Góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cử tri

17:41, 18/05/2016

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 (Cuộc bầu cử) từ tỉnh đến cơ sở được triển khai nhất quán, thông suốt và đúng quy định. Ý thức trách nhiệm tham gia bầu cử của cả người ứng cử và cử tri trong tỉnh được đánh giá rất cao... Kết quả đó có được từ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có các cơ quan, đơn vị đảm trách công tác thông tin, tuyên truyền.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành sát sao của Ban Chỉ đạo bầu cử, Ủy ban bầu cử tỉnh, ngay từ ngày đầu triển khai, Tổ công tác Thông tin - Tuyên truyền bầu cử của tỉnh mà Thường trực là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã bám sát lộ trình trước, trong và sau bầu cử để lên kế hoạch tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, nội dung đa dạng. Thời gian qua, các đơn vị thành viên Tổ công tác Thông tin - Tuyên truyền bầu cử tỉnh đã chủ động, tích cực tham mưu, triển khai nhiều hình thức tuyên truyền. Trong đó, với vai trò Thường trực, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã thường xuyên nắm bắt tình hình, đôn đốc, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao của các đơn vị thành viên; cung cấp tài liệu và định hướng tuyên truyền cho các cơ quan báo chí trong tỉnh, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, đồng thời thường xuyên nắm bắt và kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử ở các địa phương.

 

Đối với Báo Thái Nguyên đã sớm mở chuyên mục "Tiến tới bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021" trên cả báo in và báo điện tử, với nhiều tin, bài phản ánh đa dạng. Thông tin về công tác tuyên truyền trên báo Đảng tỉnh, đồng chí Đỗ Thị Thìn, Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên cho biết: Công tác tuyên truyền bầu cử được Tòa soạn tập trung hướng về cơ sở, phản ánh những cách làm hay, phù hợp và hiệu quả; phản ánh kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo và Ủy ban bầu cử tỉnh, công tác kiểm tra, giám sát và hoạt động tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử từ tỉnh đến các địa phương. Tính đến ngày 18-5, trên các ấn phẩm của Báo Thái Nguyên đã đăng tải gần 200 tin, bài, chỉ thị, nghị quyết và văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về Cuộc cầu cử lần này.

 

Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, bên cạnh tuyên truyền trên tất cả các loại hình báo chí, Đài còn phối hợp với các đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về Cuộc bầu cử. Riêng các đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện đến nay đã phát sóng hơn 600 tin, bài; in hơn 3.000 băng đĩa cổ động tuyên truyền; lắp đặt mới và sửa chữa, nâng cấp hơn 300 cụm loa truyền thanh cơ sở. Đồng chí Nguyễn Thị Vũ Anh, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thông tin: Ngoài các chuyên mục đang duy trì, Đài đã xây dựng kịch bản 2 chương trình truyền hình đặc biệt có tên: "Chào mừng Ngày hội non sông" và "Ngày hội non sông" để phát sóng vào các ngày 21 và 22-5 tới.

 

Cùng với các cơ quan thông tin đại chúng, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng tăng cường tuyên truyền trực quan bằng băng zôn, khẩu hiệu. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp trực thuộc tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ lồng ghép với tuyên truyền bầu cử hướng về cơ sở. Sở Thông tin và Truyền thông đã in ấn, xuất bản gần 5.000 tờ gấp tuyên truyền về Cuộc bầu cử để phát hành tới các xã, phường thị trấn trên địa bàn; cấp phép xuất bản các tài liệu tuyên truyền bầu cử với số lượng in hơn 27.000 bản...

 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Văn Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Tổ trưởng Tổ công tác Thông tin - Tuyên truyền bầu cử của tỉnh khẳng định: Thành công lớn nhất trong công tác thông tin, tuyên truyền Cuộc bầu cử lần này chính là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cử tri. Điều này thể hiện ở chỗ mọi địa bàn, mọi tầng lớp nhân dân đều được thông tin đầy đủ về Cuộc bầu cử. Thông qua các cuộc tiếp xúc với ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, chúng tôi nhận thấy cử tri không chỉ chăm chú theo dõi tiểu sử, chương trình hành động mà còn nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất nhiều ý kiến, kiến nghị xác đáng, tâm huyết dành cho các ứng cử viên. Ngoài ra, công tác thông tin, tuyên truyền hiệu quả cũng giúp đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

 

Thực tế, việc đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền không chỉ giúp người dân hiểu rõ hơn quyền và trách nhiệm của mình mà còn tạo không khí phấn khởi đón chờ Ngày bầu cử. Ông Triệu Văn Hiền, dân tộc Nùng, ở xóm Lau Sau, xã La Bằng (Đại Từ) cho biết: Thông qua các buổi tuyên truyền trên loa tuyền thanh, đọc báo và xem truyền hình, tôi và mọi người trong xóm đều hiểu rõ bầu cử là trách nhiệm và quyền lợi của người dân. Đặc biệt, mỗi lá phiếu của cử tri được coi như một viên gạch xây dựng đất nước nên việc lựa chọn đại biểu xứng đáng là rất quan trọng. Ông Hoàng Văn Thanh, Trưởng xóm Na Mả, xã Phương Giao (Võ Nhai) cũng chia sẻ: Là địa bàn vùng sâu vùng xa, trình độ dân trí tuy còn thấp nhưng đến nay, mọi người dân trong xóm đều được thông tin đầy đủ về Cuộc bầu cử. Ai cũng háo hức chờ đến ngày 22-5 để thực hiện quyền và trách nhiệm công dân của mình.

 

Nhận định thêm về công tác thông tin, tuyên truyền bầu cử, đồng chí Lê Văn Tuấn cho rằng: Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào Cuộc bầu cử sẽ thành công với tỷ lệ cử tri đi bầu cao, lựa chọn được những đại biểu xứng đáng. Đó sẽ là cơ sở để xây dựng một hệ thống chính quyền trong sạch, vững mạnh từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng được yêu cầu cán bộ thực sự là công bộc của dân.