Hồi ức của một chiến sĩ giải phóng quân

10:40, 22/12/2014

Ở tuổi 84, nhưng trí tuệ còn rất minh mẫn, Đại tá Nguyễn Huy Khoa (bí danh Mai Sơn) dù đang sống tại T.P Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) nhưng ông vẫn luôn nhớ về mảnh đất Thái Nguyên. Đó là nơi ông trở thành chiến sĩ giải phóng quân, được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và được tham gia Lễ hợp quân cách đây gần 70 năm.

Cảm nhận được mối ân tình Đại tá Mai Sơn dành cho Thái Nguyên, chúng tôi đã không quản ngại đường xa, trong cái rét tê tái đầu đông để được diện kiến ông. Trong con ngõ nhỏ ở khu Vĩnh Thịnh, phường Khai Quang (T.P Vĩnh Yên). Hồi ức của ông về những năm tháng sống và chiến đấu ở Thái Nguyên đã đưa chúng tôi ngược dòng thời gian về mấy mươi năm trước. Là con trai thứ 5 trong một gia đình có 6 anh em, cha mất sớm, nhà nghèo thiếu đói liên miên nhưng dòng máu nóng yêu nước đã sớm chảy trong huyết quản của tất thảy mấy anh em. Từ năm 1942, lần lượt các anh trai của ông tham gia hoạt động cách mạng. Anh trai cả Nguyễn Huy Minh (bí danh Thạch Sơn) bắt được liên lạc với các vị tiền bối đã lập lên đội du kích Quân Chu - Tam Đảo (sau này đổi tên thành Đội du kích kháng Nhật Cao Sơn - các đội viên trong đội đều lấy tên là Sơn). 3 người tiếp theo là Nguyễn Huy Mục (Tam Sơn), Nguyễn Huy Tân (Ngân Sơn), Nguyễn Huy Văn (Kim Sơn - nguyên Bí thư Huyện ủy Định Hóa) đều là đội viên của Đội du kích.

 

Dù rất muốn theo các anh nhưng vì quá nhỏ tuổi, Nguyễn Huy Khoa được anh căn dặn phải ở lại học cho được tiếng Pháp sau này còn dùng tới. Nhờ sáng dạ nên ông được tuyển vào Trường Lycée Albert - Sarraut. Đến năm 1944, ông thôi học gia nhập Đội du kích của anh cả Thạch Sơn. Theo các con, mẹ ông là cụ Vĩnh xuống Đại Từ sinh sống. Để xây dựng căn cứ bí mật, theo lời của Đội trưởng Thạch Sơn, ông viết đơn bằng tiếng Pháp cho Chánh sứ Thái Nguyên là ông Michelot để xin cấp rừng nói là để đốt than mang lên Tam Đảo bán cho người tây. 15 ngày sau, Đội được cấp 15 mẫu rừng. Ông nhớ lại: Chúng tôi lập căn cứ ở đó để tuyển quân, luyện quân, xây dựng cơ sở Việt Minh ở các xã, phục kích đánh Nhật, trừ gian và các tổ chức phản động. Căn cứ địa kháng Nhật được mở rộng ra các xã Quân Chu, Cát Nê, Ký Phú, Văn Yên (Đại Từ) và một số xã thuộc huyện Đồng Hỷ, Phổ Yên.

 

Tuy nhỏ tuổi nhưng Mai Sơn có tài bắn súng nên thường được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng. Ông nhớ nhất lần được giao nhiệm vụ đón đoàn cán bộ Thượng cấp từ Bắc Giang qua: “Sáng ngày 22-4-1945, tôi và đồng chí Tam Sơn được lệnh đi đón đoàn về nghỉ chân ở hậu cứ của Đội. Tôi được giao một khẩu súng ngắn, 4 viên đạn, kèm theo mệnh lệnh chỉ được bắn khi có lệnh của đồng chí Tam Sơn. Trưa hôm đó, chúng tôi nấp trong rừng trông ra chỗ ông Bá Tề người dân tộc Dao, là người được giao nhiệm vụ giả đứng chăn trâu để truyền ám hiệu. Nhưng khi nhận được đúng đoàn cán bộ, ông Bá Tề mừng quá không nói hết ám hiệu đã ra hiệu cho chúng tôi ra. Anh em tôi nhảy vọt ra khỏi vị trí nấp thì lập tức 3 đồng chí trong đoàn lánh vào rừng. Lúc đó anh Tam Sơn có nói “Chết thật, chưa nhận biết nhau. Mai Sơn đưa súng đây, chạy vào bìa rừng thưa với các anh “ta cả đấy” để các anh đứng lại nhận nhau rồi đưa ngay về hậu cứ”.

 

Tối hôm đó, theo phân công tôi và anh Tam Sơn được gác tại chân nhà sàn (vòng trong cùng) để đoàn cán bộ trao đổi tình hình với đội trưởng Thạch Sơn. Sau này tôi mới biết đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi họp Hội nghị Quân sự Bắc kỳ về. Vài ngày sau, anh Thạch Sơn thông báo Đội Cao Sơn đổi tên là đội Phạm Hồng Thái và báo ngày hợp nhất các lực lượng vũ trang. Tôi là 1 trong số 6 người đi dự, được mang theo súng quân dụng để bảo vệ cán bộ. Đồng chí Lê Trung Đình sẽ đón đoàn trên đường đi, địa điểm lễ hợp quân còn giữ bí mật, chỉ biết đi gần 2 ngày mới tới nơi. Chúng tôi đi từ đêm 12, chiều 14 đến xã Điềm Mặc (Định Hóa), nghỉ ở đó đến sáng 15 có người dẫn di chuyển tiếp đến khu rừng thàn mát.

 

Nói đến đây, ông ngưng lại giây lát, giọng tiếc nuối: Lúc đó tôi mới 16 tuổi nên không biết được vinh dự đó lớn đến thế nào. Tôi nhớ hôm ấy Đại tướng nói là có 13 đại đội, tôi nhẩm đếm có khoảng 400 người. Tôi chú ý nhất là đội quân của ông Quang Trung vì có rất nhiều súng lạ mà tôi chưa được thấy.

 

Đại tá còn nhớ diễn tiến của Lễ hợp quân không? Tôi hỏi.

 

- Quên thế nào được. Khi Đoàn Chủ tịch vào vị trí, tôi thấy có đông đủ cả các đại biểu và bà con đến dự. Không có loa đài, đồng chí Văn có cái mi-cờ-rô để phóng thanh nói nghe rất rõ. Mặt trời đã lên, nhưng đứng dưới tán rừng thàn mát nên vẫn rất mét mẻ. Ở phía xa, sau cây đa giữa làng tấp nập các đồng chí lo hậu cần. Chưa bao giờ tôi thấy lính của ta vỗ tay nhiều như thế. Lần vỗ tay đầu tiên là sau khi nghe Đại tướng nói lý do vì sao có cuộc hội quân hôm nay. Đồng chí đã điểm lại tình hình thế giới và trong nước đang hết sức thuận lợi cho phong trào kháng Nhật của ta. Nghe đến đây, binh lính ta vỗ tay ran lên. Đồng chí nói tiếp, mục đích thống nhất tổ chức, tập trung binh lực, sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu để tiến tới Tổng khởi nghĩa. Nghe đến mấy chữ “Tổng khởi nghĩa” không thể diễn tả được anh em chiến sĩ vui sướng đến cỡ nào, những tràng pháo tay kéo dài không ngớt. Lần vỗ tay thứ 3 là khi Đại tướng kết thúc bài diễn văn.

 

Sau lễ hợp quân, các đơn vị đều như được tăng thêm sức mạnh, riêng đội của ông 2 tháng sau đã diệt đồn Nhật trên núi Tam Đảo, bắt tù binh và thu toàn bộ vũ khí. Khả năng am hiểu các loại vũ khí của ông được phát huy khi lần lượt được cử đi học Trường Quân chính của Liên khu 10, Lục quân khóa 5, Trường Sĩ quan Pháo binh và ở Trung Quốc. Sau Chiến dịch Điện Biên phủ, ông được cử đi học cao cấp chỉ huy tham mưu pháo binh tại Liên Xô 7 năm. Về nước, ông làm Phó phòng nghiên cứu của Bộ Tư lệnh Pháo binh, Tham mưu trưởng Trung đoàn Pháo binh 204A - đơn vị được 2 lần phong anh hùng. Tiếp đó ông trải qua các vị trí Phó Phòng giáo viên Trường Sĩ quan pháo binh; Chủ nhiệm khoa của Học viện Kỹ thuật Quân sự....

 

¾ thế kỷ đã trôi qua, Đại tá Mai Sơn đã ở tuổi xưa nay hiếm, ông có 65 năm tuổi Đảng, 45 năm tuổi quân, ông bị thương trong chiến dịch Điện Biên Phủ và hiện là thương binh hạng 4/4. Năm1989, ông về hưu với quân hàm Đại tá, Phó Giáo sư khoa học kỹ thuật quân sự. Dù đã trải qua nhiều vị trí công tác, gắn bó với nhiều vùng quê nhưng ông luôn coi Thái Nguyên chính là quê hương của mình, tuy không phải nơi sinh ra nhưng nặng ân nghĩa như máu thịt. Trong số các phần thưởng cao quý được Nhà nước trao tặng, gia đình ông trân trọng và nâng niu nhất là “Bảng vàng danh dự” mà Chính phủ tặng mẹ ông năm 1954, trên đó viết: “Tặng Bảng vàng danh dự bà Nguyễn Thị Vĩnh, dân nghèo thành thị, ở xã Tân Thành, Đại Từ, Thái Nguyên” có 5 con và 1 em tòng quân (em trai sống cùng bà từ nhỏ và con trai cả Thạch Sơn đều là liệt sĩ, vài năm sau con gái út của bà cũng vào bộ đội). Đại tá Mai Sơn vẫn nhớ từng từ trong bài báo “Cả nhà kháng chiến” mà Bác Hồ đã viết tặng gia đình ông trên Báo Nhân dân, ngày 29-11-1951. Dưới bút danh C.B, Bác viết: “Bà cụ Vĩnh nay tản cư ở Thái Nguyên, có 6 người con: 5 trai và 1 gái, đều ở bộ đội. Tuy nhà nghèo, bà cụ Vĩnh vẫn hăng hái giúp đỡ cán bộ và bộ đội như con cháu ruột thịt. Bà cụ Vĩnh chẳng những là mẹ hiền của 6 chiến sĩ con cụ mà còn là mẹ chung của các chiến sĩ Việt Nam. Vì cả nhà kháng chiến, bà cụ Vĩnh và các con cụ thật xứng đáng với Tổ quốc. Và bà cụ thì xứng đáng là gương mẫu cho các bà mẹ Việt Nam”. Sau ngày nước nhà thống nhất, gia đình ông cũng vinh dự nhiều lần được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm.

 

Trước khi chia tay để chúng tôi trở về Thái Nguyên, ông đã gửi chúng tôi nhiều tư liệu lịch sử quý, những tấm ảnh cả gia đình chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và rưng rưng dặn: “Cho tôi gửi lời cảm ơn tới nhân dân và các đồng chí lãnh đạo tỉnh, bởi mỗi lần trở lại Thái Nguyên chúng tôi đều được đón tiếp bằng tình cảm dành cho người thân trong gia đình. Đất và người Thái Nguyên thật xứng đáng với truyền thống là cái nôi cách mạng, là mảnh đất mà những người đã từng được sống ở đó sẽ mãi nhớ về”.