Cần giải pháp quản lý, sử dụng tài nguyên hiệu quả

08:45, 03/10/2015

Trong dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015) và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020) trình tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, có nhiều giải pháp quan trọng thu hút sự quan tâm, góp ý của người dân trong tỉnh. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ tổng hợp và giới thiệu một số ý kiến góp ý vào giải pháp quản lý, sử dụng tài nguyên hợp lý và hiệu quả.

Theo phân tích của các nhà chuyên môn thì thực tế đang đặt ra những thách thức ngày càng lớn đối với công tác quản lý tài nguyên ở nước ta. Đó là hiểu biết của người dân về tiềm năng, trữ lượng, giá trị của các nguồn tài nguyên đất nước còn hạn chế; thông tin, dữ liệu về các nguồn tài nguyên không đầy đủ, thiếu thống nhất và chuẩn hóa. Nguồn lực tài nguyên chưa được cân đối, phân bổ hợp lý, sát với yêu cầu, mục tiêu phát triển. Việc khai thác, sử dụng nhiều nhóm tài nguyên chưa hợp lý, kém hiệu quả và không bền vững dẫn đến lãng phí nguồn lực Quốc gia, một số nguồn tài nguyên có biểu hiện bị cạn kiệt. Nguồn thu cũng như lợi ích từ tài nguyên chưa được sử dụng và phân bổ hợp lý, hài hòa...

 

Trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng đã phân tích và chỉ ra một số giải pháp nhằm quản lý nguồn tài nguyên tốt hơn, song một số ý kiến cho rằng cần bổ sung thêm một số giải pháp mang tính bền vững. Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, tình trạng tài nguyên khoáng sản hiện nay đang ngày càng cạn kiệt, môi trường sống bị ảnh hưởng nhiều do việc quy hoạch phát triển công nghiệp ở nhiều địa phương chưa khoa học, còn tình trạng mạnh ai nấy làm. Do đó, trong dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng cần bàn sâu hơn về vấn đề này, đề ra được những giải pháp sát thực để phát huy các lợi thế tài nguyên sẵn có của Quốc gia. Giải pháp quan trọng chính là tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức của toàn dân về vai trò, tầm quan trọng trong sử dụng tài nguyên. Ông Tuấn cho rằng, nguồn tài nguyên Quốc gia cần được đánh giá là tài sản hữu hạn của Nhà nước nên phải được khai thác, sử dụng một cách tiết kiệm, hiệu quả và bền vững. Cần phải xem việc khai thác, sử dụng tài nguyên hiệu quả, hợp lý là điều kiện để đánh giá chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế...

 

Về nội dung này, theo ông Nguyễn Văn Thắng, ở tổ 5, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) thì một trong những giải pháp quản lý, sử dụng  tài nguyên hiệu quả chính là phát huy tốt vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong tuyên truyền nâng cao nhận thức về sử dụng tài nguyên đất nước. Cần thiết phải có cơ chế phù hợp để tạo điều kiện cho nhân dân tham gia cùng giám sát, đấu tranh ngăn chặn các hành vi làm ảnh hưởng xấu đến nguồn tài nguyên.

 

Còn theo ông Đoàn Văn Tùng, Giám đốc Doanh nghiệp Việt Cường thì giải pháp để quản lý, sử dụng tài nguyên có hiệu quả chính là đẩy mạnh công tác đánh giá tiềm năng, trữ lượng và giá trị kinh tế mà nguồn tài nguyên chúng ta hiện có, từ đó lập cơ sở dữ liệu điện tử để quản lý nguồn tài nguyên đó. Mặt khác, có thể thiết lập tài khoản của Quốc gia về các loại tài nguyên trên cơ sở đánh giá giá trị kinh tế của từng loại tài nguyên. Việc chuẩn hóa cơ sở dữ liệu quản lý tài nguyên sẽ giúp cho Nhà nước có thể hoạch định chính sách hợp lý hơn đối với công tác quản lý tài nguyên. Ông Tùng cũng đồng tình với quan điểm của một số nhà chuyên môn cho rằng, Nhà nước cần hoàn thiện hơn nữa quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nhằm đảm bảo phân bổ nguồn tài nguyên một cách hợp lý. Cần thiết phải lồng ghép các tiêu chí sử dụng tài nguyên hiệu quả vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2016-2020.

 

Có ý kiến về giải pháp bảo vệ và quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên Quốc gia, ông Nguyễn Ngô Quyết, Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, cần tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững. Nghĩa là phải tập trung phát triển các ngành kinh tế xanh, loại dần những ngành kinh tế sử dụng công nghệ, máy móc, thiết bị lạc hậu, gây lãng phí tài nguyên. Khuyến khích các thành phần kinh tế, nhất là khu vực khai thác, chế biến tài nguyên ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Có biện pháp giúp các đơn vị giảm chất thải trong sản xuất, đồng thời xử lý tốt nguồn ô nhiễm, tiến tới tái chế toàn bộ chất thải, sử dụng vào việc hữu ích.  

 

Theo tổng hợp ý kiến đóng góp của các chi bộ thuộc Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, về nội dung này có một số ý kiến đề xuất cần nghiên cứu bổ sung để hoàn thiện toàn bộ hệ thống chính sách, pháp luật cũng như cơ chế quản lý, sử dụng tài nguyên sao cho phù hợp với tình hình thực tế và điều kiện phát triển của đất nước. Trong đó có chính sách về quyền sử dụng, khai thác và sở hữu các loại tài nguyên; định giá, đấu giá, hạch toán tài nguyên; đền bù, hỗ trợ giữa các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên...