Sau chục ngày khởi hành, Đoàn công tác đi thay, thu quân, thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ huyện đảo Trường Sa trên tầu HQ936 đã đến khu vực đảo Cô Lin, Len Đao gần đảo Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép năm 1988.
Tại đây, Đoàn công tác đã tổ chức Lễ tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ chủ quyền hải đảo của Tổ quốc.
Tại lễ tưởng niệm, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ trên tầu HQ936 mặc trang phục chỉnh tề, trang nghiêm đứng trên boong tầu. Lại một lần nữa, biển nín lặng đón nhận vòng hoa và nhiều vật dụng bình dị gắn liền với đời lính thuỷ. Ngày hôm đó, vị mặn mòi của biển hoà lẫn với nước mắt của những người trên tầu trong giây phút đầy xúc động để tưởng nhớ về trận chiến cuối cùng của cuộc đời những người lính xả thân nơi biển cả bao la để khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trước sự hung hãn, táo tợn của đối phương.
Trận Hải chiến năm xưa đã diễn ra vào sáng 14-3-1988 tại các bãi san hô Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc khu vực đảo Sinh Tồn cách đất liền Việt Nam hơn 400km. Trước đó, trong 2 tháng đầu năm 1988, Trung Quốc bất ngờ đổ quân chiếm đóng trái phép 5 bãi san hô trong khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, trong đó có những bãi san hô rất gần với khu vực do Hải quân nhân dân Việt Nam đang đóng quân. Nhằm ngăn chặn việc chiếm đóng trái phép tiếp diễn, quân chủng Hải quân đã vận chuyển vật liệu, khí tài kiểm soát 6 bãi san hô khác và cho đến đầu tháng 3-1988 đã bước đầu ngăn chặn việc mở rộng phạm vi chiếm đóng của đối phương. Nhận thấy vị trí rất quan trọng của 3 bãi san hô nằm trong cụm đảo Sinh Tồn, quân chủng Hải quân Việt Nam đã điều động 3 tàu mang khí tài và vật liệu xây dựng trong nhiệm vụ mang tên CQ-88 để chốt giữ bãi san hô này không để rơi vào tay Trung Quốc. Đến chiều 13-3-1988, các tàu HQ604, HQ505, HQ605 đã lần lượt tiếp cận các bãi san hô Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. Các chiến sĩ Hải quân, công binh lập tức đổ bộ xuống các bãi, bố trí các tổ bảo vệ đảo, chuẩn bị vật tư để xây công trình phòng thủ. Đồng thời dựng cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền Việt Nam.
Ngay trong chiều hôm đó, tàu chiến của Trung quốc đã nhiều lần áp sát, gọi loa báo động khiêu khích các chiến sĩ của ta đang làm nhiệm vụ trên 3 bãi san hô Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. Trung Quốc tiếp tục huy động thêm nhiều tầu khu trục cơ động trong khu vực 3 bãi san hô do Việt Nam đang nắm giữ, đồng thời thả nhiều xuồng máy chở lính có vũ trang tiến vào bãi đá áp sát các chiến sĩ ta. Căng thẳng kéo dài từ chiều 13 đến sáng 14-3, chiến sĩ trên các bãi san hô vẫn quyết tâm tôn trọng Công ước Luật biển, hoà bình trong khu vực, kiên nhẫn chốt giữ, nín nhịn và tránh mọi sự khiêu khích của đối phương. 6 giờ sáng ngày 14-3, Trung Quốc tiếp tục cử hàng chục lính có vũ trang xông thẳng về bãi đá Gạc Ma để hạ cờ Việt Nam, dùng vũ lực uy hiếp quân ta dời khỏi đảo. Trong trận chiến giữ cờ trên bãi đá Gạc Ma, Thiếu uý Trần Văn Phương đã anh dũng hy sinh khi tay không giữ vững lá cờ Tổ quốc không để đối phương giật xuống. Trước khi hy sinh, anh đã hô to: “Thà hy sinh chứ không để mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của quân chủng Hải quân Việt Nam”. Không uy hiếp được Hải quân và công binh Việt Nam rút khỏi đảo Gạc Ma, quân đội đổ bộ buộc phải rút về tàu chiến của bọn chúng. Và khoảng 7 giờ 30 phút ngày 14-3-1988, hàng loạt đại liên từ tàu chiến của Trung Quốc đã sát hại gần như toàn bộ chiến sĩ Hải quân và công binh Việt Nam trên bãi đá Gạc Ma. Không dừng lại, quân Trung Quốc tiếp tục bắn phá vào tàu vận tải HQ604 cho đến khi tàu chìm hẳn. Toàn bộ thuỷ thủ trên tàu HQ604 hy sinh trong trận chiến giữ đảo. Tiếp đến tầu HQ505 chốt giữ bãi Cô Lin và HQ605 chốt giữ bãi Len Đao phải oằn mình dưới làn đạn pháo dày đặc bắn ra từ tàu chiến Trung Quốc. Tàu HQ505 chìm xuống bãi Cô Lin và hư hỏng nặng, tàu HQ605 thì chìm hẳn vào sáng 15-3. Sau trận chiến này, Trung Quốc chiếm giữ được bãi Gạc Ma, còn Việt Nam giữ được 2 bãi Cô Lin và Len Đao.
Cũng trong những ngày này, Đoàn công tác đã lên thăm, chúc Tết các cán bộ chiến sĩ trên 2 đảo Cô Lin và Len Đao. Cuộc sống tại 2 đảo hôm nay, trong từng giây phút thanh bình, những người lính Trường Sa vẫn nhắc cho nhau nghe về một thời máu và hoa của thế hệ cha anh năm xưa để tự nhủ bản thân luôn chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu. Đại uý Trương Hồng Phương, Chỉ huy trưởng đảo Cô Lin cho biết: Đảo có vị trí gần đảo Gạc Ma do Trung Quốc chiếm đóng trái phép nhất nên các cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn chú ý quan sát mục tiêu báo cáo tình hình thường xuyên, kịp thời tới cấp trên. Đồng thời đề cao cảnh giác, sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu gây hấn và phá hoại của đối phương.