Tại ngày làm việc thứ 2, các đại biểu đã nghe đại diện lãnh đạo 7 sở, ngành giải trình làm rõ thêm một số nội dung được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm. Chúng tôi trích lược một số nội dung đáng chú ý.
Sẽ bổ sung quy hoạch hạ tầng cụm công nghiệp
Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh đặt câu hỏi: Tại sao trong Quy hoạch tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 chỉ đề cập đến mục tiêu phát triển hạ tầng KCN và KCN - đô thị mà chưa tính đến các cụm công nghiệp (CCN), ông Đặng Xuân Trường, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư giải trình: Hiện 9 huyện, thành, thị trong tỉnh đều quy hoạch các CCN và đây là khu vực không thể tách rời của mục tiêu phát triển công nghiệp ở địa phương. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu xây dựng Quy hoạch xin tiếp thu ý kiến của Ban Kinh tế Ngân sách và bổ sung thêm vào quy hoạch nội dung trên, trong đó nhấn mạnh một số ý như sau: Tiến hành rà soát lại quy hoạch các CCN trên địa bàn; kiến nghị đưa ra khỏi danh mục các CCN không có khả năng triển khai, đồng thời bổ sung các CCN khác có khả năng thu hút đầu tư; đến năm 2020, lập quy hoạch chi tiết toàn bộ các CCN để kêu gọi các nhà đầu tư hạ tầng, phấn đấu đến năm 2025 tất cả các CCN có nhà đầu tư hạ tầng.
Vì sao lại thành lập mới "đô thị Yên Bình"?
Trước nhiều ý kiến đề nghị làm rõ việc tại sao trong Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đến năm 2035 lại đề xuất thành lập đơn vị hành chính mới "đô thị Yên Bình" tách khỏi huyện Phổ Yên, Ông Trần Dương Hợp, Giám đốc Sở Xây dựng giải thích: Theo quy hoạch, "đô thị Yên Bình" có quy mô đô thị dự kiến khoảng 7.000ha thuộc địa giới hành chính của hai huyện là Phú Bình và Phổ Yên. Cấp đô thị của Yên Bình thuộc loại IV với khu vực lõi là đô thị thông minh và các khu công nghiệp, dịch vụ, khu công nghệ thông tin tập trung. Việc xác định thành lập "đô thị Yên Bình" là phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh, sẽ được bổ sung trong quy hoạch hệ thống đô thị Việt Nam. Hiện nay, huyện Phổ Yên đã có thị trấn Ba Hàng mở rộng được công nhận là đô thị loại IV, thể hiện rõ sự phân định ranh giới và tính độc lập. Trong đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đã xác định khả năng phát triển mạnh của "đô thị Yên Bình". Tùy theo điều kiện thực tế của tỉnh để xác định "đô thị Yên Bình" tương lai sẽ trở thành một thị xã thuộc tỉnh.
Từ 1-1-2015, các dự án chỉ được thực hiện theo kế hoạch vốn
Tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) thuộc nguồn vốn ngân sách tỉnh đến thời điểm cuối tháng 4-201: Ảnh hưởng của khoản nợ này đối với tình hình nợ công chung của tỉnh, giải pháp trong vấn đề này? Theo ông Đặng Xuân Trường, Giám đốc Sở KH-ĐT: Tính đến cuối tháng 4-2015, số nợ đọng XDCB thuộc nguồn vốn ngân sách tỉnh là 668 tỷ đồng. Trong nguồn vốn đầu tư phát triển, việc bố trí phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên mà Nghị quyết HĐND tỉnh đã quy định, cụ thể: Hoàn trả vốn vay của ngân sách địa phương đến hạn trả; cân đối vốn thực hiện các đề án đã được HĐND tỉnh thông qua; trả nợ các dự án đã phê duyệt quyết toán; đối ứng các dự án ODA; bố trí các dự án cấp bách; trả nợ các dự án hoàn thành, chuyển tiếp. Số vốn còn lại (nếu có) mới bố trí khởi công mới, trừ trường hợp cần thiết, cấp bách có ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh. Với quy định này, số nợ XDCB càng lớn sẽ càng ảnh hưởng đến việc bố trí cho các thứ tự ưu tiên khác. Một trong số các giải pháp được UBND đưa ra nhằm giảm số nợ XDCB đó là từ 1-1-2015, các dự án chỉ được thực hiện theo kế hoạch vốn, không được phát sinh thêm nợ đọng XDCB theo đúng tinh thần Luật Đầu tư công.
Chuyển phương thức phát hành trái phiếu sang đấu thầu
Liên quan đến việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (TPCQĐP), nhiều ý kiến cho rằng cần làm rõ hơn cơ chế, căn cứ và phương thức phát hành, ông Nguyễn Minh Quang, Phó Giám đốc Sở Tài chính trả lời: Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002 thì mức dư nợ vốn vay của tỉnh không vượt quá 30% vốn đầu tư XDCB trong nước hàng năm. Đối với Thái Nguyên, tổng vốn đầu tư XDCB năm 2015 là 2.135 tỷ đồng. Như vậy, tổng hạn mức vay nợ theo quy định của tỉnh chỉ được 640 tỷ đồng. Tuy nhiên, căn cứ nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển và tốc độ tăng thu ngân sách, cùng như khả năng cân đối để trả nợ vốn vay huy động của tỉnh, tỉnh đã đưa ra mức huy động là 1.000 tỷ đồng. Do việc huy động nguồn vốn trái phiếu vượt quá quy định cho phép, nên nếu được HĐND tỉnh thông qua lần này sẽ là căn cứ để UBND tỉnh trình Bộ Tài chính để Bộ trình với Chính phủ xem xét, quyết định số lượng cụ thể khối lượng phát hành TPCQĐP tại tỉnh ta. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh, việc phát hành TPCQĐP sẽ được chuyển từ phương thức bảo lãnh phát hành sang đấu thầu, để giảm được 1 phần lãi mà tỉnh phải trả.
Ưu tiên đầu tư xây dựng chợ cho các xã điểm nông thôn mới
Làm rõ hơn một số nội dung về cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ nông thôn, ông Nghiêm Xuân Nguyên, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Toàn tỉnh hiện có 139 chợ, thì có tới 124 chợ tạm. Dự kiến trong giai đoạn 2015-2020, sẽ có 129 chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ, đầu tư xây dựng với tổng nguồn vốn tối thiểu là 510 tỷ đồng (bình quân 4 tỷ đồng/chợ), trong đó, từ nguồn vốn xã hội hóa sẽ là 422 tỷ đồng; còn lại là do ngân sách tỉnh hỗ trợ. Để được hỗ trợ, các chợ được đầu tư xây mới hoặc cải tạo phải đạt tiêu chuẩn Quốc gia số TCVN 9211 - “Chợ - Tiêu chuẩn thiết kế”, đồng thời, phải đảm bảo yêu cầu: Có trong quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt và phù hợp với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM); nhà đầu tư có phương án, giải pháp và khả năng về tài chính. Về thứ tự yêu tiên, trước mắt tỉnh sẽ tập trung nguồn kinh phí hỗ trợ đầu tư cho các chợ thuộc 35 xã điểm xây dựng NTM có chợ chưa đạt chuẩn.
Chưa có chủ trương xây dựng tượng Đại tướng tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp
Về ý kiến của một số đại biểu, cử tri mong muốn đặt tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp, ông Phạm Thái Hanh, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: Hiện, tỉnh ta chưa có chủ trương xây dựng tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Quảng trường mang tên Đại tướng. Tuy nhiên, trong Dự án Quảng trường Võ Nguyên Giáp, tỉnh đã có chủ trương xây dựng 2 bức phù điêu khắc họa chân thực thần thái, vóc dáng, phong cách, trí tuệ, công lao của Đại tướng cùng những tình cảm mà Đại tướng dành cho nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Để 2 bức phù điêu đảm bảo tính trang trọng, tạo được dấu ấn bản sắc văn hóa dân tộc tỉnh Thái Nguyên, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tham mưu với tỉnh tổ chức Cuộc thi sáng tác mẫu phác thảo phù điêu. Sau khi có kết quả, tỉnh sẽ công bố rộng rãi để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trước khi tiến hành xây dựng.
Cần thiết phải lập quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường
Trước yêu cầu làm rõ thêm về sự cần thiết về việc lập quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường, ông Đoàn Văn Tuấn, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường làm rõ: Theo dự báo, nhu cầu về VLXD trên địa bàn tỉnh là rất lớn để cung cấp cho các công trình, dự án trọng điểm đang thi công như: Samsung, Núi Pháo, đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới, KCN Yên Bình, các khu dân cư, đô thị, xây dựng nông thôn mới… Tuy nhiên hiện tỉnh ta mới có 76/140 điểm mỏ khoáng sản làm VLXD đã được cấp phép (gồm 44 mỏ đá vôi, 3 mỏ cát kết, 16 mỏ cát, sỏi, 5 mỏ sét gạch ngói, 8 mỏ đất san lấp). Với số lượng mỏ đã cấp phép khai thác so với nhu cầu sử dụng thì sản lượng khai thác của tất cả các loại khoáng sản làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong kỳ quy hoạch, thường phải lấy từ tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh lân cận để xây dựng. Do đó, việc lập Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường đặc biệt là với các mỏ chưa được cấp phép là phù hợp, cần thiết để bù đắp được sự thiếu hụt hiện nay.