Vững bước trên chặng đường mới

14:08, 13/10/2016

Cách đây 86 năm, ngày 14-10-1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Nông hội Đông Dương (tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam) đã được thành lập, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giai cấp nông dân Việt Nam.

Trải qua 86 năm xây dựng và phát triển, lịch sử của Hội Nông dân Việt Nam luôn gắn liền với lịch sử đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc, xây dựng CNXH của đất nước. Các hội viên nông dân luôn nêu cao tinh thần yêu nước, truyền thống lao động cần cù, thông minh, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, góp phần to lớn cùng toàn Đảng, toàn dân ta hoàn thành sự nghiệp cách mạng vẻ vang.

 

Cùng với nông dân cả nước, những năm qua, Hội Nông dân tỉnh không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Với nhiệm vụ chính trị là tuyên truyền, giáo dục, vận động hội viên thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết của Hội và của địa phương, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh luôn chủ động đổi mới hình thức tuyên truyền, sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Đặc biệt, thông qua tổ chức các cuộc thi, lớp tập huấn, xây dựng mô hình phát triển kinh tế đã thu hút hàng trăm nghìn hội viên nông dân tham gia, tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên nông dân trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và yêu cầu đổi mới của đất nước.

 

Với phương châm hướng mọi hoạt động về cơ sở, các cấp Hội đã đẩy mạnh các hoạt động dạy nghề, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xóa đói giảm nghèo bền vững đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho hội viên, nông dân. Trong đo, việc hỗ trợ vốn cho nông dân để phát triển sản xuất được các cấp Hội xác định là nhiệm vụ trọng tâm và then chốt, tính đến tháng 6-2016, các cấp Hội nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội là 764,3 tỷ đồng cho 27.521 hộ hội viên vay; tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT tỉnh là 622,7 tỷ đồng cho 8.846 hộ hội viên vay. Duy trì và phát triển nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân cấp tỉnh, bảo toàn và phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương ủy thác. Hiện nay, tổng dự nợ Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh quản lý là 19 tỷ 580 triệu đồng cho 707 hộ hội viên vay. Song song với việc hỗ trợ vốn vay, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các ngành tổ chức 1.318 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 83.277 lượt hội viên, nông dân, cung ứng hàng trăm nghìn tấn phân bón các loại cho hội viên nông dân phát triển sản xuất.

 

Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cũng đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả “Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu bền vững”, với sự lan tỏa trên tất cả các lĩnh vực nông lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, phong trào trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề, trung bình hàng năm có trên 55.000 hộ đăng ký đạt tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, được Đảng và Nhà nước ghi nhận như mô hình chăn nuôi tổng hợp của nông dân Lý Văn Thiệp, Đỗ Thị Thúy (Đại Từ), mô hình trồng và nhân giống cây ăn quả của nông dân Vũ Ngọc Nhân (huyện Phú Bình), nông dân Lê Văn Khánh (Đồng Hỷ)...

 

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và Cuộc vận động “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”, các cấp Hội đã triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”, với việc hiến hàng trăm nghìn m2 đất, đóng góp hàng trăm nghìn ngày công lao động, đối ứng hàng tỷ đồng để làm đường bê tông nông thôn, góp phần đưa nhiều địa phương cán đích nông thôn mới. 

 

Cùng với tổ chức các phong trào thi đua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, tăng cường công tác phản biện xã hội để kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên, nông dân; chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn nghiệp vụ về công tác hoà giải, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; cử cán bộ tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, đồng thời tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho cán bộ, hội viên, nông dân.

 

Bước vào thời kỳ hội nhập, với phương châm “Đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo và hội nhập”, trong thời gian tới công tác Hội và phong trào nông dân trên địa bàn tỉnh sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc định hướng tư tưởng cho hội viên về chủ trương, đường lối của Đảng; không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, chú trọng xây dựng các chương trình, đề án hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu, kết nối thị trường; tiếp tục xây dựng và củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, làm “trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới”. Giai cấp nông dân và Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống quý báu, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, vững vàng trên chặng đường mới.