Dữ liệu lịch sử 80 năm Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (1936 - 2016) - Phần 2

16:27, 26/10/2016

Bối cảnh ra đời Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên và tên của các đồng chí trong Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đầu tháng 9/1945, trong toàn tỉnh Thái Nguyên, tổng số đảng viên có khoảng 40 đồng chí. Hai huyện Định Hóa và Phú Lương chưa xây dựng được tổ chức cơ sở Đảng. Huyện Võ Nhai tuy có tổ chức cơ sở Đảng sớm, nhưng các đảng viên chủ yếu hoạt động trong các đơn vị Cứu quốc quân. Tổ chức Đảng chưa thành hệ thống thống nhất, lại chịu sự lãnh đạo trực tiếp từ 3 đầu mối cấp trên là Xứ ủy Bắc Kì, Ban lãnh đạo An toàn khu II và Ban lãnh đạo Chiến khu Hoàng Hoa Thám. Toàn tỉnh mới có hai huyện là Phú Bình và Đồng Hỷ thành lập được Ban Cán sự Đảng lâm thời (có chức năng như Đảng bộ huyện).

 

Để từng bước khắc phục tình trạng trên, giữa tháng 9/1945, Hội nghị cán bộ Đảng toàn tỉnh được tổ chức tại xóm Trường Xô (xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương). Hội nghị công bố Nghị quyết của Xứ ủy Bắc Kì (do đồng chí Trần Quốc Hoàn - Uỷ viên Ban Thường vụ Xứ ủy kí) chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, gồm các đồng chí:

 

1- Ngô Nhị Quý: Bí thư Tỉnh ủy.

2- Lê Trung Đình: Ủy viên Ban Thường vụ - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh.

3- Hoàng Bá Sơn: Ủy viên Ban Thường vụ - Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh.

4- Hoàng Thế Thiện: Ủy viên, phụ trách công tác tuyên truyền và thanh niên.

5- Đào An Thái: Ủy viên, phụ trách huyện Võ Nhai.

6- Vũ Thị Bảo Ngọc: Ủy viên, phụ trách công tác phụ nữ.

7- Vũ Hưng: Ủy viên, phụ trách huyện Định Hóa.

8- Nguyễn Bá Cương: Ủy viên, phụ trách Nông hội.

 

Những sự kiện lịch sử quan trọng gắn với hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng tại ATK Định Hóa trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp

 

Đình Làng Quặng, xã Định Biên, huyện Định Hóa, nơi hợp nhất Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân thành Việt Nam giải phóng quân - lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh giành chính quyền cách mạng, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Ảnh: Thế Hà.

 

Trung tuần tháng 3/1947, Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy và Bộ Tổng tham mưu đến các xã Phú Đình, Điềm Mặc, Thanh Định, Bảo Linh... để lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn quốc. Định Hóa trở thành trung tâm An toàn khu (ATK) Trung ương.

 

- Ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ở và làm việc tại rừng Khau Tý, thuộc xóm Nạ Tra, xã Thanh Định (nay là xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên).

- Ngày 19/6/1947, tại Điềm Mặc, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước nhân dịp kỉ niệm 6 tháng toàn quốc kháng chiến.

- Tháng 10/1947: Tại ATK Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh - với bút danh X.Y.Z, đã viết và sửa chữa tác phẩm Sửa đổi lối làm việc.

- Ngày 8/10/1947, tại Điềm Mặc, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi nhân dân, bộ đội, dân quân, du kích ra sức tiêu diệt địch tấn công Việt Bắc.

- Ngày 16/1/1948, Tại xóm Khuôn Tát (Phú Đình), Hội nghị Trung ương (mở rộng) thảo luận, đánh giá tình hình chung giữa ta và địch, đề ra những nhiệm vụ lãnh đạo về chính trị, quân sự, kinh tế nhằm đẩy mạnh cuộc kháng chiến, kiến quốc.

- Ngày 20/1/1948, tại Phú Đình, Chủ tịch kí 6 sắc lệnh; trong đó có Sắc lệnh số 110/SL phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp - Tổng Chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân, tự vệ Việt Nam.

- Ngày 25/3/1948, tại Phú Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh số 148/SL quy định bãi bỏ các danh từ phủ, châu, quận; danh từ cấp trên xã và cấp dưới tỉnh thống nhất gọi là huyện.

- Ngày 1/5/1948, tại Phú Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi thi đua yêu nước.

- Ngày 28/5/1948, tại Phú Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Lễ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp - Tổng tư lệnh Quân đội Quốc gia và Dân quân, tự vệ Việt Nam.

- Ngày 19/8/1948, tại Phú Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh số 206/SL về việc thành lập Hội đồng Quốc phòng tối cao do Người làm Chủ tịch, đồng chí Lê Văn Hiến - Bộ trưởng Bộ Tài chính, làm Phó Chủ tịch.

- Ngày 20/8/1948, tại Phú Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh 216/SL về việc đặt Huân chương Kháng chiến để tặng cho những người Việt Nam có công với quân đội hoặc các tổ chức quốc phòng và kháng chiến.

- Tháng 5/1950, tại ATK Định Hóa diễn ra Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II.

- Tháng 6/1950, tại ATK Định Hóa, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp, quyết định mở Chiến dịch Biên giới trong thu - đông 1950. Tại cuộc họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: Chiến dịch này chỉ cho đánh thắng, không cho đánh bại.

- Cuối tháng 9/1953, tại lán Tỉn Keo (Phú Đình), Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị để bàn và xác định chủ trương chiến lược trong Đông - Xuân 1953 - 1954.

- Ngày 6/12/1953, tại lán Tỉn Keo (Phú Đình), Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị thông qua Kế hoạch tác chiến mùa Xuân 1954 của Tổng Quân ủy và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.

- Ngày 1/1/1954, tại Phú Đình, Hội nghị Bộ Chính trị chỉ định cơ quan lãnh đạo, chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, triển khai kế hoạch điều động lực lượng lên Tây Bắc...

- Ngày 5/1/1954, từ Định Hóa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra Mặt trận Điện Biên Phủ. Đại tướng lên Khuôn Tát chào Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi chia tay, Chủ tịch căn dặn Đại tướng: Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh.

 

Du khách thăm quan lán Tỉn Keo, ATK Phú Đình (Định Hóa) nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị thông qua Kế hoạch tác chiến mùa Xuân 1954 của Tổng Quân ủy và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Thế Hà.

 

Những lần Bác Hồ về thăm và làm việc với cán bộ và nhân dân tỉnh Thái Nguyên (Từ khi rời Thái Nguyên về Hà Nội (12/10/1954) đến năm 1964). Thời gian, địa điểm và nội dung hoạt động chủ yếu trong từng lần về thăm và làm việc của Bác

 

Ngày 12/10/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời căn nhà sàn trên đồi Thành Trúc (xóm Đầm Mua, xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), trở về Thủ đô Hà Nội. Từ đó đến ngày 1/1/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 7 lần trực tiếp lên thăm hỏi động viên nhân dân, chỉ đạo Đảng bộ Thái Nguyên lãnh đạo nhân dân xây dựng cuộc sống mới.

 

Nhiều bức ảnh tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện đang được trang trọng lưu giữ tại Nhà trưng bày ATK Định Hóa, Thái Nguyên. Ảnh: Thế Hà.

 

- Lần 1: Tháng 12/1954, Bác đến thăm và nói chuyện với hơn 2000 cán bộ tại Hội nghị tổng kết đợt 2 của đoàn Thái Nguyên, Bắc Giang ở xã Khôi Kì (huyện Đại Từ). Sau khi biểu dương những thành tích của hai đoàn cải cách ruộng đất và sự tiến bộ của mỗi cán bộ trong đoàn, Hồ Chủ tịch đã “nói kĩ về những khuyết điểm” để giúp cán bộ cải cách sửa chữa...

- Lần 2: Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi (25/1/1955), Bác Hồ đến thăm Công trường đập Thác Huống. Người chúc Tết và động viên anh em bộ đội, công nhân, cán bộ, dân công ở lại ăn Tết tại công trường.

- Lần 3: Ngày 2/3/1958, Bác về thăm tỉnh Thái Nguyên. Bác đến kè Lũ Yên, xã Yên Thịnh (nay thuộc xã Đào Xá, huyện Phú Bình), nói chuyện với đồng bào. Sau đó, Bác đi thăm các hợp tác xã nông nghiệp ở Đại Từ.

- Lần 4: Ngày 8/6/1959, chỉ 4 ngày sau khi Công trường khu Gang Thép Thái Nguyên có quyết định được thành lập, Bác đã đến thăm công trường lần thứ nhất. Tại đây, Bác đã nói chuyện với cán bộ, công nhân, động viên anh chị em là những người đi trước.

- Lần 5: Ngày 13/3/1960, Bác Hồ về thăm và nói chuyện với cán bộ, đồng bào đúng dịp tỉnh họp mít tinh đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chính phủ. Bác thăm Trường Phổ thông cấp 3 Lương Ngọc Quyến, Bệnh viện Khu Tự trị Việt Bắc (nay là Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), và Trường Thiếu nhi vùng cao Việt Bắc (nay là Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc).

- Lần 6: Ngày 31/12/1962, Bác về thăm Truờng Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa huyện Phú Lương và nói chuyện với nhân dân xã Phủ Lý. Sau đó, Bác đi thăm một số nơi trong khu vực nhà trường; thăm một gia đình đồng bào ngưòi Dao mới định canh, định cư; trực tiếp nói chuyện với một số cán bộ và nhân dân trên địa bàn xã.

- Lần 7: Từ ngày 31/12/1963 đến ngày 1/1/1964, Bác về thăm đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên lần cuối cùng. Tối ngày 31/12/1963, Người đến thăm và nói chuyện với cán bộ, giáo viên, học viên Trường Đảng tỉnh (nay là Trường Chính trị tỉnh) và xem Văn công nhân dân Khu tự trị biểu diễn (nay là Đoàn ca múa dân gian Việt Bắc). Ngày 1/1/1964, Bác đến thăm cán bộ, công nhân khu Gang Thép, Nhà máy điện Cao Ngạn. Sau đó, Bác chúc mừng năm mới và nói chuyện tại sân vận động thành phố Thái Nguyên với bốn mươi lăm nghìn đại biểu cán bộ, công nhân và nhân dân trong tỉnh.