Lá phiếu trách nhiệm

15:17, 22/05/2016

1. Hôm nay 22-5 là ngày hội lớn của nhân dân Việt Nam - ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Quá trình tiến tới ngày này là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng nhằm phát huy quyền làm chủ của người dân, lựa chọn những đại biểu đủ đức, đủ tài đại diện cho mình tham gia các cơ quan quyền lực tối cao, quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước và địa phương. Lá phiếu của các cử tri là yếu tố có ý nghĩa quan trọng quyết định đến chất lượng bầu cử, chất lượng đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Mỗi lá phiếu là thể hiện lòng yêu nước, quyền lợi và trách nhiệm công dân.

Còn nhớ ngày 3-9-1945, chỉ sau một ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam mới - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm lúc đó phải thực hiện ngay là "tổ chức càng sớm, càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu để bầu ra Quốc hội, để cử ra một chính phủ thực sự của dân và ấn định cho nước Việt Nam một Hiến pháp mới".

Vượt lên tất cả khó khăn, thử thách "ngàn cân treo sợi tóc" với thù trong giặc ngoài, với sự chống phá của các thế lực phản động ở phía Bắc và mưu toan trở lại cướp nước ta một lần nữa của thực dân Pháp ở phía Nam, ngày 6-1-1946 đã biểu hiện sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nêu cao ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc, quyết tâm bảo vệ chế độ mới với những lá phiếu đầy trách nhiệm của cử tri mà không ít nơi như Nha Trang, Mỹ Tho, Cần Thơ, Tây Nguyên… máu đã nhuộm đỏ một số lá phiếu của cử tri do quân đội Pháp ném bom chống phá. Mỗi lá phiếu "đã trở thành một viên đạn bắn vào đầu quân thù".

 

Ngày Tổng tuyển cử 6-1-1946 đã trở thành một mốc son lịch sử, ghi dấu ấn cho một thể chế chính trị mới của nước Việt Nam - thể chế chính trị dân chủ cộng hòa được quyết định bởi những lá phiếu đầy tinh thần trách nhiệm của cử tri cả nước lúc đó.

 

Từ cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ nhất đến lần này là bầu cử Quốc hội khóa XIV, mỗi một lần bầu cử Quốc hội lại có những yêu cầu với các ứng viên có những phẩm chất, năng lực khác nhau để đáp ứng nhiệm vụ cách mạng của mỗi giai đoạn. Song, ý thức công dân, ý thức trách nhiệm thể hiện qua những lá phiếu của cử tri vẫn là yếu tố quyết định tới chất lượng các cuộc bầu cử, chất lượng đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.

 

2. Để thực sự nêu cao ý thức, thực hiện quyền lợi và làm tròn nghĩa vụ công dân; để thực sự mỗi lá phiếu của cử tri là những lá phiếu trách nhiệm, trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, lần này mỗi cử tri cần lưu ý: Một là, nghiên cứu kỹ tiểu sử từng ứng viên, cân nhắc, so sánh, lựa chọn thật kỹ trước khi hạ bút quyết định bầu ai trong các ứng viên.

 

Hai là, cần nghiên cứu kỹ chương trình hành động của các ứng viên. Các chương trình hành động có tính khả thi và đáp ứng được những nhiệm vụ trọng tâm, những vấn đề cấp bách của đất nước và địa phương hay không? Với đất nước, những vấn đề lớn đồng thời cũng là cấp bách như: Tháo gỡ các khó khăn, rào cản để giải phóng mọi năng lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của đất nước, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình ổn định để phát triển; chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm, ngăn chặn sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân…

 

Ba là, mỗi cử tri nghiêm túc chấp hành đúng Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ chín ngày 25-6-2015 thông qua. Cần nghiên cứu và nắm vững Chương VII: Nguyên tắc và trình tự bỏ phiếu, trong đó Khoản 1 và Khoản 2 Điều 69 yêu cầu: Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri, phải đóng dấu "đã bỏ phiếu" sau khi bầu cử.

 

Bốn là, thời gian bỏ phiếu nhìn chung bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc vào 7 giờ tối cùng ngày. Do vậy, cử tri cần cố gắng thu xếp thời gian để đi bỏ phiếu, thực hiện quyền lợi và làm tròn trách nhiệm bổn phận của cử tri. Việc sắp xếp thời gian, tranh thủ đi bỏ phiếu sớm là tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tổ chức bầu cử hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

 

Năm là, với lòng yêu nước, ý thức làm chủ, mỗi lá phiếu của cử tri phải là lá phiếu trách nhiệm: Bầu đúng số lượng quy định, không gạch xóa tùy tiện, không ghi thêm người vào danh sách, không bầu thiếu và tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng phiếu bầu không hợp lệ. Mỗi cử tri vừa tôn trọng luật pháp vừa cảnh giác với những âm mưu xuyên tạc, phá hoại cuộc bầu cử của các thế lực cơ hội, phản động, của những phần tử xấu, bất mãn.

 

Ngày 22-5-2016 - ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Mỗi cử tri khi cầm lá phiếu trên tay để bầu cử phải thực sự là những lá phiếu trách nhiệm, tự trọng, tự hào mình là công dân Việt Nam góp phần tạo cho ngày này thực sự là ngày hội lớn của nhân dân, đất nước.

 

PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ