Ý nghĩa quan trọng của chiến thắng Plei Me

17:40, 21/12/2015

Chuẩn bị đến ngày kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Plei Me (20/12/1965 -20/12/2015), thuộc huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), anh em cựu chiến binh (CCB) chúng tôi từ các tỉnh ngoài miền Bắc thông tin cho nhau, động viên nhau thu xếp việc gia đình về trạm tiếp đón của Bộ Tổng Tham mưu tại Hà Nội dự Lễ kỷ niệm ngày chiến thắng và cũng là ngày kỷ niệm thành lập Sư đoàn 1 Anh hùng của Bộ Tư lệnh Tây Nguyên năm xưa.

Hàng năm, ngày kỷ niệm Chiến thắng Plei Me vẫn được Ban liên lạc CCB Sư đoàn 1 Anh hùng tổ chức. Chúng tôi vui mừng mong ngày gặp mặt và cũng không khỏi bùi ngùi thương tiếc những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống để làm nên Chiến thắng Plei Me oai hùng của quân và dân Tây Nguyên, mãi mãi còn ghi đậm vào lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng. Nhớ lại ngày ấy, anh em chúng tôi còn trẻ lắm chỉ mới mười tám đôi mươi, các đồng chí chỉ huy đại đội trở lên đã kinh qua trận mạc trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, từ các đơn vị thuộc đại đoàn quân tiên phong, đại đoàn Đồng bằng, Lữ đoàn bảo vệ Thủ đô đã từng chiến đấu tôi luyện qua các Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng bằng Bắc Bộ hay Tây Nguyên bất khuất cũng như Đồng Tháp Mười thẳng cánh cò bay cùng về đây hợp thành trung đoàn qua một năm chiến đấu trên núi rừng Tây Nguyên đã lập nhiều chiến công tiêu diệt tiêu hao sinh lực quân Ngụy trên địa bàn tỉnh Gia Lai góp phần giải phóng nhiều vùng đất và người. Vùng giải phóng ngày càng rộng mở, góp phần phá tan Chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ - Ngụy, buộc chúng phải đưa Sư đoàn không vận số 1 “Anh cả đỏ” vào tham chiến, dùng máy bay B52 rải thảm hòng cứu nguy cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

 

Để thu hút, căng kéo nhiều quân Mỹ lên chiến trường Tây Nguyên để tiêu diệt, giúp cho các chiến trường khu 5 Nam Bộ mở rộng vùng giải phóng, từ yêu cầu nhiệm vụ trên, Bộ Tư lệnh B3 (Tây Nguyên) hạ quyết tâm mở Chiến dịch Plei Me nhằm tiêu diệt bộ phận lớn quân Ngụy và quân Mỹ, cầm chân chúng tại đây. Cùng thời gian này, Tổng thống Mỹ Giôn Xơn ra lệnh cho quân Mỹ vào tham chiến tại Việt Nam. Sư đoàn không vận số 1 của Mỹ đã lên An Khê Gia Lai hỗ trợ cho đội quân Ngụy. Đồng chí Chu Huy Mân chính ủy kiêm tư lệnh B3 xuống giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 320 lúc này (tôi là cán bộ tham mưu nên cùng được nghe chỉ thị) B3 mở Chiến dịch Plei Me nhằm tiêu diệt một phần quân Mỹ, tiếp tục làm tan rã một bộ phận quân Ngụy. Trung đoàn chúng tôi phục kích đánh địch lên tiếp viện trên tỉnh lộ 21 phía tây nam thị xã Plecu 45km.

 

Một Trung đoàn bạn bao vây Plei Me siết chặt vòng vây buộc quân Ngụy lên ứng cứu. Một Trung đoàn bạn phục kích thung lũng Iadrang chờ quân Ngụy đổ bộ tiêu diệt. Việc hậu cần quân y được đảm bảo từ Cục Hậu cần cho đến các ban hậu cần trung đoàn đã sẵn sàng. Trung đoàn bạn đã tiến hành bao vây đồi Plei Me (thuộc huyện Chư Pông). Trung đoàn chúng tôi nhận nhiệm vụ một hướng của Chiến dịch Plei Me: Phục kích tỉnh lộ 21 chặn đường ứng cứu Plei Me. Với chiều dài 4km, địa hình hai bên đường cây cối rậm rạp, thuận lợi cho việc giấu quân và xuất kích ra mặt đường, đơn vị đều nghiên cứu kỹ càng, bố trí binh hỏa lực hợp lý.

 

Ngày 2-10-1965, quân địch đổ quân cách trận địa đơn vị chúng tôi 5km. Đến 22 giờ ngày 23-10-1965, đoàn xe bọc thép và bộ binh địch (gồm 100 chiếc xe thiết giáp, 2 tiểu đoàn bộ binh ngụy) tiến vào đội hình phục kích của Trung đoàn chúng tôi. Địch vừa đi vừa bắn ra hai bên đường, trên không máy bay trinh sát lượn tìm kiếm lực lượng ta, máy bay phản lực ném bom các khu rừng chúng nghi ngờ, quân địch vừa di vừa dò, bộ đội ta mai phục cách đường 20-30 phút nên chúng không phát hiện được quân ta đang chờ chúng đến. Đến 15 giờ 30 phút quân địch đã lọt vào trận địa của ta, từ các vị trí ém quân, lệnh từ đồng chí trung đoàn trưởng Tô Đình Khản, người đã từng chỉ huy đơn vị đánh giặc Pháp giữa ban ngày trên Quốc lộ 6 tỉnh Hòa Bình, nay đồng chí lại chỉ huy bộ đội diệt ngụy giữa ban ngày trên tỉnh lộ 21 (thuộc tỉnh Gia Lai) không cho chúng co cụm từng đơn vị áp sát xung phong lên tiêu diệt xe thiết giáp và quân Ngụy. Sau hơn một giờ chiến đấu quân ta làm chủ trận địa, chỉ còn lại 5 xe thiết giáp và một số giặc co cụm vào sườn đồi do đêm tối ta không tiêu diệt được. Kết quả trận đánh thắng lợi, lúc đó tôi ở tại chỉ huy sở được chứng kiến sự bình tĩnh sáng suốt, từng mệnh lệnh của anh Khản truyền qua điện thoại xuống các tiểu ban đến đơn vị chốt chặn và khóa đuổi. Kết quả trận đánh phục kích của trung đoàn đã tiêu diệt 89 xe thiết giáp, diệt 800 tên ngụy có 2 cố vấn Mỹ, bắt sống 6 tên phá hủy 2 khẩu 105ly bắn rơi 2 máy bay, thu nhiều quân trang vũ khí. Trung đoàn được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, nhiều cán bộ chiến sĩ được tặng thưởng Huân chương các loại, có đồng chí bắn cháy 5 xe tăng. Trận then chốt thứ nhất trung đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

 

Ngay sau ngày quân tiếp viện bị trung đoàn chúng tôi diệt, quân Ngụy không còn khả năng đi giải vây cho đồn Plei Me. Gần 100 lần chiếc trực thăng đổ tiểu đoàn Mỹ đầu tiên đến giải giáp số tàn binh do đơn vị chúng tôi đánh cho tan tác, sư đoàn kỵ binh bay tiếp tục đổ bộ binh lính Mỹ và hàng chục khẩu pháo hạng nặng 155ly máy bay B52 rải thảm các nơi chúng cho là có lực lượng bộ đội ta hòng giải vây cho đồn Plei Me. 12 giờ ngày 17-11-1965, hai tiểu đoàn Mỹ lọt vào trận địa của 2 Trung đoàn 33 và 66 của ta. Suốt 8 giờ liền, 2 đơn vị của ta đã chặn đánh quân Mỹ, diệt gọn một tiểu đoàn và một đại đội của chúng, mở ra chiến thuật: Ta có thể đánh Mỹ và thắng Mỹ ngay trên núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ của ta…

 

Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Plei Me càng thấy nghệ thuật quân sự của Đảng, lòng dũng cảm của quân đội nhân dân Việt Nam bách chiến bách thắng buộc quân Mỹ phải cuốn cờ về nước, quân Ngụy tan rã. Đất nước thống nhất càng nhớ công lao của Bác Hồ người cha của lực lượng vũ trang thân yêu đã giáo dục và xây dựng lên Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng, đội quân bách chiến bách thắng của nhân dân Việt Nam.

 

(Bài viết có sử dụng một số tư liệu của đơn vị)