Chiều 25-5, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 48, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về hai dự thảo Nghị quyết về tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính; Nghị quyết quy định về phân loại đô thị.
Với đa số ý kiến tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết về tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính và dự thảo Nghị quyết quy định về phân loại đô thị.
Cho ý kiến về dự thảo hai Nghị quyết, đa số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc xây dựng hai Nghị quyết quan trọng này. Nghị quyết về tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính quy định chi tiết thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Nghị quyết về phân loại đô thị quy định chi tiết thi hành Điều 140 Luật Chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung Điều 4 về phân loại đô thị của Luật Quy hoạch đô thị.
Giải trình ý kiến cho rằng giữa hai Nghị quyết có những nội dung giống nhau nhưng tiêu chuẩn quy định cụ thể trong hai Nghị quyết lại khác nhau, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho hay: Do mục đích, nội dung của việc phân loại đơn vị hành chính và phân loại đô thị là khác nhau; đồng thời, các tiêu chí làm cơ sở phân loại đơn vị hành chính và phân loại đô thị cũng khác nhau, cho nên các tiêu chí quy định trong 2 Nghị quyết không thể hoàn toàn giống nhau được.
Băn khoăn một số tiêu chí phân loại đô thị như trong dự thảo Nghị quyết quá thấp so với tiêu chí đã được nêu trong văn kiện của Đảng, ông Phan Trung Lý giải thích, trên cơ sở rà soát các nội dung liên quan cho phù hợp với văn kiện của Đảng, dự thảo Nghị quyết đã được chỉnh lý theo hướng bổ sung vào các phụ lục tiêu chuẩn của các tiêu chí về phân loại đô thị trên cơ sở các định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội quốc gia, định hướng phát triển nhà ở, định hướng phát triển đô thị…
Dự thảo Nghị quyết cũng đã được chỉnh lý theo hướng áp dụng phương pháp tính điểm. Trước băn khoăn của một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương pháp tính điểm, Chủ nhiệm Phan Trung Lý cho biết: đây là phương pháp hiện nay đang áp dụng để thực hiện việc phân loại đơn vị hành chính. Áp dụng phương pháp này sẽ không gây xáo trộn lớn trong việc phân loại các đơn vị hành chính so với hiện hành; đồng thời vẫn bảo đảm đổi mới trong công tác phân loại đơn vị hành chính các cấp phù hợp với từng loại đơn vị hành chính ở nông thôn, đô thị và hải đảo.
Theo đó, tổng điểm tối đa của 5 tiêu chí là 100 điểm; đơn vị hành chính nào (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) đạt tổng số từ 75 điểm trở lên thì được phân loại I; đơn vị hành chính nào đạt tổng số từ 50 điểm đến 75 điểm thì được phân loại II; đơn vị hành chính nào đạt tổng số dưới 50 điểm thì được phân loại III.
Tiếp thu ý kiến đề nghị tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cần được quy định một cách hợp lý để tránh tình trạng chia nhỏ các đơn vị hành chính, ông Phan Trung Lý nhấn mạnh: các tiêu chuẩn của đơn vị hành chính nông thôn, như diện tích tự nhiên, quy mô dân số, số đơn vị hành chính trực thuộc được quy định trong dự thảo Nghị quyết đã được nghiên cứu và xác định theo hướng cao hơn so với mức bình quân của các đơn vị hành chính nông thôn và có tính đến yếu tố vùng, miền trong cả nước.
Đối với các đơn vị hành chính đô thị thì tiêu chuẩn của các đơn vị này được quy định trên cơ sở kế thừa các quy định hợp lý của pháp luật hiện hành về đơn vị hành chính đô thị, đồng thời có tham khảo mức bình quân của đơn vị hành chính cùng cấp và loại đô thị tương ứng. Mặt khác, nhằm giữ ổn định đơn vị hành chính hiện nay, dự thảo Nghị quyết đã quy định không áp dụng đối với đơn vị hành chính được thành lập trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực. Vì vậy, với các quy định của dự thảo Nghị quyết sẽ hạn chế việc chia tách, thành lập mới các đơn vị hành chính.
Để làm rõ thêm vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt ra câu hỏi, sau khi Nghị quyết ra đời liệu có xảy ra tình hình các địa phương lại xin để thành lập mới, chia tách, điều chỉnh các đơn vị hành chính hay không? Có làm cho các đơn vị hành chính tăng lên và bộ máy cán bộ phình lên hay không? Việc điều chỉnh phải căn cứ vào Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã phân định thẩm quyền phân chia đơn vị hành chính. Và theo tinh thần mới, Quốc hội điều chỉnh đơn vị hành chính cấp tỉnh; Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh đơn vị hành chính từ dưới cấp tỉnh trở xuống, kể cả xã, quận huyện trực thuộc tỉnh, thành phố. Khác với trước đây, dưới cấp tỉnh là do Chính phủ. Do vậy, khi Nghị quyết này ra đời việc điều chỉnh thành lập mới, chia tách sẽ được bảo đảm chặt chẽ hơn./.