Ngày 16/5, tại Hà Nội, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm khoa học: Đồng chí Phùng Chí Kiên - Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Phùng Chí Kiên ( 18/5/1901 – 18 /5/2016).
Đồng chí Phùng Chí Kiên tên thật là Nguyễn Vĩ, sinh ra trong một gia đình nông dân tại làng Mỹ Quan Thượng, tổng Vạn Phần (nay là xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), vùng quê giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng. Được giác ngộ cách mạng, năm 1926, Phùng Chí Kiên được giới thiệu sang Quảng Châu (Trung Quốc) dự lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức và được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Năm 1930, Phùng Chí Kiên gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau khi hoàn thành khóa học của Trường Đại học Phương Đông tại Liên Xô, tháng 3/1934 Quốc tế Cộng sản đã cử đồng chí Phùng Chí Kiên và một số đồng chí khác về tăng cường cho Ban Chỉ huy ở ngoài tại Trung Quốc. Cùng với các đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập…, đồng chí Phùng Chí Kiên đã nỗ lực hoạt động, góp phần tích cực vào công tác khôi phục hệ thống tổ chức Đảng ở trong nước và tham gia chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng. Tại Đại hội diễn ra từ ngày 27/3 – 31/3/1935 tại Ma Cao, Trung Quốc, đồng chí Phùng Chí Kiên được bầu vào Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Ngày 28/1/194 , đồng chí Phùng Chí Kiên đi cùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và một số đồng chí khác trở về Việt Nam, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Tại Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng diễn ra vào tháng 5/1941, Phùng Chí Kiên được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp chỉ đạo khu căn cứ Bắc Sơn – Võ Nhai và Chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân I. Cuối tháng 6/1941, thực dân Pháp huy động hàng ngàn quân bao vây khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai nhằm tiêu diệt đội Cứu quốc quân và cơ quan đầu não của Đảng, trấn áp phong trào cách mạng Bắc Sơn. Đồng chí Phùng Chí Kiên đã lãnh đạo trung đội Cứu quốc quân bảo vệ an toàn các đồng chí Ủy viên Trung ương và chuẩn bị chống địch khủng bố. Trong trận chiến đấu không cân sức với kẻ thù tại châu Ngân Sơn (Bắc Kạn), ngày 22/8/1941 đồng chí Phùng Chí Kiên bị trọng thương và bị địch bắt, hành hạ dã man, nhưng vẫn kiên cường giữ vững khí tiết cách mạng. Đồng chí đã hy sinh, để lại tấm gương anh hùng bất khuất và niềm tiếc thương, kính phục cho đồng chí, đồng bào.
Chủ trì buổi tọa đàm, PGS. TS Phạm Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng nhận định: Đồng chí Phùng Chí Kiên là người cộng sản mẫu mực, kiên trung, nhà chính trị, quân sự song toàn, một người chiến sĩ cách mạng quốc tế, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Phùng Chí Kiên là một tấm gương cho các thế hệ người Việt Nam, cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam học tập và noi theo. Ông Phạm Ngọc Anh nhấn mạnh, buổi tọa đàm nhằm tôn vinh, tưởng nhớ đồng chí Phùng Chí Kiên – Người mà cuộc đời hoạt động cách mạng gắn liền với lịch sử vẻ vang của dân tộc và những trang vàng của lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, đã hy sinh trọn đời vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học tập trung làm rõ một số nội dung chủ yếu về quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Phùng Chí Kiên. Đó là Phùng Chí Kiên – từ một tấm gương yêu nước trở thành người cộng sản; những đóng góp của đồng chí cho khôi phục tổ chức, phát triển, hoàn thiện đường lối chiến lược, sách lược của Đảng, cống hiến cho xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam.
Các nhà khoa học đánh giá: Phùng Chí Kiên là người chiến sĩ cộng sản được đào tạo rất bài bản, tham gia các khóa học từ lý luận chính trị đến quân sự. Đồng chí là người cộng sản mẫu mực, yêu nước thương dân, cống hiến toàn bộ cuộc đời cho lý tưởng độc lập dân tộc; là tấm gương cộng sản mẫu mực về học tập với phương pháp học gắn lý luận với thực tiễn của cách mạng Việt Nam; luôn ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành mệnh lệnh, chỉ thị của Đảng, của Bác Hồ…
Các đại biểu đã phân tích các nhân tố tác động tới nhân cách Phùng Chí Kiên như quê hương, gia đình giàu truyền thống yêu nước, bối cảnh lịch sử, phẩm chất và lý tưởng cách mạng của đồng chí./.