Đã 70 năm trôi qua (6/1/1946 - 6/1/2016), nhưng những kỷ niệm về Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, cuộc Tổng tuyển cử của lòng dân vẫn in đậm trong lòng người dân, Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang qua các thời kỳ.
Xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, nơi ghi dấu lịch sử phát triển của Ban Thường trực Quốc hội trong những năm cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Những ngày này, ở nơi đây mọi người đang tất bật cho hoạt động kỷ niệm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên. Ông Nguyễn Văn Vĩnh, dân tộc Tày, 85 tuổi (61 năm tuổi Đảng), thôn Quan Hạ, xã Trung Yên kể lại: Trước khi Tổng tuyển cử được diễn ra, đi đến đâu tôi cũng thấy mọi người sôi nổi thảo luận, bàn bạc xem nên bầu cử ai, ai là xứng đáng nhất đại diện cho mình… Ngày Tổng tuyển cử năm 1946 ấy có thể nói là ngày hội lớn nhất ở Trung Yên, chưa bao giờ tôi thấy người dân trong thôn, trong xã lại náo nức và vui mừng đến vậy, mọi người cùng nhau gác lại tất cả các công việc để đi bầu cử…
Bà Hoàng Như Loan, Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích lịch sử, văn hóa và sinh thái Quốc gia Tân Trào cho biết: Năm 1952, thôn Chi Liền (nay là thôn Đồng Mà), xã Trung Yên, là địa điểm được Đảng và Bác Hồ chọn làm nơi ở và làm việc của Ban Thường trực Quốc hội (đến đầu tháng 10 năm 1954, Ban Thường trực Quốc hội dời Chi Liền về tiếp quản Thủ đô Hà Nội). Tại đây, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tôn Đức Thắng (khi đó ông vừa là quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội, vừa là Chủ tịch Mặt trận Liên Việt), Ban Thường trực Quốc hội đã hoạt động rất tích cực và luôn cùng Chính phủ quyết định những chính sách đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Pháp, tiến tới thành công. Trong đó có thể kể đến nhiều hội nghị quan trọng như: Hội nghị Liên tịch giữa Ban Thường trực Quốc hội với Ủy ban Liên Việt tháng 2 năm 1953; Hội nghị toàn quốc của Ủy ban Liên Việt tháng 11 năm 1953; là nơi soạn thảo nội dung và chuẩn bị tài liệu cho Kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa I (khóa họp duy nhất tại chiến khu Việt Bắc) từ ngày 1 đến 4 tháng 12 năm 1953...
Nhớ về Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, bà Nguyễn Thị Tám, Đại biểu Quốc hội khóa IV của tỉnh Tuyên Quang kể lại: Ngày 6/1/1946, chỉ sau 5 tháng giành được độc lập, trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng thuận, đoàn kết tiến hành thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử, bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới bằng phương thức bầu cử dân chủ, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Đó là một sự kiện trọng đại, là mốc son chói lọi trong lịch sử nước ta, mở ra một thời kỳ phát triển mới của dân tộc.
Bà Tám cho biết thêm, trong thời kỳ tôi là Đại biểu Quốc hội khóa IV của tỉnh Tuyên Quang, đất nước ta vẫn còn chiến tranh nên Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức, vận động người dân tích cực lao động sản xuất để góp phần chi viện cho tiền tuyến và xây dựng tỉnh Tuyên Quang phát triển kinh tế- xã hội…
Ông Hoàng Văn Hỷ, 80 tuổi, Đại biểu Quốc hội khóa IX của tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: Thắng lợi của Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 là thắng lợi của tinh thần yêu nước của toàn dân Việt Nam. Đó là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, của chính sách đại đoàn kết dân tộc, của tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Còn ông Hoàng Việt Phương, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII của tỉnh Tuyên Quang, Bí thư Huyện ủy Sơn Dương (Tuyên Quang) cho biết: Trải qua 13 khóa hoạt động, từ Quốc dân Đại hội Tân Trào, sau đó là sự ra đời của Quốc hội khóa I đến nay, Quốc hội Việt Nam luôn là ngôi nhà chung của cả nước. Quốc hội luôn thể hiện vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất, là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đại diện cho các tầng lớp nhân dân, các thành phần xã hội.
Cũng theo ông Phương, kế thừa và phát huy truyền thống, các đại biểu Quốc hội của tỉnh Tuyên Quang, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực đóng góp cho sự phát triển của Quốc hội, đất nước và của tỉnh Tuyên Quang.
Đánh giá về hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang qua các khóa, đồng chí Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang cho biết: Gắn liền với 70 năm Quốc hội Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội các khóa của tỉnh Tuyên Quang đã tập trung trí tuệ, tâm huyết của mình, đóng góp quan trọng vào hoạt động của Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội của tỉnh Tuyên Quang đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm người đại biểu nhân dân, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, thực sự là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, là cầu nối giữa cử tri trong tỉnh Tuyên Quang với Quốc hội. Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội luôn gắn bó và đóng góp quan trọng cho sự phát triển của địa phương, góp phần đưa tỉnh Tuyên Quang thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển.
Trong những năm qua, hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành nhiệm vụ đề ra, đáp ứng được yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thể hiện đầy đủ trách nhiệm trước cử tri. Đối với hoạt động xây dựng luật, Đoàn đã tổ chức tốt việc tổ chức lấy ý kiến vào các dự án luật và luật. Các kỳ họp đại biểu Quốc hội của tỉnh Tuyên Quang đã dành nhiều thời gian tham gia phát biểu thảo luận, góp ý vào các dự án luật, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan soạn thảo tiếp thu và đưa vào các dự án luật. Trong hoạt động giám sát, Đoàn đã thực hiện nghiêm túc theo chương trình đã đề ra, bám sát chương trình hằng năm của Quốc hội và thực tiễn địa phương. Việc tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân, được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, có hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật. Hoạt động tiếp xúc cử tri được đổi mới và đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, Đoàn đã tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước tại các kỳ họp Quốc hội…/.