Luôn sáng ngời chất thép

13:13, 18/03/2015

Họ đã dũng cảm chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, rồi bị rơi vào tay địch, bị đày ải trong các nhà tù, những “Địa ngục trần gian”. Nhưng ở nơi tăm tối nhất, họ vẫn luôn sáng ngời ánh thép. Bởi một lẽ đơn giản - họ là những người cộng sản.

Mỗi người cựu tù cộng sản bị địch bắt giam giữ, tù đày lại có một câu chuyện riêng, nhưng chắc chắn họ có chung một niềm căm thù giặc sâu sắc, bởi trên thân thể mỗi người, như ông Lã Bá Chính (Định Hóa), Dương Chừng (Phú Bình), Võ Kim Phượng (T.X Sông Công)… và hầu hết các cựu tù bị địch bắt giam giữ, tù đày phải mang trên thân thể những vết đòn roi về tận làng quê, và theo cho đến hết cuộc đời. Để mỗi khi trái gió, trở trời, những vết đòn thù lại động cựa, hành xác bằng từng cơn đau nhức nhối.

 

Theo ông Đỗ Xuân Tòng, Trưởng Ban Liên lạc Cựu Tù binh cộng sản tỉnh: Đã sau 40 năm khép lại cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất, những người con của vùng đất thép Thái Nguyên từ các mặt trận trở về quê hương đoàn tụ cùng gia đình, trong đó có những người lính không may bị địch bắt, tù đày và đã kiên cường chiến đấu ở nơi “hang hùm, miệng cọp”. Không tấc sắt trong tay, song ý chí sắt đá của những người cộng sản đã làm cho quân địch kinh hoàng, khiếp đảm. Chính vì lẽ ấy mà những người cựu tù binh cộng sản luôn có quyền tự hào về năm tháng họ từng sống, từng chiến đấu bên đồng đội trong 4 bức tường chằng chịt đầy dây kẽm gai, với đủ mọi cực hình tra tấn dã man của thời trung cổ.

 

Với tổng số gần 300 cựu tù binh cộng sản bị địch bắt giữ, giam cầm, nhiều người đã chết vì đau yếu, bệnh tật do hậu quả của những năm tháng trong tù ngục bị địch tra tấn, hành hạ. Ông Tòng cho biết thêm: Mỗi lần Ban Liên lạc tổ chức gặp mặt, quân số của chúng tôi lại vơi đi, hiện còn khoảng 200 người đều tuổi cao, sức yếu. Nhiều người là thương binh, là nạn nhân chất độc da cam có cuộc sống rất khó khăn, nhưng họ vẫn luôn cố gắng vươn lên trong lao động sản xuất, gương mẫu tham gia xây dựng gia đình văn hóa và các phong trào tại địa phương.

 

Những người thuộc thế hệ làm nên “thiên sử vàng” ấy phần nhiều đã bước vào độ tuổi mấy nay hiếm. Tuy cuộc sống mỗi người đều có bận rộn riêng, nhưng họ vẫn đến bên nhau để động viên, sẻ chia tình cảm và luôn sẵn lòng giúp đỡ nhau đi qua cơn hoạn nạn. Giữa cuộc đời thường, tình đồng chí thêm keo sơn, thủy chung gắn bó. Để mỗi lần gặp nhau, các cựu tù binh cộng sản bị địch bắt tù đày cùng sẻ chia tâm tư tình cảm, về nỗi đau đớn khi bị địch tra tấn bằng những cách “tân tiến” nhất. Chuyện đã qua từ lâu, song trong ký ức mỗi người thì như còn tươi mới, vì đòn roi trên cơ thể có vết lành thành sẹo, có vết ngấm vào xương tủy, nhức nhối.

 

Ông Trần Quang Hiền, xã Bình Thuận (Đại Từ) bị địch bắt khi đang chiến đấu ở núi Non Nước, Ninh Bình. Sau khi bị địch bắt 1 tháng, ông cùng một số đồng đội vượt ngục không thành, bị chúng tra tấn hết sức dã man rồi đầy đến bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa). 3 tháng sau, chúng đầy ông ra đảo Phú Quốc (Kiên Giang) giam giữ. Ông được trở về đơn vị cũ thông qua việc 2 bên ta và địch trao trả tù binh...  Năm 1970, ông về nghỉ mất sức tại địa phương. Ông lấy vợ và sinh được 10 người con, trong đó có 1 người con gái bị dị dạng. Tuy sức khỏe không được tốt, nhưng ông luôn cố gắng vươn lên, làm giàu bằng chính sức lao động của mình. Ông cho biết: Từ năm 1990 đến nay, gia đình tôi làm kinh tế VAC, mỗi năm xuất bán được 10 tấn vịt, 2 tấn gà và chim cút, chưa kể lợn, cá và các loại cây ăn quả. Còn ông Hoàng Đình Tư, xã Nam Tiến (Phổ Yên), một người lính từng lập nhiều chiến công trên chiến trường, được cấp trên trao tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “ Dũng sĩ diệt xe cơ giới”. Ông Tư tự hào kể: Đó là trận đánh thứ 19 của tiểu đội luồn sâu trong lòng địch của chúng tôi. Tiểu đội thiếu nên chỉ có 8 người. Chúng tôi đã chiến đấu với 1 tiểu đoàn địch gồm 500 lính ngụy, có 16 xe tăng và máy bay yểm trợ. Chúng tôi đã bắn đến viên đạn cuối cùng, bị kiệt sức rồi bị địch bắt đầy ra côn đảo… Những ngày trong ngục tù đế quốc, chúng tôi bí mật lập hội đồng hương; hội đồng đoàn kết đấu tranh với bọn cai ngục, như: Không điểm danh vào buổi sáng, không chào cờ địch, không hô khẩu hiệu phản cách mạng và chúng tôi đã biến nhà tù thành một trường học lớn.  

 

Sau ngày đất nước thống nhất, những nhà tù của đế quốc Mỹ trở thành chứng tích lịch sử, ghi tạc lại bao nỗi niềm đau đớn nhân loại lên án. Những nhà tù được ví như “Địa ngục trần gian” ấy nay còn là địa danh du lịch, và là nơi nhắc nhớ các thế hệ con cháu: Từ nơi tăm tối nhất, cha ông chúng ta đã góp máu xương viết nên khúc ca khải hoàn. Để ngày trở về đoàn tụ cùng gia đình, mỗi người cựu tù binh cộng sản bị địch bắt giữ, giam cầm thêm lần nữa tỏa sáng bằng từng việc làm bình dị.