Nhà báo không thực hiện yêu cầu xuất trình Thẻ nhà báo và Giấy giới thiệu khi dự đưa tin về phiên tòa được coi là hành vi vi phạm.
Đây là một trong những nội dung trong dự án Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu tại phiên họp thứ 33 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 22/12.
Pháp lệnh đã được trình UBTVQH thảo luận tại phiên họp thứ 31 (tháng 9/2014). Sau phiên họp, Ủy ban Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Pháp lệnh để trình UBTVQH tại phiên họp thứ 33.
Lấp khoảng trống về mặt luật pháp
Về sự cần thiết ban hành Pháp lệnh, có ý kiến cho rằng cần xem xét lại sự cần thiết ban hành Pháp lệnh này, vì các luật tố tụng đang trong quá trình được xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013; các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân sẽ được quy định trong các luật tố tụng. Việc xử phạt sẽ căn cứ vào quy định của các luật tố tụng và Luật XLVPHC.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật cho rằng, theo quy định của Điều 390 của BLTTDS, thì thủ tục, thẩm quyền xử phạt, mức tiền phạt đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng do UBTVQH quy định. Thi hành quy định nêu trên của BLTTDS, Quốc hội đã giao UBTVQH ban hành Pháp lệnh xử phạt hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân. BLTTDS tuy có quy định về hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự của Tòa án nhân dân nhưng lại không quy định cụ thể về thẩm quyền xử phạt của TAND, cũng như về thủ tục xử phạt, mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm, thủ tục thi hành quyết định xử phạt... Nên thực tiễn cho thấy kể từ ngày BLTTDS có hiệu lực (ngày 1/1/2005) đến nay, các Tòa án nhân dân hầu như không xử phạt được trường hợp vi phạm nào.
BLTTHS quy định những biện pháp đối với người vi phạm trật tự phiên tòa (Điều 198) trong đó có quy định chủ tọa phiên tòa có thẩm quyền xử phạt người vi phạm trật tự phiên tòa. Luật TTHC quy định “người có nghĩa vụ thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo nhưng không làm đúng trách nhiệm của mình thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự...” (khoản 2 Điều 94). Tuy nhiên, các quy định nêu trên mới chỉ quy định có tính nguyên tắc chung nhất, nếu không có văn bản pháp luật cụ thể hóa thì không thể thi hành được.
Mặt khác, theo ông Nguyễn Văn Luật, Luật XLVPHC được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012 có quy định về thẩm quyền của Tòa án nhân dân (Điều 48) xử phạt vi phạm hành chính cùng với mức tiền phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thủ tục xử phạt... nhưng lại không quy định cụ thể hành vi vi phạm nào được coi là hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân tương tự như quy định của BLTTDS, BLTTHS và Luật TTHC. Do đó, Tòa án nhân dân gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng Luật XLVPHC để xử phạt vi phạm.
Đây là khoảng trống về mặt luật pháp. Vì vậy, UBTP cho rằng việc UBTVQH ban hành Pháp lệnh này là cần thiết để bảo đảm thi hành các quy định của pháp luật về xử phạt hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Liên quan ý kiến đề nghị chưa thông qua Pháp lệnh vì chờ bổ sung vào các luật sẽ sửa đổi, Chánh án tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho rằng dù luật có được sửa đổi cũng không thể bao quát hết được. Hơn nữa, thực hiện tinh thần Hiến pháp 2013 cần có quy định cụ thể để điều chỉnh, xử lý nhằm đảm bảo quyền công dân, quyền con người. Việc chờ sửa các luật sẽ mất một thời gian dài và khó đảm bảo toàn diện.
Nhà báo dự tòa đưa tin có cần giấy giới thiệu?
Dự thảo Pháp lệnh quy định Hành vi vi phạm nội quy phiên toà hình sự, dân sự có nêu: Nhà báo không thực hiện yêu cầu của Tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác khi tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa; không chấp hành đúng hướng dẫn của Thư ký phiên tòa hoặc lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa về khu vực tác nghiệp; không chấp hành sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa mặc dù đã được nhắc nhở.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng quy định này chưa rõ, đồng thời đặt vấn đề: “Nhất thiết có thẻ mới được vào không? Thẻ nhà báo “to” hơn giấy giới thiệu tại sao còn hỏi giấy giới thiệu? Có phải thủ tục hành chính phiền hà, không rõ ràng không? Xuất trình thẻ, giấy giới thiệu chỉ là lúc ra vào thì đã phải là hành vi cản trở phiên tòa chưa? Gác cổng thấy không có thẻ thì không cho vào, cớ sao lại xử phạt?”
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Tòa xét xử công khai thì nhà báo và dân chúng được theo dõi. Tùy vào điều kiện vật chất để bố trí số lượng và vị trí cho hợp lý đối với các nhà báo.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu cân nhắc kỹ về quy định người bị xử phạt còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính: Buộc rời khỏi phòng xử án; Tạm giữ người; Áp giải người vi phạm; Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm; Khám người; Khám đồ vật; Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm.
"Tôi chưa hiểu chỗ này. Quy trình thủ tục để thực hiện như thế nào vì khác nhau lắm. Buộc rời là một hành vi, tạm giữ thì giữ ở đâu, giữ mấy ngày, ai ra lệnh tạm giữ; áp giải thì lực lượng nào; tạm giữ tang vật có kiểm kê không, cất ở đâu, có trả không? Viết như thế này đơn giản quá”.
Chủ tịch cũng lưu ý Ủy ban Pháp luật vì đáng lẽ phải đóng góp vào dự thảo trước khi đưa ra Thường vụ để quy định rõ hơn, thể hiện chặt để minh bạch, rõ ràng với người dân. Theo đó, Pháp lệnh nên quy định những gì liên quan đến phiên tòa chứ không nên mở rộng.
Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, những hành vi như lừa đảo, gian dối, buộc người khác ra làm chứng gian dối... không nên đưa vào hành vi sẽ bị xử phạt hành chính, nếu có thì đó là mức xử phạt phụ trong vụ án hình sự đối với với những hành vi này. “Anh đưa ra chứng cứ, tài liệu giả có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng”, ông Ksor Phước nhấn mạnh./.