Phát huy vai trò trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng

17:37, 04/01/2016

Công tác nội chính và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ quan trọng, liên quan đến sự phát triển bền vững của chế độ. Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, ngày 5-1-1966, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 133-NQ/TW quyết định thành lập Ban Pháp chế Trung ương - tổ chức tiền thân của ngành Nội chính Đảng hiện nay.

Trải qua 50 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, cơ quan làm công tác nội chính của Đảng có những tên gọi khác nhau và nhiều lần được hợp nhất, tái thành lập để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong từng giai đoạn, song vẫn bảo đảm hoàn thành tốt chức năng tham mưu cho Đảng về công tác nội chính, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

Việc thành lập Ban Nội chính Trung ương, Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy theo Nghị quyết số 14-NQ/TW ngày 15-5-2012 và Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-5-2012 của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) là xuất phát từ yêu cầu khách quan, với mong muốn và quyết tâm cao hơn, tạo bước chuyển biến mới trong công tác nội chính và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

 

Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Nguyên được thành lập theo Quyết định số 1670-QĐ/TU ngày 12-6-2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tiếp đó, ngày 2-10-2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Quy định số 2607-QĐ/TU về sự lãnh đạo đối với công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, trong đó quy định về cán bộ làm công tác nội chính Đảng ở các đảng bộ trực thuộc tỉnh. Là một ban xây dựng Đảng của Tỉnh ủy, có chức năng tham mưu về công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã cơ bản triển khai đồng bộ 5 nhóm nhiệm vụ được giao, trong đó: Công tác nghiên cứu, đề xuất được triển khai có hiệu quả rõ nét, đã tham mưu với Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy triển khai các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; đổi mới một bước công tác lãnh đạo của Tỉnh ủy đối với các cơ quan nội chính của địa phương. Tích cực tham mưu cho cấp uỷ chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, các vấn đề về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

 

Công tác hướng dẫn, đôn đốc được chú trọng; công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên đã góp phần phòng ngừa vi phạm, đưa công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng ngày càng đi vào nề nếp. Công tác thẩm định và tham gia về công tác cán bộ được triển khai thực hiện có hiệu quả. Trên cơ sở tham mưu, đề xuất của Ban Nội chính Tỉnh ủy và các cơ quan nội chính tỉnh, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; thực hiện nhiều biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm. Hoạt động của các cơ quan tham mưu cho cấp uỷ các cấp về công tác nội chính Đảng có chuyển biến tích cực.

 

Với những kết quả bước đầu đã đạt được của Ban Nội chính Tỉnh ủy và đội ngũ cán bộ làm công tác nội chính Đảng ở cấp ủy các cấp đã góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng. Để phát huy những thành tích công tác đã đạt được, trong thời gian tới đội ngũ cán bộ làm công tác nội chính Đảng cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

 

Một là, Ban Nội chính Tỉnh ủy cần tích cực tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo đối với hoạt động của các cơ quan nội chính, đảm bảo vai trò là cầu nối giữa công tác lãnh đạo của cấp ủy với hoạt động của các cơ quan nội chính; nắm tình hình, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng ở các ngành nội chính; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nội chính tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo về lĩnh vực nội chính, trọng tâm là công tác phòng, chống vi phạm, tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra “điểm nóng” về an ninh trật tự trên địa bàn; xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng.

 

Hai là, tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo triển khai thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp đáp ứng yêu cầu theo lộ trình cải cách tư pháp.

 

Ba là, tích cực tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tạo sự thống nhất, tự giác, quyết tâm cao trong hành động. Tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, giám sát của các cấp uỷ đảng trong quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tính tiên phong, gương mẫu của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trong công tác phòng, chống tham nhũng.

 

Thực hiện có hiệu quả việc công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Khi phát hiện tham nhũng, lãng phí cần xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có “vùng cấm”, “vùng an toàn”.

 

Bốn là, tham mưu triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7-12-2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc về nội chính và tham nhũng. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 3-1-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

 

Năm là, tiếp tục quan tâm kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tham mưu cho cấp ủy các cấp về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng bảo đảm tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, có bản lĩnh vững vàng, có tinh thần dũng cảm, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng.  

 

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống ngành Nội chính Đảng (5/1/1966 - 5/1/2016), thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, tôi xin gửi đến toàn thể cán bộ làm công tác nội chính Đảng của tỉnh qua các thời kỳ lời chúc mừng nồng nhiệt. Chúc cán bộ, công chức làm công tác nội chính Đảng tiếp tục phát huy truyền thống của Ngành "trung thành, liêm chính, bản lĩnh, tận tuỵ", đoàn kết, nỗ lực công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015-2020) đã đề ra.