Thường vụ Quốc hội ủng hộ quyền xác định lại giới tính

15:38, 12/05/2015

Dự thảo Bộ luật quy định cá nhân là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được thực hiện quyền xác định lại giới tính trong trường hợp luật định. Cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được thực hiện quyền xác định lại giới tính trong trường hợp luật định thông qua cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật.

Thảo luận tại phiên làm việc sáng 12/5, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với quy định và cho rằng điều này thể hiện rõ tính nhân văn.

 

Khoản 3 điều 36 nêu 2 phương án về quyền chuyển đổi giới tính: ”Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của Luật” và ”Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính”. Các ý kiến đề nghị cân nhắc để quy định cho phù hợp.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh, việc thừa nhận hay không công nhận quyền này không chỉ liên quan đến quyền nhân thân của một cá nhân, mà kèm theo đó là rất nhiều vấn đề xã hội phát sinh, chẳng hạn như hành lang pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp y học để chuyển đổi giới tính, hay có công nhận hôn nhân đồng giới hay không có phù hợp với điều kiện KT-XH và truyền thống, phong tục, tập quán của Việt Nam hay không?

 

Cơ quan thẩm tra dự án luật cũng đề nghị cần tham khảo kinh nghiệm thế giới đã có bao nhiêu quốc gia thừa nhận chuyển đổi giới tính, những trường hợp nào thì pháp luật cho phép chuyển đổi giới tính. Trên cơ sở đó Quốc hội mới có đầy đủ thông tin để xem xét và quyết định vấn đề này cho chính xác và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai ủng hộ quyền xác định lại giới tính và đề nghị quy định tách bạch với việc chuyển đổi giới tính vì đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm cần cân nhắc.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu ủng hộ phương án 1 quy định về chuyển đổi giới tính. Trong tương lai tiếp tục xem tính nhạy cảm, phức tạp, tác động xã hội để có quy định hợp lý.

 

Phát biểu ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, dù không thừa nhận chuyển đổi giới tính nhưng với vai trò quản lý, Nhà nước vẫn phải xử lý hậu quả./.