Để vai trò của Bí thư chi bộ được phát huy

10:32, 24/12/2015

Xác định đội ngũ Bí thư chi bộ nông thôn có vai trò quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương nên những năm gần đây, Đảng bộ xã Lương Phú (Phú Bình) đã đổi mới phương thức lãnh đạo, chú trọng hướng về cơ sở nhằm phát huy vai trò của các Bí thư chi bộ. Cách làm này đã đem lại hiệu quả cao trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết mà Ban Chấp hành Đảng bộ xã đề ra.

Đảng bộ xã Lương Phú hiện có 268 đảng viên, sinh hoạt tại 17 chi bộ, trong đó có 12 chi bộ nông thôn. Xác định đội ngũ Bí thư chi bộ cơ sở có vai trò quan trọng trong việc cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng đến người dân, Đảng ủy xã đã tập trung lãnh đạo, củng cố kiện toàn nâng cao chất lượng cán bộ. Đồng chí Lê Hồng Thái, Bí thư Đảng ủy xã Lương Phú nhận xét: Trước đây, phần lớn đội ngũ Bí thư chi bộ đều là những đảng viên trực tiếp lao động, sản xuất nên năng lực, trình độ còn hạn chế, một số đồng chí chưa thực sự nhiệt tình với nhiệm vụ của mình. Điều này dẫn đến việc triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch nhiệm vụ cấp ủy đề ra ở một số chi bộ còn thụ động, nội dung sinh hoạt thường dàn trải, không tập trung thảo luận vào những vấn đề trọng tâm của địa phương…

 

Từ thực tế đó, khoảng 5 năm trở lại đây, Đảng ủy xã Lương Phú đã đề ra nhiều giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở. Trong đó, định hướng các chi bộ giao nhiệm vụ cho đảng viên là cán bộ nghỉ hưu, nhất là những người đã từng đảm nhiệm vị trí chủ chốt các cấp, có kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Đến nay, 9/12 Bí thư chi bộ nông thôn ở Đảng bộ Lương Phú đều là những cán bộ đã nghỉ hưu, họ luôn phát huy tốt vai trò trách nhiệm của mình. Cụ thể, trong sinh hoạt, hầu hết các chi bộ đều bám sát chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh các hoạt động kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, xây dựng làng văn hóa… Nhiều buổi sinh hoạt chuyên đề được các chi bộ tổ chức nhằm tập trung sự lãnh đạo đối với nhiệm vụ cụ thể để góp phần xây dựng đời sống kinh tế xã hội của xóm, xã ngày càng phát triển.

 

Cùng với việc kiện toàn lại đội ngũ Bí thư chi bộ, hàng năm, Đảng ủy xã còn chú trọng bồi dưỡng lý luận chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm nâng cao nhận thức lý luận chính trị, bổ sung những kiến thức mới về lý luận và thực tiễn cho các Bí thư chi bộ để từ đó áp dụng vào điều kiện thực tế ở chi bộ mình. Trung bình mỗi năm, các cán bộ chủ chốt ở xã, xóm sẽ được tham gia lớp bồi dưỡng ít nhất 1 lần. Việc tổ chức Hội thi Bí thư chi bộ giỏi cấp huyện cũng là một hoạt động bổ ích được Đảng ủy xã Lương Phú đánh giá cao. Bởi đây là dịp để các Bí thư chi bộ có cơ hội giao lưu học hỏi kinh nghiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời nhân rộng những cách làm hay của các chi bộ có chất lượng sinh hoạt tốt. Thông qua việc phân công các đồng chí đảng ủy viên về dự sinh hoạt tại các chi bộ, các đồng chí Bí thư cũng được hướng dẫn cách tổ chức một buổi sinh hoạt sao cho đạt chất lượng cao nhất, các thắc mắc của đảng viên và những tồn tại, hạn chế ở chi bộ hầu hết đều được làm rõ và có hướng giải quyết hiệu quả.

 

Đồng chí Nguyễn Tiến Hùng, Bí thư Chi bộ xóm Việt Ninh cho biết: Là cán bộ nghỉ hưu được Đảng và nhân dân giao phó đảm nhiệm chức vụ Bí thư Chi bộ ở địa phương, thời gian đầu tôi gặp khá nhiều khó khăn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo bởi những kiến thức về sản xuất nông nghiệp, nông thôn của tôi còn hạn chế. Để khắc phục hạn chế đó, tôi đã tích cực học hỏi thêm kiến thức qua sách, báo, những đảng viên trong Chi bộ và qua cả những quần chúng nhân dân có nhiều kinh nghiệm sản xuất. Tôi tranh thủ các buổi giao ban Bí thư chi bộ để trao đổi kinh nghiệm, mạnh dạn nêu ra những vấn đề mình chưa hiểu hay những vướng mắc ở chi bộ, địa phương mình, qua đó đã nhận được sự giúp đỡ tận tình của Đảng ủy xã và các chi bộ bạn, những khó khăn vì thế dần được tháo gỡ. Đặc biệt, dưới sự hướng dẫn, gợi ý của các đồng chí đảng ủy viên, Chi bộ đã tổ chức được nhiều buổi sinh hoạt chuyên đề cụ thể, thu hút được nhiều ý kiến của đảng viên, nội dung của các buổi chuyên đề chủ yếu gắn với quyền lợi của nhân dân. Nhờ đó, các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới ở Việt Ninh đã có những bước tiến đáng kể. Đến nay, xóm đã bê tông hóa xong các tuyến đường nội xóm, huy động thành công sự góp sức của nhân dân để xây mới Nhà văn hóa xóm đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người của xóm đạt khoảng 30 triệu đồng/năm, cao hơn gần 5 triệu đồng so với bình quân chung của xã. Các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ luôn nằm trong “tốp” đầu ở địa phương…

 

Đồng chí Ngô Thanh Tới, Bí thư Chi bộ xóm Lân cũng là một điển hình trong việc nêu cao tinh thần trách nhiệm lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí Tới cho biết: Năm 2013 tôi đảm nhiệm chức vụ Bí thư chi bộ xóm Lân, thời điểm đó, phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã Lương Phú đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là phong trào làm đường giao thông, thế nhưng xóm Lân lại hầu như chưa có bất cứ hoạt động gì để hưởng ứng, toàn bộ đường trục xóm, nội xóm vẫn còn là đường đất nhỏ hẹp. Với mục tiêu cứng hóa đường giao thông ở xóm, tôi đã tổ chức họp chi bộ và phối hợp với Ban Công tác mặt trận bàn việc mở đường, sau đó tổ chức họp dân để thông báo nội dung chi tiết. Khi kế hoạch bắt đầu triển khai đến người dân đã gặp không ít khó khăn, nhiều hộ dân không mấy mặn mà với việc làm đường vì phải đóng góp số tiền khá lớn (trên 1 triệu đồng/khẩu), một số đoạn đường cần mở rộng nhưng bà con không đồng ý hiến đất… Để giải quyết những vấn đề trên, cùng với việc giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên trong chi bộ, chỉ đạo Ban Công tác mặt trận tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, tôi đã tự nguyện dỡ bỏ tường rào của gia đình để làm gương cho những hộ khác hiến đất mở rộng tuyến đường trục xóm. Đối với những hộ chưa đồng tình với việc làm này, tôi đều đến tận nhà vừa hỏi han nguyện vọng, vừa tác động dần dần để họ hiểu được lợi ích của việc làm đường…Nhờ vậy, chỉ sau một năm triển khai, tất cả các tuyến đường ở xóm Lân đã được bê tông hóa và mở rộng, trong đó người dân trong xóm đóng góp gần 500 triệu đồng và tự nguyện hiến trên 4.000m2 đất.

 

Với cách làm trên, Đảng bộ xã Lương Phú đã thu được nhiều kết quả tích cực trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị - xã hội ở địa phương. Theo đánh giá kết quả cuối năm 2015, tổng số đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiếm trên 90%, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh chiếm 70%, Đảng bộ xã được cấp trên công nhận đạt trong sạch vững mạnh 3 năm liền. Trong lãnh đạo phát triển kinh tế xã hội, những thành tựu nổi bật ở xã Lương Phú phải kể đến là: Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 26 triệu đồng/năm (tăng hơn 10 triệu đồng so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 15,9% (năm 2010) xuống còn hơn 6%, trên địa bàn xã hiện có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, cho thu nhập cao như mô hình lúa lai, dưa chuột xuất khẩu, bưởi diễn, chăn nuôi lợn gà theo hướng trang trại…; chương trình xây dựng nông thôn mới của xã đã hoàn thành sớm hơn 1 năm so với dự kiến…

 

Có thể thấy, một đảng bộ mạnh cần phải có các chi bộ mạnh, do đó, người đứng đầu chi bộ có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu vai trò của Bí thư chi bộ được phát huy tốt cũng đồng nghĩa với việc năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ được tăng cường, các hoạt động kinh tế - xã hội ở địa phương sẽ được tác động tích cực hơn.