Xác định cán bộ là nhân tố quyết định, khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, trong những năm qua, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan tâm đến công tác đánh giá cán bộ, đặc biệt là nhận xét, đánh giá cán bộ.
Hiện nay, tổng số cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh là 28.154 người, trong đó có 36 đồng chí giữ ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương (0,13%); 2.253 đồng chí giữ ngạch chuyên viên chính và tương đương (8,01%); 15.631 đồng chí giữ ngạch chuyên viên và tương đương (55,58%); 5.804 người giữ ngạch cán sự và tương đương (20,6%) và 4.376 hưởng lương nhân viên (15,55%). Tổng số cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ quản lý là 489 đồng chí.
Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy khẳng định: Trong công tác cán bộ, đánh giá đúng cán bộ là khâu tiền đề để quyết định bố trí, sử dụng cán bộ hiệu quả. Đánh giá đúng cán bộ làm cơ sở cho việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, bố trí để phát huy được tiềm năng đội ngũ cán bộ, để bản thân cán bộ có phương hướng đúng trong phấn đấu, rèn luyện; là cơ sở để thực hiện đúng chính sách cán bộ, biểu dương, tôn vinh những cán bộ hoàn thành xuất sắc trách nhiệm được giao, có đóng góp, có cống hiến cho đất nước, cho địa phương, đơn vị; đồng thời phê bình những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, không nêu gương, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với tổ chức Đảng.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, từ sự chủ động, tích cực tham mưu của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, công tác đánh giá cán bộ của tỉnh đi vào nền nếp, mang lại hiệu quả thiết thực. Các văn bản, hướng dẫn của trung ương, tỉnh được các cấp ủy, tổ chức Đảng trong toàn tỉnh thực hiện nghiêm túc. Và mới đây nhất là Nghị định số 56/NĐ-CP ngày 09-06-2015 của Chính phủ về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức. Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các quyết định, hướng dẫn nhằm thực hiện hiệu quả công tác này.
Việc nhận xét, đánh giá cán bộ được thực hiện theo phân cấp quản lý tổ chức, cán bộ. Đối với cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý, hằng năm 100% các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt việc nhận xét, đánh giá, phân loại vào cuối năm, trên cơ sở căn cứ vào chức trách nhiệm vụ được giao của cơ quan, đơn vị, cá nhân tự nhận xét, đánh giá, tập thể cán bộ, công chức cùng cơ quan tham gia nhận xét, đóng góp ý kiến, tổng hợp báo cáo thủ trưởng đơn vị quyết định phân loại cán bộ hằng năm. Theo đó, trong 5 năm từ 2010 đến 2014, trong số cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, tỷ lệ được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đều ở mức cao, từ trên 97% trở lên, số còn lại đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đối với số cán bộ thuộc diện Ban thường vụ cấp ủy huyện quản lý từ năm 2011 đến năm 2015, tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giao động từ 44 đến 54%, số hoàn thành nhiệm vụ từ 0,89 đến 4,11%. Số không hoàn thành nhiệm vụ chiếm từ 0,12% đến 1,07% (cụ thể từ năm 2011 đến 2015, toàn tỉnh có 43 cán bộ được đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ). Kết quả đánh giá là căn cứ quan trọng để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chính sách khác đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Nhiều ngành đã đưa ra được những quy định cụ thể trong việc đánh giá cán bộ theo từng chức danh, tiêu biểu là khối giáo dục đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp. Thực tế tại Trường THCS Đắc Sơn (thị xã Phổ Yên) chúng tôi nhận thấy quy trình tổ chức đánh giá đối với cán bộ quản lý, giáo viên rất bài bản. Bước 1, khi đánh giá hiệu trưởng, hiệu phó, bản thân cán bộ quản lý tự giá tự về mình đối chiếu với 3 tiêu chuẩn theo quy định. Mỗi tiêu chuẩn lại có nhiều tiêu chí cụ thể hóa từng mặt công tác. Người tự đánh giá phải chỉ ra những mặt mạnh, yếu, nêu phương hướng khắc phục. Bước 2, cán bộ, giáo viên góp ý cho cán bộ quản lý bằng phiếu, sau đó tổng hợp lại trước sự chứng kiến của các phó hiệu trưởng, cấp ủy Đảng, Ban Chấp hành Công đoàn và Đoàn Thanh niên, phân tích các ý kiến đánh giá đó và có nhận xét, góp ý cho hiệu trưởng theo mẫu phiếu. Cô giáo Đỗ Thị Thu Bình, Hiệu trưởng khẳng định: Đội ngũ chính là nhân tố quyết định để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Nhờ có việc đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp hằng năm giúp mỗi người tự nhìn lại mình, đồng nghiệp góp ý thẳng thắn những mặt còn hạn chế để khắc phục. Trong 2 năm học vừa qua, qua đánh giá điều đáng mừng là ở trường tôi không có đồng chí nào xếp loại trung bình. Cụ thể năm học 2014-2015, theo đánh giá có 13/28 đồng chí đạt loại xuất sắc; 15/28 đồng chí đạt loại khá. Năm học 2015-2016, có 11/25 đồng chí đạt loại xuất sắc; 14/25 đồng chí đạt loại khá. Việc đánh giá, xếp loại cán bộ, giáo viên theo chuẩn đảm bảo tính trung thực, khách quan, phản ánh đúng phẩm chất, năng lực dạy học và giáo dục của giáo viên trong điều kiện cụ thể của nhà trường, địa phương. Đây là cơ sở để Nhà trường xem xét, bố trí cán bộ, giáo viên phù hợp với từng công việc và là sở cứ cho công tác quy hoạch, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên cốt cán.
Đúng như khẳng định của cô giáo Nguyễn Thu Bình, trên cơ sở đánh giá cán bộ hằng năm, nhiều cán bộ công chức được xem xét bố trí, sắp xếp theo đúng năng lực, sở trường, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chỉ riêng trong 2 năm 2014, 2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã điều động, luân chuyển, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử được 280 lượt cán bộ. Từ năm 2010 đến nay đã chọn cử 258 cán bộ đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung, 208 cán bộ đào tạo hệ tập trung và 17 cán bộ đi đào tạo lớp đại học chính trị. Nhìn chung đa số cán bộ được xem xét đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển đều phát huy được năng lực, sở trường, hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao. Nhiều cán bộ luân chuyển và cử đi đào tạo về được xem xét bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn…
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì vẫn còn một số ít cơ quan, đơn vị hiệu quả đánh giá cán bộ chưa cao. Có đơn vị nhận xét, đánh giá cán bộ chưa thực sự dân chủ, khách quan, chưa chỉ rõ được thực chất nhược điểm của từng cán bộ, công chức. Tại hội nghị ban chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh mới đây, trong phần đánh giá nguyên nhân của hạn chế cũng đã chỉ ra công tác quản lý cán bộ, đảng viên của một số ít cơ sở Đảng còn hạn chế, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy chưa cao. Bên cạnh đó, ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức có những khâu còn chồng chéo, ở các đối tượng cán bộ tham gia giữ nhiều cương vị trọng trách khác nhau; có đơn vị còn nhầm lẫn giữa đánh giá cán bộ quản lý và đánh giá công chức, viên chức; đánh giá cán bộ giữa cấp trên quản lý và cán bộ thuộc quyền cơ sở quản lý. Có một số trường hợp, bản thân cán bộ, công chức chưa thực sự tự giác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình...
Công tác nhận xét, đánh giá cán bộ là một việc khó, việc cụ thể hóa từng tiêu chí đánh giá cán bộ cho từng yêu cầu vị trí công việc càng khó hơn. Vì vậy để tiếp tục thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới, theo đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, địa phương, đơn vị, tập thể cấp ủy, lãnh đạo các cấp trong việc đánh giá cán bộ, làm cơ sở để phân loại, phân công, bố trí hợp lý, giúp cán bộ phát huy năng lực, sở trường. Căn cứ vào các quy định, hướng dẫn của TW, các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng tiêu chí đánh giá đối với mỗi chức danh cán bộ. Tổ chức đánh giá cán bộ phải toàn diện, cả về mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao, cả về phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực công tác. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cần đánh giá về khả năng quy tụ, vận dụng, tư duy khoa học, phong cách lãnh đạo, quản lý và chiều hướng phát triển. Mở rộng dân chủ, công khai minh bạch trong công tác đánh giá và tổ chức định kỳ 6 tháng hằng năm và trước khi đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử. Kết quả đánh giá phải thông báo công khai cho đối tượng được đánh giá và cán bộ, công chức trong đơn vị biết để phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm.
Đánh giá và sử dụng cán bộ là các khâu cực kỳ quan trọng. Đánh giá chính xác cán bộ là cơ sở cho việc quyết định bố trí, sử dụng hợp lý, tạo động lực mạnh mẽ, động viên cán bộ cống hiến sức lực, tài trí, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngược lại, nếu đánh giá sai cán bộ, nhất là người đứng đầu, thì dễ gây ra những phân tâm trong cán bộ, ảnh hưởng đến đoàn kết nội bộ, làm giảm lòng tin, có khi mất cả phong trào ở mỗi địa phương, ngành, đơn vị.