Tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo - Giá trị nổi bật của Cách mạng Tháng Tám tiếp tục được phát huy

08:44, 28/08/2016

Cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 thay đổi vận mệnh dân tộc Việt Nam mang những giá trị nổi bật, vẫn soi sáng cho chặng đường Đổi mới và Hội nhập của đất nước hôm nay.

* Độc lập, tự chủ, dựa vào sức mình là chính

 

Độc lập tự chủ, dựa vào sức mình là chính là quan điểm cách mạng triệt để, nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam khi lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Đó là một trong những nhân tố quan trọng nhất dẫn đến thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.

 

Tinh thần độc lập tự chủ, dựa vào sức mình là chính được Đảng Cộng sản Việt Nam, được Hồ Chí Minh phát huy trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam là sự kế thừa truyền thống của dân tộc qua lịch sử đấu tranh kiên cường, bất khuất, tự lực, tự cường để dựng nước và giữ nước. Việc nghiên cứu lịch sử dân tộc cùng với quá trình tổ chức và lãnh đạo toàn dân đấu tranh giải phóng dân tộc đã giúp Hồ Chí Minh rút ra kết luận mang tính tổng kết: Việt Nam “là một dân tộc tự lực, tự cường”.

 

Có một hiện thực là đến những năm 20 của thế kỷ XX, nhận thức của đa số những người lãnh đạo các đảng cộng sản ở “chính quốc” về thuộc địa vẫn rất lệch lạc, sai lầm. Một số người cho rằng: “Người dân bản xứ là một hạng người thấp kém, không đáng kể, không có khả năng hiểu biết và lại càng không có khả năng hoạt động”. Một số khác lại nhận xét: “Một thuộc địa chẳng qua chỉ là một xứ dưới đầy cát và trên là mặt trời, vài cây dừa xanh với mấy người khác màu da. Và họ hoàn toàn không để ý đến”[1]. Người cộng sản trẻ tuổi Nguyễn Ái Quốc là người dân một xứ thuộc địa khi đó còn ít người biết tên đã “không ngừng lưu ý Quốc tế cộng sản” và “thức tỉnh các đồng chí chính quốc về vấn đề thuộc địa”. Cũng vì sự thờ ơ đối với vấn đề thuộc địa nêu trên mà Nguyễn Ái Quốc cho rằng các dân tộc thuộc địa không thể trông chờ sự giúp đỡ từ bên ngoài mà phải tự lực, tự cường đứng lên tự giải phóng.

 

Thực hiện phương châm độc lập tự chủ, dựa vào sức mình là chính trong tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam làm nên thắng lợi. Khi cả thế giới còn đang phải dồn toàn lực chống lại cuộc chiến tranh phát-xít, các lực lượng chính trị lớn trên thế giới chưa biết và hầu như không quan tâm đến cách mạng Việt Nam, khi cả dân tộc “đang hấp hối trong vòng tử địa” thì Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã kiên cường tự lực, chủ động, sáng tạo chuẩn bị lực lượng mọi mặt cho cách mạng Việt Nam có thể đón và tận dụng triệt để thời cơ lịch sử. Nghị quyết Hội nghị toàn quốc của Đảng tháng 8/1945, viết: “Chỉ có thực lực của ta mới quyết định được sự thắng lợi của ta và đồng minh”[2]. Cũng ngay trong những ngày tháng 8-1945 sôi sục không khí khẩn trương Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Hồ Chí Minh kêu gọi: Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Bằng sức lực, trí tuệ của toàn dân tộc, cách mạng đã thắng lợi trên cả nước trong khoảng thời gian chưa đầy một tháng.

 

*Sáng tạo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, toàn dân tộc

 

Trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, cùng với đường lối, mục tiêu và các chính sách kinh tế - xã hội đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam và Hồ Chí Minh cũng đã thành công trong việc đưa ra mô hình tổ chức Mặt trận Việt Minh thích hợp. Cùng với việc xây dựng và thường xuyên củng cố tổ chức cả ở cấp trung ương và các cấp địa phương, các hình thức tổ chức đoàn thể quần chúng rộng rãi như phụ lão, thanh niên, phụ nữ, nhi đồng, công nhân, nông dân, quân nhân cứu quốc... có ý nghĩa rất quan trọng để tập hợp các giới đồng bào trong Mặt trận Việt Minh. Đường lối, chính sách đúng đắn và tổ chức phù hợp chính là cơ sở để Việt Minh phát triển rộng rãi và nhanh chóng trở thành lực lượng vô địch dưới sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

 

Đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh ở bất cứ thời kỳ nào, hoàn cảnh nào, đại đoàn kết đều là nhiệm vụ được nhấn mạnh hàng đầu. Tư tưởng đó tiếp tục được , Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng và phát triển trong sự nghiệp Đổi mới. Điểm chung Độc lập tự do đã gắn kết toàn dân tộc năm xưa. Điểm chung Giữ vững độc lập, thống nhất, tiến lên dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh gắn kết mọi người dân Việt Nam hôm nay. Đi cùng với điểm tương đồng này là các chính sách cụ thể đối với mỗi tầng lớp, tạo ra động lực mới thúc đẩy phong trào cách mạng của nhân dân, phát huy mọi năng lực của toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh mới, đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn luôn dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc - đó là bài học kinh nghiệm lịch sử quý báu của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó chính là sự kế thừa và phát triển những di sản tư tưởng về đại đoàn kết toàn dân, đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong điều kiện lịch sử mới.

 

Trong giai đoạn hiện nay càng cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh mới. Đại hội Đảng lần thứ XII (tháng 1/2016) đã xác định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo. Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc” (Báo cáo Chính trị). Những điều này hoàn toàn tương đồng với tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh, với đường lối xây dựng và lãnh đạo khối đại đoàn kết dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập đã được Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện thành công.

 

* Kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, nội lực và ngoại lực

 

Luôn nhấn mạnh cần đem sức ta giải phóng cho ta nhưng Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đánh giá cao và luôn trân trọng mọi sự giúp đỡ quốc tế, tranh thủ tối đa các nguồn ngoại lực cho cách mạng Việt Nam. Đây là tư tưởng lớn đã được Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện thành công trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Tư tưởng đó được tiếp tục kế thừa và phát triển trong sự nghiệp Đổi mới. Trong sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay, các nguồn lực đầu tư, viện trợ, hợp tác là được khẳng định là những nhân tố quan trọng từ bên ngoài để tăng cường cho những nỗ lực bên trong.

 

Một trong những bài học kinh nghiệm thành công của cách mạng Việt Nam là: Đã kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế. Kinh nghiệm này cần tiếp tục được phát huy trong giai đoạn mới bằng nhiều biện pháp, chủ trương, đường lối cụ thể. Công cuộc Đổi mới ở Việt Nam đã qua ba mươi năm, vẫn đang tiếp tục và đi vào chiều sâu trong bối cảnh nền kinh tế tri thức ngày càng phát triển, quá trình toàn cầu hoá ngày càng mạnh mẽ. Trong bối cảnh ấy, bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại từ cuộc cách mạng giải phóng dân tộc cần được kế thừa và phát triển sáng tạo. Trong việc kết hợp những nhân tố bên trong với những nhân tố bên ngoài, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại thì nhân tố bên trong, sức mạnh dân tộc giữ vai trò quyết định. Nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng. Hai nguồn lực này gắn kết với nhau thành sức mạnh tổng hợp để phát triển đất nước.

 

Tiến bước trong thế kỷ 21, Việt Nam muốn: “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trên cơ sở vừa hợp tác, vừa đấu tranh, hoạt động đối ngoại nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước...” (Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ XII).

 

Cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 vĩ đại đã làm nên sự khác biệt căn bản của lịch sử Việt Nam bắt đầu từ ngày 2/9/1945, so với tất cả các thế kỷ trước đó của lịch sử dân tộc. Đoạn tuyệt với quá khứ nô lệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định quyết tâm xây dựng xã hội mới của nhân dân Việt Nam: “... Nhân dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nền độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”[3].

 

Những giá trị nổi bật của Cách mạng Tháng Tám năm xưa vẫn được khẳng định và tiếp nối, những bài học kinh nghiệm từ lịch sử hào hùng cách đây hơn 70 năm vẫn soi sáng cho chặng đường Đổi mới toàn diện và Hội nhập sâu rộng của đất nước hôm nay. Công cuộc Đổi mới được Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, lãnh đạo từ những thập niên cuối của thế kỷ 20 cho đến nay chính là sự tiếp nối những giá trị lịch sử và những bài học sâu sắc của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945. Những giá trị lịch sử và những bài học sâu sắc đó cũng là nền tảng vững chắc cho sự phát triển và trường tồn của dân tộc Việt Nam trong tương lai./.

 

--------------------------------------------------------------------------------

 

[1] Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập, tập 1, Nxb CTQG; Hà Nội. tr. 80

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2000): Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, Hà Nội, tr. 427

[3] Tuyên ngôn độc lập - Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Nxb CTQG, Hà Nội, tập 4, tr 3