Những đảng viên “gieo chữ” ở vùng cao

16:25, 24/10/2016

Từ nhiều năm nay, hầu hết các chi bộ trường học trên địa bàn huyện Võ Nhai đều thực hiện phân công đảng viên “cắm bản”. Họ chính là lực lượng xung kích, tâm huyết với sự nghiệp “gieo chữ” ở vùng cao, góp phần thay đổi cách nghĩ, cách hiểu cho người dân ở mảnh đất còn nhiều lắm những khó khăn này.

Thực tế khó khăn

 

Trên địa bàn huyện Võ Nhai hiện có 811 giáo viên là đảng viên thuộc 64 chi bộ trường học, chiếm hơn 18,86% tổng số đảng viên toàn huyện. Trong đó, bậc mầm non có 20 chi bộ, bậc tiểu học có 24 chi bộ và bậc THCS có 20 chi bộ. Từ năm 2011 đến tháng 9-2016  đã có trên 330 đảng viên được kết nạp mới.   

Võ Nhai vốn được biết đến là một huyện vùng cao khó khăn của tỉnh, địa hình đồi núi, giao thông không thuận lợi, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp. Do vậy, công tác giáo dục, đào tạo trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây, ở nhiều nơi, nhất là ở các bản làng vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ học sinh đến trường chỉ chiếm 20-30%, tỷ lệ học sinh học hết bậc tiểu học thấp, cá biệt, có những thôn bản vẫn còn người dân không biết chữ, một số trường hợp ngồi nhầm lớp.

 

Những năm qua, dù đã được Đảng bộ và chính quyền địa phương quan tâm, nhưng cơ bản, cơ sở vật chất của các trường trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều thiếu thốn. Chia sẻ với chúng tôi, cô giáo Ngô Thị Hòa, công tác tại Điểm trường Khuôn Nang, thuộc Trường Tiểu học Liên Minh cho hay: Ngay từ khi học xong chuyên nghiệp, tôi đã đăng ký vào dạy tại điểm trường này. Năm 2009, điểm trường được xây mới nhưng chỉ có 2 dãy nhà 1 tầng cho học sinh và nhà tập thể cho giáo viên, chứ chưa có các công trình như nhà vệ sinh, nhà hiệu bộ, phòng chức năng... Không có điện, nên các thiết bị như bóng tuýp, quạt trần… dù được lắp đặt từ lâu nhưng không dùng đến. Đặc biệt, học sinh ở đây 100% là dân tộc Dao, cho nên việc giao tiếp, truyền đạt kiến thức cho các em cũng là một trở ngại với giáo viên.

 

Cô giáo Đỗ Thị Hường, Điểm trường Khuôn Nang thuộc Trường Tiểu học Liên Minh, nhớ lại: Trong số những nơi tôi đã công tác thì đây là điểm trường khó khăn nhất. Những hôm mưa lớn, xe máy không vào được, chúng tôi chỉ còn cách leo 5-6km đường đồi để đến lớp.

 

Trước điều kiện cơ sở vật chất khó khăn, không ít giáo viên đã nản lòng, một số chuyển đến những đơn vị có điều kiện tốt hơn, số khác chọn phương án bỏ nghề. Công tác phát triển đảng viên cũng vì thế mà bị ảnh hưởng, lực lượng đảng viên ở đây vốn đã ít nay lại càng mỏng hơn, thậm chí, nhiều điểm trường không có đảng viên.

 

Vậy, làm gì để duy trì trường lớp, tạo động lực cho công tác dạy và học ở các điểm trường vùng cao còn nhiều khó khăn? Nhiều giải pháp đã được cấp ủy, chính quyền và lãnh đạo các trường học ở Võ Nhai đưa ra, trong đó giải pháp được xem là hiệu quả nhất đó là phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên là giáo viên tại các điểm trường.

 

Những người “giữ lửa”

 

Trường Tiểu học Liên Minh, xã Liên Minh là đơn vị có số điểm trường nhiều nhất trên địa bàn huyện Võ Nhai. Nhận thức được vai trò “hạt nhân” của đảng viên tại cơ sở Đảng, Chi bộ nhà trường luôn có sự cân nhắc kỹ lưỡng trong phân công nhiệm vụ. Gần như các chức danh: Tổ trưởng bộ môn, phụ trách Đoàn - Đội hay người đứng đầu các điểm trường… đều do đảng viên đảm nhiệm. Cô Nghiêm Thị Thanh Tâm, Bí thư Chi bộ Trường Tiểu học Liên Minh, cho biết: Nhằm đảm bảo sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của Chi bộ đối với cơ sở, chúng tôi đã phân công 20 đảng viên công tác tại 7 điểm trường. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt trong đẩy mạnh phong trào dạy và học, làm gương cho những giáo viên khác, góp phần làm tốt công tác Đảng ở địa phương. Từ năm 2014 đến nay, Chi bộ đã kết nạp được thêm 10 đảng viên mới, là những cá nhân có bề dày giảng dạy và là hạt nhân trong các phong trào thi đua.

 

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, không ít đảng viên tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã tình nguyện “cắm bản” tại các điểm trường vùng cao. Đó là trường hợp của cô giáo Lương Thị Quế, ngay sau khi vừa tốt nghiệp đại học đã xung phong lên dạy tại Điểm trường Chòi Hồng - Trường Mầm non Đông Bo (xã Tràng Xá), cách trung tâm xã gần 15km. Dù các trường trên địa bàn huyện thường xuyên thực hiện công tác luân chuyển (2 năm/ lần) để đảm bảo giáo viên đứng lớp tại các điểm trường và đảm bảo sự công bằng giữa các giáo viên, nhưng cô Quế cùng một số giáo viên khác vẫn chủ động xin ở lại. Cô tâm sự: Gắn bó với các em học sinh và bà con đã lâu nên tôi không nỡ rời đi nơi khác. Hơn nữa, rất nhiều chị em đồng nghiệp có nhà ở cách xa trường, có con nhỏ, sức khỏe không đảm bảo, nên mình ở lại cũng là giúp đỡ họ phần nào. 

 

“Khi mới lên đây, thấy đường sá, cơ sở vật chất nhà trường quá khó khăn, tôi cũng buồn lắm, nhiều đêm mấy chị em ôm nhau khóc. Biết chuyện, chị Bí thư Chi bộ hàng tuần lại vào thăm chúng tôi, cùng ăn, ở, chuyện trò, chia sẻ vui buồn. Nhờ sự động viên của chị và tình yêu nghề của mình, tôi đã vượt qua được những khó khăn ban đầu, và quyết tâm ở lại trường cho đến hôm nay”. Cô Đỗ Thị Hường, Điểm trường Khuôn Nang, chia sẻ thêm. Đồng chí Bí thư Chi bộ mà cô Hường nhắc đến chính là cô Nghiêm Thị Thanh Tâm, người có thâm niên nhiều năm tại nhiều điểm trường khó khăn ở Võ Nhai và đã giúp đỡ nhiều giáo viên, đặc biệt là giáo viên trẻ vượt qua khó khăn để bám trụ lại các điểm trường.

 

Có thể thấy rằng, những người như cô Quế, cô Tâm là những đảng viên, giáo viên tâm huyết với nghề, họ chính là những người “giữ lửa” cho sự nghiệp trồng người ở mảnh đất còn nhiều khó khăn này. Không chỉ dạy chữ, tại các điểm trường, đảng viên còn là người làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cô Đinh Thị Hoa, Bí thư Chi bộ Trường Tiểu học Lũng Luông, cho biết: Các trường hợp bỏ học chủ yếu do điều kiện gia đình khó khăn, mặt khác, nhận thức của 1 số người dân còn hạn chế nên chỉ muốn cho con em học hết lớp 5 là cho nghỉ ở nhà làm nương rẫy hoặc dựng vợ, gả chồng. Do vậy, vận động 100% học sinh đến trường đầy đủ và đúng thời hạn đã trở thành một trong những nội dung quan trọng trong xây dựng nghị quyết của Chi bộ chúng tôi ngay từ đầu năm. Nhiều giáo viên không ngại leo núi, vượt rừng đến gõ cửa từng nhà, động viên phụ huynh cho con em tới lớp, qua đó góp phần làm thay đổi nhận thức của bà con.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Thịnh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Võ Nhai, chia sẻ: Những năm qua, các chi bộ trường học trên địa bàn huyện đã phát huy được vai trò là hạt nhân lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục. Các chi bộ đã tích cực phân công đảng viên phụ trách những khâu trọng yếu nhất, đặc biệt là tại các điểm trường vùng sâu vùng xa. Điều này góp phần nối dài “cánh tay” của tổ chức Đảng xuống tận cơ sở, giúp cấp ủy nắm được tình hình dạy và học tại các điểm trường, từ đó đưa ra nghị quyết sát với tình hình thực tế.

 

Niềm vui trên các bản làng

 

Chúng tôi đến xóm Chòi Hồng, xã Tràng Xá vào một buổi chiều cuối thu, khi những tia nắng còn vương nhẹ trên những nương ngô, nương lúa của người Mông. Trong căn nhà gỗ đơn sơ nằm lưng chừng đồi, khe khẽ vỗ về cháu nội đang ngủ say, ông Hoàng Văn Máy kể lại: Trước đây, bản mình nghèo lắm, làm còn chẳng đủ ăn nói gì đến học cái chữ. Vả lại, để đến được trường học cũng mất cả ngày đường đi bộ nên không mấy ai đi học hoặc học được lên cao. Nhưng bây giờ khác rồi, thầy cô giáo đến tận bản xây dựng điểm trường để dạy học, con cháu đi học tiện lắm! Nếu trước mình cũng được gần trường thế này chắc chắn sẽ không nghỉ học sớm, cuộc sống sẽ sung sướng hơn.

 

Trong lời tâm sự của ông Máy đã phần nào nói lên sự đổi thay trên các thôn bản của huyện vùng cao Võ Nhai hôm nay. Nhờ làm tốt công tác vận động người dân đưa trẻ tới trường, đến nay, huyện đã hạn chế được tình trạng học sinh bỏ học, hoàn thành phổ cập giáo dục bậc mầm non cho trẻ 5 tuổi, 14/15 xã đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2. Nhận thức của bà con cũng vì thế mà thay đổi, người dân đã biết phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục con em mình. Ông Triệu Văn An, Bí thư Chi bộ xóm Nác, xã Liên Minh tâm sự: Bây giờ người dân trong xóm đều muốn cho con đi học để chúng biết tính toán làm ăn, thay đổi cuộc sống. Không có tiền, bà con tự giác góp ngày công để sửa chữa và làm thêm phòng học...

 

Không phải tất cả, nhưng có lẽ sự đổi thay hôm nay trên các bản làng của huyện Võ Nhai có một phần công sức của những người đảng viên mang phấn trắng, bảng đen lên vùng cao “gieo chữ”.