Chủ động, sáng tạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong tình hình mới

07:38, 08/11/2016

Với truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp to lớn trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước cũng như trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Phát huy truyền thống tốt đẹp đó, phụ nữ tỉnh nhà với gần 51% dân số và trên 50% lực lượng lao động xã hội, đã và đang có mặt trong khắp các ngành nghề, lĩnh vực, với đức tính khiêm nhường, cần cù, năng động và sáng tạo, nỗ lực phấn đấu trong học tập, lao động và công tác, làm tròn thiên chức của mình và chăm lo cho tổ ấm gia đình.

Nhìn lại cả một chặng đường sau 30 năm đổi mới, nhất là 5 năm trở lại đây, công tác Hội và phong trào phụ nữ của tỉnh đã có những bước phát triển mới, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển chung của tỉnh. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh và các cấp Hội luôn phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ và sự nghiệp bình đẳng giới; tập hợp, động viên phụ nữ trên các lĩnh vực, khích lệ chị em đoàn kết, tích cực thi đua tham gia xây dựng tổ chức Hội và các phong trào thi đua, cuộc vận động do Đảng, Nhà nước và Hội cấp trên phát động, như: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", "Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Phụ nữ làm kinh tế giỏi", “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”... Thông qua các hoạt động phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo và hiệu quả. Nội dung và phương thức hoạt động của Hội ngày càng thiết thực, vừa bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, vừa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của chị em.

 

Cùng với những phong trào hoạt động chung của Trung ương Hội phát động, Hội LHPN tỉnh đã có một số hoạt động mang tính sáng tạo, với bản sắc riêng của tỉnh, như: Phụ nữ Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tăng giàu, giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới; xây dựng hệ thống bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm rau xanh trên địa bàn tỉnh; mô hình chi hội phụ nữ nòng cốt tham gia xây dựng nông thôn mới; câu lạc bộ hát Then, Soọng cô, múa Tắc xình... Từ đó góp phần làm phong phú, hấp dẫn thêm cho hoạt động của các cấp Hội và đạt nhiều kết quả nổi bật, cụ thể là: Các cấp Hội đã tích cực vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, đẩy mạnh việc tín chấp với ngân hàng, khai thác vốn từ các tổ chức phi chính phủ, chương trình tài chính vi mô, các dự án; vận động chị em thực hành tiết kiệm, tạo nguồn vốn nội lực để hỗ trợ những chị em có hoàn cảnh khó khăn. Một số cơ sở Hội duy trì được nguồn vốn “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, xây dựng “Quỹ cộng đồng” để hỗ trợ tại chỗ cho hội viên, phụ nữ. Giúp đỡ 11.206 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, trong đó có 5.977 hộ đã thoát nghèo, thành lập được 140 tổ hợp tác, nhóm sở thích; 930 mô hình phát triển kinh tế, trong đó chủ yếu là mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm; đào tạo, tư vấn nghề cho gần 21.000 lao động và tạo việc làm cho trên 49.000 lao động nữ. Chất lượng cuộc sống của phụ nữ được cải thiện, thu nhập bình quân của các hộ gia đình hội viên phụ nữ được nâng lên; góp phần đạt chỉ tiêu về giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới...

 

Từ những kết quả đã đạt được, nhiệm kỳ qua, các cấp Hội đã hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của phong trào thi đua đã đề ra, trong đó có hơn 75% chỉ tiêu vượt. Những thành tích đó đã góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh hoàn thành xuất sắc mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả  như đã nêu trên, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh vẫn còn bộc lộ một số tồn tại hạn chế, cần sớm được khắc phục, đó là: Hiệu quả hoạt động của Hội có nơi, có lúc còn hình thức; công tác nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của chị em, nhất là chị em có hoàn cảnh khó khăn ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào theo đạo, vùng dân tộc thiểu số còn chậm. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội tuy đã được quan tâm, song chưa nhiều, chưa theo kịp, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới; các giải pháp hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo, phát triển kinh tế chưa đồng bộ; việc phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng các điển hình tiên tiến chưa thường xuyên; công tác tham mưu, giám sát, phản biện xã hội chưa sâu, chưa mạnh dạn đề xuất để có những chính sách phù hợp với phụ nữ; một số cán bộ Hội còn hạn chế về năng lực…

 

Để chủ động phát huy hơn nữa vai trò, hiệu quả hoạt động trong thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà rất tin tưởng và mong đợi các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh hãy ra sức thi đua, phấn đấu thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

 

Một là, các cấp Hội cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội để đáp ứng tình hình, nhiệm vụ trong thời kỳ mới, trong đó tập trung hoạt động hướng về cơ sở, khu dân cư, nhất là việc tập hợp và phát triển hội viên, tổ chức Hội trong các loại hình doanh nghiệp, khu công nghiệp; tổ chức các hoạt động của Hội dưới nhiều hình thức khác nhau để tập hợp, thu hút các tầng lớp phụ nữ tham gia và phải xuất phát từ nhu cầu của hội viên, lấy phụ nữ làm trung tâm của mọi hoạt động Hội; chú trọng các hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho phụ nữ; phát huy sức mạnh, thế mạnh của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực; chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ.

 

Hai là, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp phụ nữ thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia tích cực có hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động do cấp trên phát động; nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân; chú trọng tuyên truyền, nhân rộng gương phụ nữ điển hình tiên tiến. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả cuộc vận động phụ nữ rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

 

Ba là, các cấp Hội và các tầng lớp phụ nữ cần bằng nhiều biện pháp, hình thức, mô hình phong phú giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, xây dựng gia đình hạnh phúc. Đồng thời, các cấp Hội cần chủ động định hướng, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ khởi nghiệp, nhất là phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, phụ nữ là người dân tộc thiểu số; vận động tuyên truyền hội viên, nhân dân tích cực tham gia xây dựng trật tự, văn minh đô thị và nông thôn; xây nhà ở cho hộ nghèo và hộ gia đình chính sách; giải quyết việc làm; giải phóng mặt bằng; giải quyết đơn thư; phòng, chống tội phạm và tai tệ nạn xã hội; bảo vệ môi trường và thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Bốn là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội các cấp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ qua hoạt động thực tiễn. Kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, lựa chọn giới thiệu những chị em có đủ tiêu chuẩn tham gia các cấp ủy đảng, chính quyền và các ban, ngành từ tỉnh đến cơ sở, nhất là cán bộ phụ nữ là người dân tộc thiểu số, cán bộ trẻ có triển vọng.

 

Năm là, Hội LHPN các cấp cần tập hợp, đoàn kết, thống nhất rộng rãi hơn nữa trong tổ chức Hội và các tầng lớp phụ nữ, tạo thành sức mạnh tổng hợp, nêu cao giá trị tinh thần và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thuần phong, mỹ tục của người phụ nữ Việt Nam để chị em phát huy tiềm năng, sức sáng tạo và cống hiến nhiều hơn nữa cho công cuộc đổi mới, góp phần xây dựng tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh và bền vững.