Cần xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa có sức cạnh tranh cao

09:50, 06/10/2015

Là người từng trực tiếp chỉ đạo, điều hành về lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT của tỉnh, đồng chí Đặng Viết Thuần, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh rất quan tâm tới các giải pháp để xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Theo đồng chí, nông nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của người dân vùng Trung du miền núi phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, trong dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm (2011-2015) và phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm (2016-2020) trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, các giải pháp phát triển nông nghiệp đưa ra trong giai đoạn 2015-2020 chưa có nhiều điểm mới so với giai đoạn 2011-2015. Phần lớn vẫn chỉ tập trung vào các giải pháp như đẩy mạnh ứng dụng sâu rộng khoa học - công nghệ; chú trọng đầu tư vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp; có chính sách phù hợp để tích tụ, tập trung ruộng đất, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp… Những năm qua, Việt Nam đã xác định được lợi thế trong phát triển nông nghiệp nhưng lại chưa phát huy được tiềm năng sẵn có và hầu như chưa liên kết được các chuỗi hàng hóa sản phẩm. Đặc biệt, ý thức của người nông dân (người sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp) chưa cao nên vẫn có tình trạng sử dụng các loại hóa chất với liều lượng quá cao hoặc không có trong danh mục cho phép như chất tạo nạc trong chăn nuôi; thuốc kích thích tăng trưởng cho vật nuôi, cây trồng…, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Thêm vào đó, ở hầu hết các địa phương, khâu sản xuất chưa kết nối được với khâu tiêu dùng, chưa có sự kết hợp trong bán lẻ các mặt hàng nông sản nên không có điều hòa lợi nhuận. Vì thế, người sản xuất ra mặt các hàng nông sản dù rất vất vả nhưng lợi nhuận thu được lại thấp hơn tư thương (đối tượng trung gian giữa người sản xuất và người tiêu dùng) rất nhiều. Một thực tế nữa là ở nhiều nơi, các cấp, ngành chức năng chưa quản lý sâu sát được việc kinh doanh, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật; thuốc thú ý. Điều này đang làm giảm chất lượng các mặt hàng nông sản của chúng ta.

 

Theo đồng chí, muốn xây dựng được nền nông nghiệp phát triển toàn diện, gắn với XDNTM, chúng ta phải xây dựng được nền nông nghiệp hàng hóa, có sức cạnh tranh cao. Do đó cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm, như:

 

Thứ nhất, phải gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp với XDNTM. Nông nghiệp làm cho NTM phát triển bền vững khi sản xuất ra những mặt hàng thị trường cần theo định hướng và có sự tác động của Nhà nước. Ngược lại, từ XDNTM sẽ hình thành được những chuỗi sản xuất hàng hóa, mang lại lợi ích cho nông dân nói riêng, ngành Nông nghiệp nói chung…

 

Thứ hai, tái cơ cấu nền nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ cần được đặc biệt quan tâm trong nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, chúng ta phải xác định rằng, nếu tái cơ cấu nền nông nghiệp chỉ là nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp thì kết quả sẽ không đạt được như mong muốn. Như chúng ta đã biết, nông nghiệp là dấu ấn của khoa học, kỹ thuật, còn Nhà nước phải là “người” dẫn dắt, đề ra đường lối, luôn có sự cải cách về thể chế, chính sách để hỗ trợ nông nghiệp phát triển. Vì lẽ đó, trong quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp, Chính phủ cần chỉ đạo các cấp, ngành phải cùng vào cuộc và làm rõ vai trò, trách nhiệm của từng ngành. Ngành Nông nghiệp chỉ có thể chỉ đạo để sản xuất ra sản phẩm nông sản còn muốn đưa được ra thị trường phải có sự vào cuộc của ngành Công Thương; muốn đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất phải có sự chung tay của ngành Khoa học - Công nghệ; muốn nâng cao ý thức (văn hóa trong sản xuất hàng hóa của nông dân), cần có sự vào cuộc của ngành Văn hóa…

 

Một trong những đòi hỏi quan trọng nữa để xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, có sức cạnh tranh cao là Đảng, Nhà nước chỉ đạo nghiêm túc việc thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương bằng trách nhiệm của cả Quốc gia, cả dân tộc.