Chính phủ kiến tạo đi vào cuộc sống

17:44, 13/10/2016

Chính phủ kiến tạo và phục vụ là một ý tưởng thể hiện quyết tâm đổi mới các hoạt động của Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương nhằm tạo hành lang pháp lý tốt nhất, các thủ tục hành chính thông thoáng, thuận lợi nhất để phục vụ nhân dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội lành mạnh, đưa đất nước tiến nhanh, bền vững.

Thông điệp đó của Chính phủ đã được triển khai bằng nhiều hành động cụ thể. Mới đây nhất, một trong những hành động thiết thực, kịp thời đó đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh và quyết tâm chỉ đạo để giúp cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Đó là: Thực hiện 3 đồng hành, 5 hỗ trợ đối với doanh nghiệp mà không trái với điều ước quốc tế và phù hợp với nguồn nhân lực của đất nước ta.

 

Ba đồng hành đó là: Đồng hành đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng hành trong hoàn thiện thể chế pháp luật trên các lĩnh vực như: xuất nhập khẩu, thuế, đất đai, xây dựng, tín dụng, đầu tư… bảo đảm công khai, minh bạch, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp; đồng hành xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nhân, nhất là trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, phát triển kinh tế vùng và địa phương, tiếng nói của doanh nghiệp sẽ được chính quyền các cấp và Thủ tướng Chính phủ lắng nghe thường xuyên và yêu cầu thực hiện kịp thời, đúng pháp luật.

 

Về 5 hỗ trợ sẽ là: Hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động, trong đó chú trọng nâng cao năng lực quản trị, mở rộng thị trường, áp dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ thông tin, nâng cao năng suất lao động; hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh, bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo, bồi dường nguồn nhân lực.

 

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ban, ngành, địa phương, Hội đồng thi đua, khen thưởng các cấp tiếp tục đổi mới hoạt động, tôn vinh và nhân rộng các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu, có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, có đóng góp lớn cho xã hội...

 

Với thông điệp và hành động thiết thực, kịp thời, quyết tâm cao, của người đứng đầu Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, các địa phương, chắc chắn sẽ là động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Hiện nay cả nước có trên 600 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, riêng 9 tháng đầu năm nay đã có thêm 91 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Chủ trương chỉ đạo của Chính phủ là cả nước sẽ có trên 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Đồng thời doanh nghiệp không chỉ tăng nhanh về số lượng mà chất lượng hoạt động của doanh nghiệp cũng được cải thiện mạnh mẽ. Đây là mục tiêu phấn đấu và là những tín hiệu tốt thể hiện các chủ trương, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành, các địa phương đã phát huy hiệu quả và đi vào cuộc sống.