham mưu của cán bộ làm công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở đáp ứng mọi yêu cầu, nhiệm vụ mới theo yêu cầu tại Chỉ thị số 45-CT/TU ngày 28-10-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc, công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

 

Năm là, cán bộ làm công tác dân tộc cần phải nghiên cứu nắm vững chủ trương, đường lối đoàn kết dân tộc, chính sách dân tộc, công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước để tuyên truyền đến đồng bào trong từng xã, từng thôn bản; các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh phải thể chế hoá chủ trương, đường lối, chính sách dân tộc của Đảng thành chính sách, kế hoạch, chương trình, dự án và tổ chức thực hiện nghiêm túc trên địa bàn tỉnh.

 

Sáu là, thường xuyên nâng cao cảnh giác với âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch; tiếp tục xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, phát huy sức mạnh tại chỗ để sẵn sàng đập tan mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch; tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường yên bình cho nhân dân.

 

Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc luôn là vấn đề mang ý nghĩa chiến lược. Vì vậy, mỗi người dân không kể dân tộc, tôn giáo, già, trẻ, gái, trai hãy ra sức bảo vệ khối đại đoàn kết dân tộc. Các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể cần đặc biệt quan tâm hơn nữa đến việc củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở, đảm bảo trong sạch, vững mạnh; kiên quyết khắc phục tình trạng quan liêu, xa dân. Đồng bào dân tộc thiểu số hãy phát huy tính tự lực tự cường, đoàn kết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, ra sức thi đua lao động sản xuất để thoát nghèo, vươn lên làm giàu, xứng đáng với truyền thống quý báu từ ngàn đời nay của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.