Còn một tuần nữa mới tới ngày Bầu cử Quốc hội Việt Nam khóa XIV và Bầu cử Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, ở thời điểm hiện tại không khí bầu cử đã lan đến mọi cấp, ngành, lớp người trong xã hội. Với sinh viên Đại học Thái Nguyên, đặc biệt là những sinh viên lần đầu tiên đi bỏ phiếu thì chuyện bầu cử còn phấn chấn hơn.
Có mặt ký túc xá và Hội trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên (ĐHNL), Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên (ĐHKTCN) chúng tôi nhận thấy các địa điểm sẽ diễn ra bầu cử đã dán nhiều băng rôn, khẩu hiệu, niêm yết đầy đủ danh sách cử tri và danh sách ứng cử viên. Các điểm bầu cử đều là nơi dễ quan sát, gây chú ý cho mọi người, và là nơi nhiều người có thể tập trung tìm hiểu thông tin và bỏ phiếu. Chẳng hạn ở ĐH NL là ngay tầng 1 rộng rãi phía trước của Hội trường lớn, ở ĐH KTCN thì lại ở sảnh tầng 1 hội trường lớn, nơi sinh viên hàng ngày qua lại lên giảng đường, dễ quan sát… Khẩu hiệu có phần khác với các khu dân cư được treo trang trong với dòng chữ: “Sẽ chọn đúng người để giúp ích cho đất nước…” được căng, treo phổ biến tại các trường. Có lẽ, tít chữ khẩu hiệu này chính là cách lựa chọn phù hợp với đội ngũ sinh viên tri thức trẻ. Theo Luật Bầu cử, cử tri là những người đủ 18 tuổi trở lên, nên đối với lớp sinh viên hiện nay, hầu hết đây là lần đầu tiên họ được đi bầu cử. Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) cho biết: ĐHTN có gần 11.900 cử tri là sinh viên nội trú tham gia bầu cử quốc hội và HĐND các cấp, trong đó có trên 3.000 cử tri là sinh viên nội trú học năm đầu, chưa đủ thời gian cư trú trên 12 tháng nên tham gia bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND cấp tỉnh, thành phố, không tham gia bầu cử cấp phường, xã theo Luật Bầu cử. Toàn ĐHTN cử tri là sinh viên nội trú sẽ tham gia bầu cử tại 10 tổ bầu cử và 2 điểm bầu cử.
Cử tri Ngải Pìn Quá, dân tộc Hoa (còn gọi là dân tộc Xạ Phạng), Trường Đại học Khoa học (ĐHKH), đến từ huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, mới nhập học năm đầu ngành Báo chí cho biết: “Trường đã dán danh sách cử tri từ gần một tháng trước đây, và em đã nhìn thấy tên mình ở đó. Cả lớp ai cũng bàn tán về người mình định lựa chọn làm đại biểu Quốc hội khóa mới và HĐND cấp tỉnh,thành phố. Hôm tiếp xúc cử tri ở hội trường Đại học Sư phạm, mặc dù bận học môn thể chất, nhưng tan học sớm, em cũng tranh thủ cùng các bạn đến tận mắt nhìn thấy người ứng cử, nghe họ phát biểu về chương trình hành động. Chắc chắn họ sẽ là người đại diện cho dân tộc thiểu số, sinh viên, tầng lớp tri thức để thay chúng em nói lên tâm tư nguyện vọng và những chính sách đối với tri thức trẻ, nhất là người dân tộc thiểu số. Tất cả đều háo hức chờ đến ngày 22-5”.
Còn cử tri Tráng A Hảng, dân tộc Mông, đến từ huyện Mường La, tỉnh Sơn La cùng là sinh viên năm đầu ngành Báo chí lại thấy tò mò vì “Không biết cái cảm giác khi cầm trên tay lá phiếu sẽ như thế nào, có hồi hộp hay run gì không…Vì chọn phải đúng người tài cho đất nước. Lần đầu tiên bản thân được quyết định vào công việc của quốc gia, nên hồi hộp và cũng thấy hạnh phúc lắm. Ngày còn học phổ thông, ở nhà, em thấy bố mẹ và các anh, chị mình hay bàn về chọn người đại diện, tiêu biểu làm trưởng thôn phải khách quan, công tâm. Chọn nhầm người thì sau này bà con mất nhờ… Em hình dung bầu chọn đại biểu Quốc hội và HĐND bây giờ với mình cũng vậy, nhưng tầm bao quát lớn hơn và là trách nhiệm với quốc gia, với dân tộc”. Công tác tuyên truyền tại trường, lớp học cũng đã cung cấp các nhận thức cơ bản cho sinh viên về bầu cử. Khi được hỏi về quan điểm của mình về hoạt động bầu cử, Ngọc Linh Trang, sinh viên năm thứ nhất Khoa Địa chính, Môi trường N01, ĐHNL vui vẻ nói: “Đối với em thì dù mỗi lá phiếu chỉ đóng góp một phần nhỏ bé đến kết quả bầu cử, nhưng em nghĩ nếu mình chọn đúng thì đó cũng là một việc làm có ý nghĩa rồi”.
Cũng đồng tình với quan điểm của Trang, Nguyễn Sơn Hải, sinh viên năm thứ hai, Khoa Kinh tế Nông nghiệp N01, ĐHNL, cho biết: “Bầu cử là bầu ra người vừa giỏi, vừa có đức, nên bọn em sẽ tham khảo, cân nhắc và suy nghĩ kỹ trước khi bỏ phiếu”. Còn sinh viên Nguyễn thị Quỳnh Trang, Khoa Quản lý Đất đai N03 chia sẻ: “Được đi bầu cử khiến em cảm thấy rõ ràng nhất việc mình được thực hiện quyền công dân, rằng mình sẽ đóng góp được một phần nhỏ tìm ra nhân tài cho đất nước, nên mình sẽ bầu cho người mà mình cảm thấy tin cậy”.
Công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đã được hoàn tất tại các điểm và tổ bầu cử trong toàn ĐHTN. Ở Tổ bầu cử số 14 và 15 (Hội trường A, và Viện Khoa học sự sống ĐHNL) có 2.500 sinh viên tham gia bầu cử, là sinh viên của 2 trường, ĐHNL, ĐHKH và Khoa Quốc tế. Tổ bầu cử đã sớm tổ chức các công tác tuyên truyền và vận động sinh viên tham gia bầu cử, cán bộ trong Tổ đã thay phiên nhau đến từng phòng của KTX để gặp gỡ sinh viên, đối chiếu lại dữ liệu, thông tin do sinh viên cung cấp. Tổ bầu cử đã soạn ra một số nội dung về công tác bầu cử dưới dạng hỏi-đáp, và phát trên sóng phát thanh của KTX. Phó Bí thư Đoàn Trường ĐHNL Nguyễn Trường Giang cho biết: “Đây là tập hợp những câu hỏi, đáp gần gũi với sinh viên nhất, vì đa số sinh viên lần đầu đi bầu cử nên những hiểu biết cơ bản cũng chưa nắm rõ. Để giải đáp kịp thời những thắc mắc của sinh viên về những kiến thức liên quan đến bầu cử QH và HĐND, ở nơi niêm yết danh sách cử tri và danh sách ứng cử viên Tổ bầu cử đã niêm yết số điện thoại, thư điện tử của thư ký Tổ bầu cử”.
Quan tâm đến công tác bầu cử, nhiều sinh viên đã ghi chép lại nội dung chương trình hành động của người ứng cử. Nhóm sinh viên Đào Trọng Hiệp, Lê Hồng Nhung, Lý Thanh Bình, Khoa Luật, Quản lý xã hội, ĐHKH chia sẻ: “Sau này lỡ có ứng viên trúng cử, quá trình công tác chúng em sẽ theo dõi và đối chiếu giữa lời hứa với hành động của đại biểu”.