Náo nức trước ngày bầu cử

08:35, 10/05/2016

Tháng Năm, nắng vàng như mật ngọt, lúa ngoài đồng vừa độ nghén, chè trên nương tủa búp xanh, chúng tôi gặp ở đó không khí lao động hăng say của bao người dân. Khi đến một số xóm, xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều dễ cảm nhận là dù bận rộn với công việc nhà nông nhưng ai nấy đều phấn khởi, náo nức chờ đón Ngày hội của toàn dân: Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Đi bầu ta đi bầu, cùng mọi người hướng đến tương lai”… Lời bài hát “Ngày vui bầu cử” cất vang trên loa phóng thanh như hối thúc, mời gọi. Ông Triệu Văn Đông, Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử xã La Bằng (Đại Từ) cho biết: Xã La Bằng có 10 xóm, hơn 3.000 cử tri, với 6 tổ bỏ phiếu. Để nâng cao nhận thức của cử tri, nhất là với bà con các dân tộc thiểu số, xã duy trì đều đặn hoạt động tuyên truyền về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015; về quyền lợi và nghĩa vụ của cử tri thông qua 3 cụm loa truyền thanh của xã và loa truyền thanh tại 10 nhà văn hóa xóm.

 

Bên ngôi nhà sàn ở Không gian văn hóa trà xã La Bằng, có rất nhiều cử tri là người dân tộc Dao, Nùng, Tày, Kinh... cùng nhau xem các tấm pa nô, khẩu hiệu tuyên truyền về ngày bầu cử. Ông Dương Văn Vượng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Địa điểm này được chọn làm khu vực bỏ phiếu số 5, gồm xóm Kẹm và xóm Tiến Thành, với tổng số 448 cử tri, trong đó có 216 nam, 232 nữ. Cử tri cao tuổi nhất là cụ Nguyễn Thị Vân, 111 tuổi... Thấy cô gái còn rất trẻ đang tìm tên mình trong danh sách cử tri, chúng tôi hỏi thì được biết: Chị là Vi Thị Huế, 20 tuổi, dân tộc Nùng, ở xóm Kẹm. Chị Huế bảo: Tôi rất hồi hộp vì đây là lần đầu tiên được tham gia bầu cử để lựa chọn những đại biểu xứng đáng đại diện cho nhân dân.

 

Rời xã La Bằng về huyện Phú Lương, chúng tôi vội bươn bả trong nắng lên xóm người Dao Suối Bốc, xã Yên Ninh. Gặp chúng tôi, ông Đặng Quý Ngân, Trưởng xóm cho biết: Xóm Suối Bốc có 98 hộ, 276 nhân khẩu, 95% là người dân tộc Dao. Hiện danh sách cử tri đã được niêm yết công khai ở Nhà văn hóa xóm. Cử tri Triệu Văn Quý phấn chấn nói: Là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh, tôi cùng các hội viên tích cực tham gia hoạt động tuyên truyền, vận động bà con sẵn sàng đi bầu cử. Còn cử tri Đặng Phúc Lợi, Bí thư Chi bộ xóm Suối Bốc cho biết: Từ đầu năm, xóm Suối Bốc đã tăng cường việc tuyên truyền về ngày bầu cử trên loa truyền thanh của xóm; đồng thời bằng một số hình ảnh trực quan sinh động là pa nô, áp phích, khẩu hiệu, hình ảnh liên quan tới hoạt động bầu cử được trưng bày ở Nhà văn hóa của xóm.

 

Cũng ở huyện Phú Lương, khi đến với cử tri người Mông ở xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt, gặp hôm có cán bộ Đội Thông tin lưu động của Trung tâm Văn hóa tỉnh về tuyên truyền bầu cử, nên cả xóm tưng bừng như một ngày hội. Trước sân Nhà văn hóa, thanh niên chia nhóm thi đấu bóng chuyền. Cạnh đó, một không gian triển lãm, với hàng chục tấm pa nô, khẩu hiệu cỡ lớn được trưng bày phục vụ đồng bào. Ông Lý Văn Día, Trưởng xóm cho biết: Thời điểm này, sắn đã xanh mầm, ngô vừa tra xong hạt, nên bà con có chút thảnh thơi, ai nấy háo hức chờ đợi ngày bầu cử. Ở xóm có cụ Sầm Thị Chi, 90 tuổi là cử tri cao tuổi nhất. Cụ là một trong những người đầu tiên từ vùng đất Cao Bằng hạ sơn về đây lập nên xóm người Mông Đồng Tâm. Hiện nay, cụ vẫn còn minh mẫn, luôn hăng hái vận động con cháu trong dòng họ và bà con chòm xóm tích cực chuẩn bị tham gia đi bầu cử... Còn chị Lý Thị Mai, Bí thư Chi đoàn xóm cho biết: Chi đoàn chúng tôi tích cực tham gia tuyên truyền về bầu cử thông qua sinh hoạt văn nghệ; đồng thời làm vệ sinh môi trường khu vực bỏ phiếu, tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại điểm niêm yết danh sách cử tri và danh sách những người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp.

 

Đi về bản làng vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Trong tôi, một cảm nhận phấn chấn, rạo rực như có ngọn lửa lòng hối giục... Đời sống của đồng bào các dân tộc đang từng ngày vơi bớt khó khăn, phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới lan tỏa rộng khắp, ngấm sâu vào đời sống cộng đồng. Trao đổi với chúng tôi, bà Hồ Thị Thanh, Tổ phó Tổ bầu cử số 2, xóm Na Quán, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) cho biết: Tổ bầu cử số 2 có 399 cử tri, gần 100% cử tri là người dân tộc Sán Dìu. 100% cử tri ở đây đều nhận thức đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ công dân khi tham gia bầu cử… Trong rực rỡ pa nô, khẩu hiệu, cờ Tổ quốc, các bà, các chị người dân tộc Sán Dìu cùng đọc cho nhau nghe những dòng khẩu hiệu tuyên truyền về bầu cử. Ông Trịnh Ngọc Thông, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Soọng cô xóm Na Quán còn sáng tác bài hát tuyên truyền về bầu cử bằng tiếng dân tộc Sán Dìu, rồi cùng các thành viên Câu lạc bộ hát phục vụ đồng bào. Cụ Diệp Thị Sinh, một cử tri đã 87 tuổi ở xóm cho biết: Tôi sẽ thực hiện đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ công dân của mình với đất nước thông lá phiếu bầu.

 

Từ nhận thức được đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ của mình nên trước ngày bầu cử, các cử tri đồng bào dân tộc thiểu số chúng tôi gặp tại các điểm bầu cử đều nghiêm túc xem xét, tìm hiểu về tiểu sử, trình độ năng lực của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Và thông qua lá phiếu bầu của mình, các cử tri đều tin tưởng sẽ lựa chọn được những người có đức, có tài vào vị trí xứng đáng.