Lại chuyện bình xét, khen thưởng cuối năm

10:52, 20/12/2014

Năm nào cũng vậy, vào dịp cuối năm, các cơ quan, đơn vị đều tổ chức tổng kết, khen thưởng. Và câu chuyện khen thưởng, phân loại thi đua lại ngập ngừng, ấp úng với những lời nhỏ to…!

Việc khen thưởng để ghi nhận, tôn vinh những giá trị lao động đã cống hiến trong một năm làm việc của mỗi người, của từng tập thể. Qua đó, tạo động lực khuyến khích các cá nhân, tập thể tiếp tục phát huy khả năng của mình trong mùa thi đua mới. Sẽ rất hiệu quả, khi công tác thi đua, khen thưởng được làm bài bản, đúng người, đúng việc, đúng với thành quả mà cá nhân, tổ chức đã nỗ lực phấn đấu. Khi ấy, các cá nhân, tổ chức được vinh danh cũng thấy vẻ vang, vinh dự với những thành quả, cống hiến của mình… Đó là động lực để thi đua. Và mỗi khi có động lực, có phong trào thi đua thì đơn vị và xã hội còn phát triển.

 

Năm nay, tỷ lệ phần trăm xếp loại xuất sắc được siết chặt hơn, với mong muốn khen cho đúng đối tượng và đã khen thì phải khen cho xứng đáng. Thế nhưng đâu đó, việc khen thưởng vẫn tràn lan, bình chọn dễ dãi, và đặc biệt có điều tế nhị luật bất thành văn “sếp” đương nhiên được khen thưởng đang là thực trạng dễ thấy. Nhìn vào danh sách cá nhân được khen thưởng hằng năm sẽ biết ngay năm nào các “sếp” cũng được khen thưởng cao. Còn cán bộ cấp dưới, người lao động thì đa số là lao động tiên tiến, năm thuở mười thì mới được danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở một lần, vì phải luân phiên nhau! Do vậy, khi bình xét để cấp trên khen thưởng cao hơn, hiển nhiên các “sếp” lại được vì đủ tiêu chí nhiều năm liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, còn cấp dưới thì năm được năm không nên đâu có dễ. Nếu thực chất “sếp” có công lao, cống hiến thì việc đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, khen cao hơn thì chả có gì phải nói. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn có những “sếp” chưa thực sự xứng đáng, nhưng vì điều tế nhị mà chẳng ai dám nói ra. Và rồi cứ bức bối, ngập ngừng, ấp úng với những lời nhỏ to quanh chuyện bình xét, khen thưởng cuối năm…!

 

Để phong trào thi đua được đúng nghĩa, đúng người, đúng việc, cần lắm sự nhìn nhận thẳng thắn của đồng chí, đồng nghiệp. Hãy góp ý phân tích những mặt tích cực, những hạn chế khuyết điểm của đồng chí mình. Đồng thời, bản thân mỗi người phải nêu cao tinh thần đấu tranh phê và tự phê bình, mình xứng đáng ở danh hiệu nào thì nhận danh hiệu ấy… Có như vậy, phong trào thi đua mới đạt kết quả như mong muốn!