Phát triển giáo dục - đào tạo phù hợp với hội nhập quốc tế

10:15, 12/10/2015

Về lĩnh vực giáo dục và đào tạo nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, PGS-TS Mai Xuân Trường (Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên) đã có ý kiến đóng góp tâm huyết. Báo Thái Nguyên Điện tử lược đăng ý kiến này.  

Nội dung về phát triển nguồn nhân lực của đất nước được dự thảo Báo cáo chính trị chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (Dự thảo Báo cáo chính trị) trình bày gọn, song chưa toát hết được xu hướng, bối cảnh hội nhập quốc tế và tính toàn cầu đang diễn ra rất nhanh chóng.

 

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) đang trở thành một yêu cầu khách quan và cấp bách trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong giai đoạn hiện nay. Chính vì vậy, thành công của việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển của lĩnh vực giáo dục, mà còn góp phần củng cố lòng tin vào Đảng và tương lai của dân tộc.

 

Nền giáo dục của nước ta đang bất cập trước những yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng và sẽ có nhiều vấn đề phải giải quyết trong quá trình thực hiện đề án đổi mới GD-ĐT. Theo tôi, dự thảo Báo cáo chính trị cần làm rõ thêm đổi mới GD-ĐT là xu thế toàn cầu. Vào những thập niên cuối của thế kỷ XX, khoa học và công nghệ trên thế giới phát triển như vũ bão, tạo ra những bước tiến nhảy vọt, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu. Những chuyển biến này đã làm thay đổi phương thức tổ chức và hoạt động của hầu hết các lĩnh vực, trong đó có GD-ĐT. Những nước có nền khoa học phát triển đã xem xét lại toàn bộ hệ thống giáo dục của mình và họ chuyển dần từ dạy kiến thức chuyên môn sang dạy cách tự học và ứng dụng, thực hành. Việc học tập không chỉ thực hiện ở trường mà có thể ở nhà hoặc ở bất cứ đâu; cơ hội học tập dành cho bất cứ ai. Triết lý xã hội học tập, học suốt đời dần hình thành.

 

Đi đôi với trang bị kiến thức khoa học và kỹ năng thực hành trong GD-ĐT, dự thảo Báo cáo chính trị cũng cần làm rõ thêm sự tha hóa đạo đức trong xã hội ngày càng trầm trọng, gây những bức xúc trong nhân dân, đòi hỏi hệ thống giáo dục cần điều chỉnh theo hướng tăng mạnh việc trang bị kiến thức nền tảng văn hóa, kỹ năng sống và các giá trị đạo đức cho người học. Quá trình toàn cầu hóa diễn ra như một xu thế không thể cưỡng lại, vì vậy, Việt Nam không nằm ngoài xu thế chung đó và chúng ta cần chỉ ra GD-ĐT của nước nhà đang ở đâu.

 

Điều dễ nhận biết về vị trí và sự tụt hậu của GD-ĐT nước ta đó là chúng ta đã dừng quá lâu ở một nền giáo dục chú trọng trang bị kiến thức chuyên môn. Đặc biệt là hệ thống thi cử, đánh giá coi việc nhớ kiến thức chuyên môn là quan trọng nhất, cho nên sinh ra hệ lụy nan giải và những căn bệnh trầm kha. Đó là học vẹt, học để thi chứ không phải thi để học.

 

Chính vì quá chú trong vào trang bị kiến thức, cố học thuộc cho hết, nên phải mất quá nhiều thời gian và công sức để người dạy đến người học đều không còn đủ thời gian và sự quan tâm đúng mức cho việc trau dồi phương pháp, kỹ năng, học để hiểu biết về cuộc sống, về thế giới, đạo đức, lối sống… Việc dạy và học không gắn chặt với thực tiễn, đào tạo chưa gắn với nhu cầu xã hội. Chính điều này thể hiện rất rõ trong thị trường tuyển dụng lao động quốc tế. Người lao động càng có trình độ cao (cao đẳng, đại học, cao học…) lại càng khó tìm việc làm. Nếu có việc làm thì nhà tuyển dụng phải bồi dưỡng thêm, đào tạo lại rồi mới kiểm tra tay nghề… để đưa ra quyết định sử dụng hay không. Trong xu thế hội nhập, tính liên thông quốc tế của hệ thống giáo dục nói chung và của các cơ sở đào tạo nước ta nói riêng cũng còn nhiều hạn chế. Nếu như ở nước ngoài, các trường đại học có thể dễ dàng trao đổi sinh viên với nhau vì họ công nhận hệ thống tín chỉ của nhau, thì điều này còn quá khó khăn với các trường đại học trong nước...