Làm đẹp cho đời

14:35, 07/11/2016

Tiếp xúc với những nhân vật trong bài viết này, mỗi người một hoàn cảnh, địa vị công tác khác nhau nhưng có điểm chung là luôn cố gắng vươn lên, đóng góp những tinh tuý cho cuộc đời.

Vươn lên từ những vùng đất khó

 

Ở phường Bắc Sơn (T.X Phổ Yên), có lẽ nhiều người biết đến trang trại chăn nuôi quy mô lớn tại khu vực Đèo Nứa, giáp ranh với xã Phúc Thuận. Chủ nhân của trang trại này là ông Nguyễn Thái Long, năm nay 54 tuổi. Ông Long được biết đến là người đầu tiên ở địa phương hợp tác chăn nuôi lợn gia công cho Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam. Ông Long kể, sau khi đi bộ đội về, tôi làm công nhân cho Nông trường Bắc Sơn. Cơ quan khi ấy không còn chế độ bao cấp, thu hẹp dần sản xuất và biên chế nên đời sống hết sức khó khăn. Tôi đã xin nghỉ chế độ rồi làm đủ nghề kiếm sống. Nghĩ mãi, tôi thấy rằng nếu cứ tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thì sẽ không bật lên được. Do vậy, năm 2006 tôi quyết định thuê 1,2ha đất với thời hạn 50 năm để mở trang trại. Mọi vốn liếng của gia đình và vay mượn dồn cả vào đó, quy mô ban đầu là 600 con lợn nái. Nhờ xây dựng chuồng trại đúng quy cách, được hỗ trợ kỹ thuật bài bản nên mô hình chăn nuôi của ông Long liên tục phát triển. Đến năm 2016, trang trại đã có 1.200 con nái, toàn bộ lợn con được giữ lại nuôi bán thịt. Trung bình mỗi năm, trang trại thu lãi gần 1 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động. Hỏi về bí quyết, ông Long cho rằng phải “liều”. Tôi thì hiểu “liều” ở đây chính là tư duy đột phá, dám nghĩ dám làm.

 

Cũng nhờ tư duy đột phá, anh Cao Văn Thiệp, ở xóm Chùa, xã Đắc Sơn đã xây dựng được mô hình trang trại tổng hợp trên diện tích hơn 5.000m2 gồm nhiều loại: gà đẻ trứng, gà thương phẩm, ngan, vịt cùng các loại ba ba, rắn hổ mang. Ngoài ra, anh còn trồng hơn 2.000m2 cỏ để nuôi bò sinh sản. Tổng doanh thu năm 2015 của gia đình là 2,8 tỷ đồng, trừ chi phí còn thu lãi hơn 600 triệu đồng. Điều làm bà con quý trọng anh Thiệp chính là tấm lòng sẵn sàng giúp đỡ những người khó khăn. Trong năm vừa qua, anh đã giúp đỡ các gia đình neo đơn, hộ nghèo trên 500 con gà giống và thức săn chăn nuôi, tổng trị giá trên 40 triệu đồng. Chia sẻ với chúng tôi, anh Thiệp nói: Tôi nhiều năm làm Trưởng xóm, giờ là Phó Bí thư Chi bộ nên tự thấy phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát triển kinh tế để làm gương. Quê tôi còn nghèo, bản thân gia đình trước đây cũng khó khăn nên giờ khá giả hơn một chút, tôi muốn giúp đỡ cho những gia đình xung quanh.

 

 Với anh Nguyễn Văn Thiện, Bí thư Đoàn xã Thành Công, nhiều người không chỉ nhận xét là cán bộ Đoàn gương mẫu, nhiệt tình mà còn là điển hình về phát triển kinh tế. Tròn 10 năm tham gia công tác, Đoàn xã Thành Công luôn được đánh giá là đơn vị mạnh với các phong trào ghi dấu ấn như: Ngày thứ bảy xanh, ngày Chủ nhật tình nguyện…Ngoài ra, anh Thiện còn là chủ một vườn cây ăn quả với diện tích 7.000m2. Anh Thiện cho biết: Hiện giờ, số lượng đoàn viên thanh niên còn lại ở địa phương rất ít vì phần lớn đi làm công nhân tại các khu công nghiệp. Tôi muốn chứng minh rằng, không cần ly hương cũng có thể làm giàu, từ đó khuyến khích mọi người phát triển kinh tế, có điều kiện tham gia các phong trào ở địa phương. Năm 2015, anh Thiện vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Đó là sự ghi nhận xứng đáng, nhưng có một phần thưởng quý giá không kém là sự tín nhiệm, tin tưởng của đoàn viên và bà con trong xã.

 

Đóng góp từ những hành động nhỏ

 

Mỗi cá nhân trong bài viết này, tuỳ vào hoàn cảnh, địa vị công tác đã âm thầm đóng góp tích cực cho cộng đồng. Những hành động có thể nhỏ nhưng rất đáng biểu dương và nhân rộng.

 

Một ngày của bà Nguyễn Thị Tiện, 58 tuổi, ở xóm Hương Đình, xã Tân Phú bắt đầu từ sáng sớm để hướng dẫn các thành viên Câu lạc bộ văn nghệ dưỡng sinh cụm dân cư số 10 luyện tập. Bà Tiện làm công việc này đã gần chục năm nay. Ban đầu, thấy người nhiều người cao tuổi ở địa phương chỉ quanh năm gắn bó với ruộng vườn, hầu như không có hình thức nào giải trí và rèn luyện sức khoẻ nào, sẵn có kiến thức nên bà Tiện nảy ra sáng kiến hướng dẫn múa, hát và tập thể dục cho một số tại nhà mình. Dần dần nhiều người tham gia nên hình thành câu lạc bộ. Hiện nay, bà đã phát triển được 5 câu lạc bộ dưỡng sinh trong toàn xã. Trong quá trình xây dựng phong trào, bà Tiện không hề lấy một đồng tiền công nào mà chỉ mong truyền lửa đam mê của mình đến mọi người. Chị Ngô Thị Lan, người dân xóm Hương Đình nhận xét: Không chỉ vậy, bà Tiện còn rất tích cực tham gia các phong trào, nhất là làm đường giao thông. Vậy nên dù không làm cán bộ xóm nhưng bà Tiện rất có uy tín và được bà con tin tưởng.

 

 Với bà Nguyễn Thị Oanh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Hồng Tiến lại được nhiều người biết đến với những hoạt động tích cực trong công tác xã hội từ thiện. Nhất là việc cấp phát cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa Phổ Yên. Bà Oanh kể: Cách đây 2 năm, khi Hội Chữ thập đỏ Phổ Yên tổ chức Chương trình “Bếp ăn tình thương”, tôi và một số tình nguyện viên đã xin để được nấu cháo từ thiện phục vụ bệnh nhân nghèo vào trưa thứ bảy và Chủ nhật hằng tuần. Từ hai tình nguyện viên ban đầu, số lượng giờ đã tăng lên 6. Tất cả lương thực, thực phẩm đều do thành viên đem từ nhà đến. Tìm hiểu chúng tôi được biết, riêng cá nhân bà Oanh mặc dù có chồng bệnh tật nhưng luôn ủng hộ vợ làm công tác từ thiện. Hầu hết tiền phụ cấp hàng tháng được bà dùng vào việc mua thực phẩm nấu cháo phục vụ bệnh nhân nghèo.

 

Với lòng kính yêu đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hữu Khánh, 82 tuổi, nguyên là Phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong (hiện trú tại xã Đông Cao) lại dành nhiều công sức và tâm huyết để viết về Người. Ông kể: Tôi vinh dự được gặp Bác khi cùng đoàn đại biểu sinh viên Trường Trung cấp Sư phạm Trung ương vừa ra trường về Thủ đô (ngày 22-9-1959) trước khi xung phong lên miền núi dạy học. Tôi còn nhớ như in lời Bác dạy: “Các cô, các chú xung phong như thế là tốt, rất đáng hoan hô. Nhưng đã xung phong thì phải xung phong đến nơi đến chốn, không bỏ cuộc dở chừng…”. Mỗi lần nghĩ về Người, tôi lại cảm thấy rưng rưng. Được biết, từ năm 1960 đến nay, ông Khánh đã có 98 bài viết (gồm báo, hồi ký, thơ) về Bác Hồ đăng trên sách, báo Trung ương và địa phương. Trong đó, hai lần tác phẩm của ông được giải thưởng cấp Trung ương và cấp tỉnh trong Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ở tuổi ngoài 80, ông Khánh vẫn dự định sáng tác thêm những tác phẩm văn học về Bác Hồ. Ông bảo: Mỗi lần nghĩ đến Bác, trong lòng lại có nguồn cảm xúc lớn lao thôi thúc tôi viết, cũng là mong muốn để tấm gương đạo đức và phong cách làm việc của Bác được lan toả hơn nữa.

 

Ông Đào Đình Xuyên, Phó Ban Tuyên giáo Thị uỷ Phổ Yên cho biết: Những cá nhân tiêu biểu nói trên trên đã và đang được Thị uỷ Phổ Yên lập danh sách, thẩm định để biểu dương khen thưởng. Cá nhân người viết bài này khi có dịp tiếp xúc thấy rằng, họ làm việc tốt là nhu cầu tự thân chứ không mong chờ khen thưởng, tựa như những đoá hoa vẫn lặng lẽ làm đẹp cho đời.