Dữ liệu lịch sử 80 năm Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (1936-2016) - Phần 1

14:46, 18/10/2016

* Sự ra đời tổ chức Đảng Cộng sản đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương và Nghị quyết Hội nghị Trung ương, Chi bộ hải ngoại của Đảng ở Long Châu (Trung Quốc) quyết định đưa cán bộ, đảng viên về nước hoạt động; trong đó, đồng chí Đặng Tùng được cử về Thái Nguyên - nơi có nhiều hầm mỏ, đồn điền để gây dựng cơ sở cách mạng, cơ sở đảng.

 

Nhận nhiệm vụ được phân công, sẵn có mối quan hệ quen biết từ trước, đồng chí Đặng Tùng bí mật tìm đường về xã La Bằng, huyện Đại Từ, đến nhà ông Đường Nhất Quý. Được sự giúp đỡ của anh em họ Đường, Đặng Tùng tích cực tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, gây dựng cơ sở cách mạng.

 

Trên cơ sở đó, cuối năm 1936, một số quần chúng tích cực (gồm có Đường Nhất Quý, Đường Văn Ngân, Nông Văn Ái, Hoàng Văn Nghiệp) được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đây chính là tổ chức Đảng Cộng sản đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

 

Tính đến tháng 6/2016, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên có 720 tổ chức cơ sở đảng và 84.165 đảng viên.

 

* Khái quát quá trình khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 ở tỉnh Thái Nguyên

 

Thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, được sự hỗ trợ của các lực lượng vũ trang, các địa phương trong tỉnh lần lượt nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi: Ngày 21/3, La Hiên (châu lị Võ Nhai) được giải phóng, Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời châu Võ Nhai ra đời; ngày 31/3, tại thị trấn Hùng Sơn (huyện Đại Từ), ta tổ chức cuộc mít tinh lớn, tuyên bố xóa bỏ chính quyền địch, thành lập chính quyền cách mạng; ngày 18/4, tại bản Lác (xã An Lạc, nay là xã Kim Phượng), Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời châu Định Hóa được thành lập... Cho đến tháng 7/1945, phần lớn các huyện trong tỉnh đã giành được chính quyền.

 

Di tích lịch sử 27-7, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ.

 

Chiều ngày 16/8, một đơn vị Quân Giải phóng do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy từ Tân Trào tiến về Thái Nguyên. Chiều 19/8, toàn đơn vị đã có mặt tại làng Thịnh Đán (nay thuộc phường Tân Thịnh, thành phố Thái Nguyên). Buổi tối cùng ngày, Bộ Chỉ huy Quân giải phóng đã triệu tập một cuộc họp chung với cán bộ lãnh đạo tỉnh để thống nhất lực lượng và thống nhất kế hoạch hành động khởi nghĩa giải phóng tỉnh lị Thái Nguyên.

 

Sáng ngày 20/8, Quân Giải phóng tấn công quân Nhật tại tỉnh lị Thái Nguyên. Buổi chiều cùng ngày, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại sân vận động thị xã. Đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc tuyên bố xóa bỏ chính quyền của phát xít Nhật và tay sai, thành lập Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên, do đồng chí Lê Trung Đình làm Chủ tịch. Sự kiện này đánh dấu thắng lợi hoàn toàn cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh Thái Nguyên.

 

Ý nghĩa lịch sử:

 

Góp phần vào thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa trong cả nước, đồng thời làm phong phú thêm hình thái vận động trong Cách mạng tháng Tám ở nước ta.

 

Mở ra thời kì mới trong lịch sử phát triển phong trào cách mạng tỉnh Thái Nguyên. Từ đây, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên bước vào thời kì vừa kháng chiến, vừa kiến quốc.

 

Đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân được rèn luyện, trưởng thành, tạo điều kiện cho việc thành lập Đảng bộ tỉnh.