Bảo đảm 100% vụ án hình sự được kiểm sát chặt chẽ

17:38, 28/10/2016

Sáng 28-10, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã trình bày báo cáo công tác năm 2016 của toàn ngành Kiểm sát trước Quốc hội. Theo đó, 100% các hồ sơ và quyết định giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tối đúng pháp luật.

Tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm hình sự được Tòa án chấp nhận tăng 6,7%

 

Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, toàn ngành đã khẩn trương quán triệt, thống nhất triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, hoàn thành và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo yêu cầu trong các nghị quyết số 37, 63, 96 và 111 của Quốc hội, góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

 

Về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, toàn ngành đã kiểm sát chặt chẽ 100% các hồ sơ và quyết định giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; thực hành tốt hơn quyền công tố, bảo đảm việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đúng pháp luật.

 

Về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố vụ án hình sự, tỷ lệ bắt, tạm giữ về hình sự sau phải trả tự do, xử lý hành chính chiếm tỷ lệ thấp (2%); số người Viện Kiểm sát phê chuẩn bắt khẩn cấp, gia hạn tạm giữ sau phải chuyển xử lý hành chính hoặc trả tự do vì hành vi không cấu thành tội phạm hoặc không có sự kiện phạm tội là 0,26% (giảm 50,8% so với năm 2015).

 

“Bảo đảm 100% vụ án hình sự được kiểm sát chặt chẽ ngay từ khi khởi tố vụ án và trong suốt quá trình điều tra, quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội” - Viện trưởng Lê Minh Trí nêu rõ.

 

Theo Viện trưởng Lê Minh Trí, để trách nhiệm thực hành quyền công tố tiếp tục được tăng cường, gắn chặt hơn với hoạt động điều tra; số lượng, chất lượng yêu cầu điều tra được nâng lên; thận trọng, chủ động phúc cung để làm rõ chứng cứ buộc tội, gỡ tội, nhất là đối với các vụ án phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng.

 

Trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự, ngành Kiểm sát thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, trọng tâm là tuân thủ nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử theo quy định của Hiến pháp.

 

Theo đó, ngành đã thực hiện nghiêm các biện pháp theo Chỉ thị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao về tăng cường công tác kháng nghị án hình sự nên chất lượng kháng nghị án hình sự được nâng cao. Cụ thể, tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm hình sự được Tòa án chấp nhận đạt 78,4%, tăng 5,4%, vượt 7,8% so với Nghị quyết số 37 của Quốc hội; tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm hình sự được Tòa án chấp nhận đạt 93,2%, tăng 6,7%, vượt 23,2% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 37 của Quốc hội.

 

Công tác thực hành quyền công tố trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự ngày càng hiệu quả và đáp ứng tốt hơn yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm có yếu tố nước ngoài, có tổ chức, xuyên quốc gia; góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài...

 

Viện KSND tối cao rất coi trọng công tác điều tra tội phạm của Cơ quan điều tra VKSND tối cao và đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của Cơ quan điều tra VKSND tối cao theo quy định mới của pháp luật.

 

Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, trong năm qua, toàn ngành Kiểm sát đã triển khai, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Đồng thời thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, VKSND tối cao đã chủ động phối hợp với Bộ Công an, TAND tối cao và Ban Nội chính Trung ương thực hiện nhiều biện pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tư pháp, nhất là trong đấu tranh chống tội phạm; giải quyết dứt điểm, nghiêm minh nhiều vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, nhất là các vụ án trọng điểm về tham nhũng, kinh tế và các vụ án có khiếu kiện về oan, sai nhiều năm.

 

Bên cạnh đó, VKSND Tối cao cũng chủ trì hoặc phối hợp tham gia xây dựng các thông tư liên tịch để tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ hoặc tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động tố tụng.

 

Tuy nhiên, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cũng thừa nhận, một số đơn vị trong ngành chưa kiểm sát chặt chẽ, kịp thời việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Trách nhiệm thực hành quyền công tố trong hoạt động điều tra đối với một số vụ án chưa tốt; chưa theo sát, nắm chắc tiến độ lập hồ sơ vụ án, chưa kịp thời đề ra yêu cầu điều tra; việc phê chuẩn các quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn có trường hợp chưa chính xác; một số trường hợp phải đình chỉ do hành vi của bị can không cấu thành tội phạm hoặc không có sự kiện phạm tội; việc giải quyết các vụ án về tham nhũng, kinh tế còn kéo dài, tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung còn cao; vẫn để xảy ra một số trường hợp Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội.

 

Viện trưởng Lê Minh Trí cho rằng, tại một số Viện kiểm sát, số kháng nghị chiếm tỷ lệ thấp so với số bản án bị sửa, hủy; hiệu lực, hiệu quả nhiều bản kiến nghị chưa cao. Tỷ lệ giải quyết đơn yêu cầu thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thuộc thẩm quyền chưa đạt yêu cầu. Một số cán bộ vi phạm quy chế nghiệp vụ, vi phạm pháp luật phải xử lý kỷ luật.

 

Tiếp tục giám sát thực hiện nhiệm vụ chống oan, sai

 

Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2017, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, quán triệt thực hiện các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, năm 2017 ngành Kiểm sát tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, tập trung hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong các nghị quyết của Quốc hội, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa; giảm số đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tồn đọng; tạo chuyển biến nâng chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, các vụ việc dân sự.

 

Đồng thời tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.Để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để pháp luật thực sự là công cụ quản lý kinh tế - xã hội hiệu quả nhất, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí đề nghị, cần tập trung sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Hình sự năm 2015, Luật Phòng, chống tham nhũng và các luật liên quan về tư pháp; thống nhất thi hành trong cả nước, bảo đảm mọi hành vi phạm tội đã được phát hiện đều bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.

 

“Phải hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật và cơ chế quản lý, đảm bảo các luật chuyên ngành phải chặt chẽ, bịt được các lỗ hổng, những sơ hở không để kẻ xấu lợi dụng; đồng thời với yêu cầu phải hoàn thiện hệ thống các đạo luật tư pháp, nhất là yêu cầu đồng bộ, thống nhất để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm” - Viện trưởng Lê Minh Trí ý kiến.

 

Vị đại diện ngành Kiểm sát cũng đề nghị: “Quá trình sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng cần nghiên cứu xây dựng cơ chế, phân công cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và cần có quy định khuyến khích người phạm tội nộp lại tài sản phạm tội, bảo đảm hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng và việc thu hồi tài sản tham nhũng”.

 

Đồng thời, tăng cường giám sát những lĩnh vực gây nhiều bức xúc trong xã hội, tiếp tục giám sát thực hiện nhiệm vụ chống oan, sai; quan tâm giám sát thực hiện nhiệm vụ chống bỏ lọt tội phạm, nhất là tội phạm về tham nhũng, chức vụ và kinh tế. Viện trưởng Lê Minh Trí cũng kiến nghị Quốc hội nghiên cứu ban hành Nghị quyết chống bỏ lọt tội phạm để góp phần phòng ngừa, phát hiện tội phạm và phòng, chống tiêu cực trong cơ quan bảo vệ pháp luật các cấp.