Quốc hội thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017

09:07, 08/11/2016

Chiều 7-11, với 420/428 đại biểu đồng ý, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.

Các chỉ tiêu chủ yếu tại Nghị quyết, gồm:

 

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%.

 

Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6-7%.

 

Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%.

 

Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%.

 

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP.

 

Tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5%.

 

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%.

 

Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

 

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55 - 57%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ đạt 22,5%.

 

Số giường bệnh trên một vạn dân đạt 25,5 giường (không tính giường trạm y tế xã).

 

Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 82,2%.

 

Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 87%.

 

Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45%.

 

Trước khi các đại biểu bấm rút thông qua Nghị quyết, trong Báo cáo tiếp thu, giải trình do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến đề nghị tính toán, cân nhắc tính khả thi của chỉ tiêu Tăng trưởng kinh tế 6,7% nhất là trong bối cảnh năm 2016 hạn hán, xâm ngập mặn, lũ lụt tác động xấu đến sản xuất trong những tháng cuối năm và cả năm 2017.

 

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, năm 2016 tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, thiên tai nhiều gây thiệt hại lớn, nhưng trong bối cảnh môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, đồng thời từ năm 2017 sẽ bắt đầu thực hiện đồng bộ Kế hoạch tài chính, Kế hoạch đầu tư công, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 hướng tới huy động, phân bổ và sử dụng ngày càng hiệu quả các nguồn lực trong, ngoài nước cho phát triển kinh tế - xã hội.

 

Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ như trong dự thảo Nghị quyết để phấn đấu quyết liệt nhằm thực hiện mức cao nhất theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2016-2020 đề ra chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân năm năm 6,5-7%/năm.

 

Siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước

 

Cơ bản thán thành các nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình và các cơ quan của Quốc hội kiến nghị trong báo cáo thẩm tra, các báo cáo giám sát chuyên đề, Nghị quyết nêu rõ, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung thực hiện 11 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.

 

Theo đó, nhiệm vụ đầu tiên là thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; phát triển thị trường mua bán nợ, kiểm soát chặt chẽ, xử lý hiệu quả nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm an toàn hệ thống và quyền lợi người gửi tiền. Quản lý hiệu quả thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, phấn đấu tăng dự trữ ngoại hối. Siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; bảo đảm chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả và theo dự toán được Quốc hội thông qua. Kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ công và bội chi ngân sách nhà nước...

 

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các giải pháp tạo chuyển biến rõ nét về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, loại bỏ rào cản bất hợp lý. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi tối đa, giảm thời gian, chi phí giao dịch hành chính gia nhập thị trường của người dân và doanh nghiệp...

 

Quan tâm bố trí vốn đầu tư công cho xóa đói, giảm nghèo

 

Nhiệm vụ thứ ba nêu rõ việc thực hiện có hiệu quả Kế hoạch tài chính và Kế hoạch đầu tư công trung hạn, tạo bước đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2016-2020. Quan tâm bố trí vốn đầu tư công cho xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nông nghiệp, nông thôn, các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, các địa phương chịu ảnh hưởng sự cố môi trường biển; các dự án, công trình y tế, giáo dục, các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm tạo sức lan tỏa và kết nối phát triển.

 

Quốc hội yêu cầu triển khai dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành theo Nghị quyết của Quốc hội, một số đoạn quan trọng trên tuyến đường bộ ven biển; hoàn thành thủ tục báo cáo Quốc hội về chủ trương đầu tư đường bộ cao tốc Bắc - Nam và các công trình, dự án trọng điểm quốc gia khác; tiếp tục triển khai tuyến đường tuần tra biên giới, đường Trường Sơn Đông gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tuân thủ nghiêm túc, nguyên tắc tiêu chí, thứ tự ưu tiên trong phân bổ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu cấp thiết của địa phương.

 

Tập trung vào ba trọng tâm trong cơ cấu lại nền kinh tế

 

Tại Nghị quyết nêu rõ nhiệm vụ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó tiếp tục tập trung vào ba trọng tâm cũng như các nhiệm vụ ưu tiên và chương trình hành động theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Cơ cấu lại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng ngày càng tăng năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; kết hợp hợp lý giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu, trong đó lấy tăng trưởng theo chiều sâu là hướng chủ đạo; huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo cơ chế thị trường...

 

Thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo

 

Nhiệm vụ thứ năm được nêu tại nghị quyết là thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững theo chuẩn nghèo đa chiều theo Nghị quyết 76/2013/QH13 và các chương trình mục tiêu về an sinh xã hội; Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ cho các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng huy động các nguồn lực phát triển nhà ở cho hộ gia đình người có công với cách mạng, nhà ở cho người lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tăng cường quản lý đất đai, trong đó có đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh theo Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 ngày 27-11-2015 của Quốc hội khóa XIII, thực hiện nghiêm kết luận giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về quản lý, sử dụng đất các nông, lâm trường...

 

Một số nhiệm vụ được nêu tại Nghị quyết là thực hiện hiệu quả các mục tiêu, cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu COP-21 và các giải pháp tổng thể phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, ưu tiên những vùng bị ảnh hưởng nặng. Triển khai hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ ổn định sản xuất, đời sống của nhân dân sau sự cố ô nhiễm môi trường biển. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và chủ động phòng, chống, giảm nhẹ, khắc phục hậu quả thiên tai. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên, bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng tự nhiên....

 

Xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch... Khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, kiểm sát hoạt động tư pháp. Xử lý hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm, đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm giết người. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra phòng chống cháy, nổ, trật tự an toàn giao thông, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm…

 

Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại Nhà nước và ngoại giao nhân dân

 

Nhiệm vụ tiếp theo được nêu tại Nghị quyết là tiếp tục đưa quan hệ đối ngoại với các đối tác đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại Nhà nước và ngoại giao nhân dân. Thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế; các cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại tự do đã ký…

 

Nắm chắc diễn biến tình hình trong và ngoài nước, kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại để chủ động giải quyết mọi tình huống xảy ra, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước. Triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới…

 

Tăng cường quản lý nhà nước về công tác báo chí, truyền thông. Chủ động cung cấp thông tin kịp thời, đúng đắn về tình hình kinh tế - xã hội, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, tạo đồng thuận xã hội. Xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về báo chí…