Ngọn đèn biển cực Đông Tổ quốc

08:21, 16/05/2016

Nhiều chuyến ra thăm Trường Sa, song chẳng mấy người đến thăm được ngọn đèn hải đăng Tiên Nữ - ngọn đèn biển cực Đông của Tổ quốc, bởi từ đảo Tiên Nữ ra đến Nhà đèn phải qua một cái hồ nằm trong bãi đá, tàu lớn không vào được, xuồng chỉ được phép chạy khi thời tiết thật thuận lợi. Đa số các đoàn ra gần đến đây chỉ kéo ba hồi còi chào, ngắm nhìn rồi lại đi tiếp. Chuyến ra thăm đảo mới đây trời yên biển lặng, một nhóm nhỏ chúng tôi được Trưởng Đoàn cho phép ra thăm Nhà đèn sau khi thăm cán bộ, chiến sỹ trên đảo Tiên Nữ.

Chiếc xuồng máy nhỏ đưa chúng tôi đi qua hồ nước rộng. Sóng trong hồ không lớn như ngoài đại dương mênh mông nhưng so với xuồng máy nhỏ, nó cũng thực đáng gờm. Chúng tôi bước lên Trạm hải đăng Tiên Nữ trong sự vui mừng khôn xiết của anh em cán bộ, nhân viên Nhà đèn. Với những cái bắt tay rất chặt, Ông Vũ Sỹ Lưu, Trưởng Trạm cùng anh em Nhà đèn đưa chúng tôi đi thăm từ vườn rau, góc bếp, phòng nghỉ đến nơi làm việc, trực chiến. Vài con lợn, mấy chú chó, những con ngan, con gà dưới chân cầu thang là những con vật được cán bộ, nhân viên Nhà đèn nuôi vừa cho đỡ buồn, cũng là để chủ động cải thiện thêm đời sống hàng ngày. Rau xanh các loại được trồng xung quanh chân đèn. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là rau xanh tốt hơn rau trên các đảo mà chúng tôi đã đi qua. Ông khoe: “Mấy bác cháu thi thoảng cũng tổ chức đánh bắt cá để cải thiện bữa ăn, rau thì bây giờ cũng tự lo được”.

 

Tiên Nữ là ngọn hải đăng thứ ba được xây dựng trên một đảo chìm - Đảo đá Tiên Nữ. Năm 2000, đèn biển đảo Tiên Nữ được thiết lập ở vị trí cách điểm đảo khoảng 2,9 hải lý về phía Đông Bắc. Đèn biển đảo Tiên Nữ có tâm sáng ở độ cao 20,5m, tầm hiệu lực ánh sáng ban ngày 14 hải lý, tầm hiệu lực ánh sáng ban đêm 15 hải lý. Trạm Hải đăng Tiên Nữ thuộc Công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải Biển Đông và Hải đảo, Tổng Công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải miền Nam, thuộc Bộ Giao Thông vận tải.

 

Chiếc cầu thang vòng theo cột đèn với độ dốc cao, chỉ vừa cho từng người đi lên nhưng chỉ một loáng, hơn chục người chúng tôi đã nhanh chóng có mặt tại phòng trực của Nhà đèn. Trước mắt chúng tôi, lịch làm việc ghi rất cụ thể, phân công nhiệm vụ hàng ngày 24/24 giờ. Từng công việc đều được thể hiện rõ nét trên bảng từ 0 giờ cho đến 24 giờ với những nhiệm vụ như kiểm tra tầm hiệu lực ánh sáng, theo dõi hoạt động của các thiết bị đèn, quan sát khu vực hàng hải và ghi nhật ký, vệ sinh đèn chính, đèn phụ, 5 giờ 30 tắt đèn, 7 giờ 30 chạy máy phát và thông tin liên lạc...

 

Không nhớ câu chuyện của chúng tôi được bắt đầu từ đâu, tiếng nói, tiếng cười cứ râm ran tưởng chừng như khó có điểm dừng. Trưởng Trạm Vũ Sỹ Lưu quê ở Hải Phòng, là con trai một của gia đình, được ra đảo công tác từ năm 1993; đến nay ông đã có thâm niên 23 năm liên tục ở ngoài đảo. Với khuôn mặt tươi màu nắng gió, ông tâm sự: Đây là lần thứ hai ông được luân chuyển trở lại Nhà đèn Tiên Nữ. Ông rất hãnh diện với mọi người về người vợ thân yêu của ông nơi quê nhà đã giúp ông nuôi dạy 2 con khôn lớn, trưởng thành, luôn là nguồn động viên để ông vững tâm ra làm nhiệm vụ ngoài biển đảo...

 

Phó Đô đốc Đinh Gia Thật và đoàn công tác trò chuyện với cán bộ, nhân viên Nhà đèn Tiên Nữ (ảnh chụp sáng 1-5-2016).

Phó Đô đốc Đinh Gia Thật và đoàn công tác trò chuyện với cán bộ, nhân viên Nhà đèn Tiên Nữ (ảnh chụp sáng 1-5-2016).

 

So với anh em cán bộ, chiến sỹ bên Đảo Tiên Nữ, cánh nhà đèn cũng ít được thăm hỏi trực tiếp do điều kiện đi lại khó khăn. Thường thì nhà đèn mỗi năm chỉ đón mấy chuyến tàu chở lương thực thực phẩm của ngành ra tiếp tế. Song mỗi khi có khách từ đất liền ra thăm, cán bộ, chiến sỹ bên Đảo đều thông tin để anh em cùng sang đón khách và chia sẻ cả về vật chất cũng như tinh thần, động viên nhau, phối hợp tác chiến để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

 

Ông cho biết, anh em chúng tôi từ khắp mọi miền của Tổ quốc hội tụ về, 100% là nam giới, đã có gia đình. Người trẻ tuổi nhất sinh năm 1989. Với tuổi ngoài 50, có bề dày kinh nghiệm, ông mới luân chuyển về Trạm được hơn 6 tháng và được phân công là Trạm Trưởng. Ở đây, anh em, chú cháu sống với nhau như một gia đình. Những lúc thời tiết đẹp cũng như những ngày sóng to, gió lớn, thời tiết khắc nghiệt, anh em luôn đùm bọc, bám lấy nhau, san sẻ, động viên nhau trong mọi tình huống, mọi công việc để hoàn thành xuất sắc được nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả mà Tổ quốc giao phó. Với những cống hiến nỗ lực của cán bộ, nhân viên Trạm Hải đăng Tiên Nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch nước đã tặng Huân chương lao động hạng Ba năm 2014 cho tập thể cán bộ, nhân viên của Trạm; Tổ công đoàn của Trạm liên tục được Ban Chấp hành công đoàn Cục Hàng hải Việt Nam tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.

 

Được Chính ủy Bộ Tư Lệnh Hải quân, Trung tướng Đinh Gia Thật cùng các đại biểu trong đoàn công tác chia sẻ, động viên, ông bộc bạch thêm: Với tôi, gần như cả cuộc đời cống hiến cho biển đảo quê hương. Mặc dù mỗi lần về phép, các con đều khẩn khoản đề nghị bố chuyển ngành, về quê với gia đình, song biết tôi gắn bó với biển đảo, vợ tôi vẫn gạt những giọt nước mắt nhớ thương, động viên tôi yên tâm công tác. Ông chỉ mong muốn Đảng, Nhà nước, Ngành... nghiên cứu, đổi mới cơ chế chính sách, tạo điều kiện để anh em sớm được luân phiên, có điều kiện về thăm gia đình nhiều hơn.

 

11 giờ trưa, mặt trời đã lên đến đỉnh đầu. Đến giờ hẹn phải về tàu để tiếp tục hành trình. Chúng tôi lưu luyến vẫy tay chào ông Lưu, chào anh em Nhà đèn, trong lòng thầm cảm phục sự hy sinh cao cả của cán bộ, nhân viên nơi đây. Họ luôn phải đối mặt với sóng gió nơi tiền tiêu, kiên cường bám trụ để ngọn đèn hải đăng Tiên Nữ cùng với những ngọn đèn của Trường Sa không bao giờ tắt, góp phần giúp cho tàu bè quốc tế và cũng như trong nước vượt qua những bãi đá ngầm, vượt qua những cơn sóng gió thất thường, giữ vững bình yên trên biển, đảo.

 

Trên quần đảo Trường Sa hiện có 9 cây đèn biển tại các đảo: Tiên Nữ, Song Tử Tây, Đá Lát, Đá Tây, An Bang, Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết và Trường Sa lớn. Những ngọn hải đăng ở quần đảo Trường Sa không bao giờ tắt, bất kể nắng hay mưa, biển lặng hay bão tố. Đó không chỉ là điểm mốc cho tàu thuyền qua lại trong đêm tối giữa đại dương bao la, mà còn khẳng định một điều hiển nhiên: Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Hiện nay tất cả các ngọn hải đăng Trường Sa đều được đặt dưới sự quản lý của Tổng Công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải miền Nam, bên cạnh sự bảo vệ của những người lính Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Việc xây dựng những ngọn đèn biển này theo luật pháp quốc tế là trách nhiệm của quốc gia có biển, vừa là cột mốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam, được cơ quan Quỹ đạo quốc tế và Hiệp hội báo hiệu hàng hải quốc tế ghi nhận trên hải đồ quốc tế.