Về nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Phú Bình

10:45, 21/12/2016

Đầu năm 1943, Trung ương đã quyết định  lấy 1 xã của tỉnh Bắc Giang; 2 xã của tỉnh Thái Nguyên, trong đó có xã Kha Sơn (Phú Bình) làm Khu An toàn thứ 2 (gọi tắt là ATK2). Đây là nơi hoạt động của các cơ quan Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ. Từ khi trở thành ATK2 của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ, Phong trào cách mạng ở Phú Bình phát triển nhanh chóng.  

Tháng 7-1943, tại một địa điểm bí mật trong rừng Giác (Kha Sơn Hạ), Chi bộ Đảng Kha Sơn Hạ được thành lập - đây là chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Phú Bình. Tháng 2-1944, Chi bộ Kha Sơn Thượng tiếp tục được thành lập. Từ tháng 2 đến tháng 12-1944, hai chi bộ trên đã kết nạp thêm 8 hội viên ưu tú trong Hội Thanh niên Cứu quốc vào Đảng.

 

Cũng từ đó, Kha Sơn được coi là một trong những cơ sở tương đối an toàn để các đồng chí lãnh đạo Trung ương, Xứ ủy Bắc kỳ ở, làm việc và tổ chức các cuộc họp chính trị quan trọng để chuẩn bị mọi mặt cho Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi. Nơi đây đã ghi dấu nhiều sự kiện chính trị của Đảng như: đào tạo 13 cán bộ quân sự cho các tỉnh phía Bắc, phát hành các tài liệu tuyên truyền của Trung ương, các cuốn sách về chiến tranh du kích… Cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Kha Sơn nói riêng và huyện Phú Bình nói chung đã bảo vệ an toàn hàng trăm lượt cán bộ lên căn cứ, về đồng bằng, trong đó, có các đồng chí lãnh đạo chủ chốt như: đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ... Khi có lệnh Tổng khởi nghĩa (14/3/1945), Chi bộ Kha Sơn Hạ đã lãnh đạo lực lượng tự vệ, nhân dân trong xã nhanh chóng giành chính quyền cách mạng xã. Thành công của Kha Sơn Hạ đã cổ vũ nhân dân các xã liên tiếp nổi dậy giành chính quyền, cùng góp phần vào thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của dân tộc.

 

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Kha Sơn đã đóng góp sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Kha Sơn được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. 

 

Phát huy truyền thống Anh hùng, Đảng bộ Kha Sơn đã lãnh đạo nhân dân trong xã đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh, quốc phòng. Trong câu chuyện với chúng tôi điều mà đồng chí Lương Văn Dung, Bí thư Đảng ủy xã Kha Sơn luôn tâm đắc vẫn là những thành tựu của Đảng bộ trong lãnh đạo phát triển kinh tế và công tác xây dựng Đảng.

 

Đồng chí cho biết: Trước đây Kha Sơn là xã thuần nông, song nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã đã phát huy mọi nguồn lực đầu tư nâng cấp, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ đời sống nhân dân. Thực hiện tốt các phong trào thi đua, các chương trình do Đảng, Nhà nước phát động, đặc biệt là Chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương. Trong 5 năm (2010-2015) tổng nguồn vốn kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở đạt trên 27,687 tỷ đồng; trong 2 năm (2015 - 2016) là hàng chục tỷ đồng. Do vậy, đường giao thông, hệ thống thủy lợi, cơ sở vật chất trường học, trạm y tế trụ sở UBND xã, hệ thống đường điện, nghĩa trang liệt sĩ xã, các nhà văn hóa xóm được xây mới, nâng cấp, sửa chữa thường xuyên phục vụ tốt đời sống nhân dân. Trong sản xuất nông nghiệp, bên cạnh việc phát triển theo hướng chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao; hàng năm đã có từ 25 đến 30% diện tích lúa lai; chỉ đạo chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau cần kết hợp với nuôi trồng thủy sản; tăng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp trên 60%; giá trị sản phẩm trồng trọt trên 1ha canh tác năm 2010 là 56 triệu đồng, năm 2016 đạt 85 triệu đồng. Ngoài ra, phát huy lợi thế về điều kiện địa lý, bà con nơi đây đã phát triển khá nhiều ngành nghề như nghề mộc; hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Hiện nay, trên địa bàn có gần 170 hộ kinh doanh thương mại và dịch vụ; 1 hợp tác xã làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Phú Lâm thuộc xóm Phú Lâm với 12 xưởng sản xuất quy mô lớn và 23 hộ gia đình chuyên gia công các công đoạn cho các xưởng lớn. Đi đối với khuyến khích người dân phát triển ngành nghề truyền thống, Đảng bộ xã còn khuyến khích phát triển ngành nghề mới như làm chổi tre, đan lát cho thu nhập cao. Tính chung giá trị từ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, xây dựng tăng bình quân 12% (giá trị thu nhập có năm cao nhất đạt 49 tỷ đồng). Vì vậy, cơ cấu kinh tế của xã những năm qua chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại. Hiện, bình quân thu nhập đầu người của xã đạt 30 triệu đồng/năm. Kinh tế phát triển người dân có điều kiện đóng góp xây dựng các công trình xã hội phục vụ đời sống dân sinh góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới; đời sống của người dân được nâng cao rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm (năm 2016 còn 8,35%).

 

Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ huyện xác định rõ “cán bộ là gốc của mọi công việc” nên luôn tập trung cho công tác này. Trong những năm qua, Đảng bộ luôn quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm và bổ nhiệm lại, bố trí, sử dụng cán bộ theo hướng trẻ hóa. Đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất năng lực, có phẩm chất đạo đức tốt, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, có nhận thức tư tưởng chính trị. Trong đó, ưu tiên phát triển những cán bộ xã trưởng thành từ cơ sở. Hiện nay, 100% cán bộ, công chức xã đạt tiêu chuẩn có bằng chuyên môn trở lên; 100% cán bộ, công chức thuộc biên chế đều là đảng viên. 2/3 số cán bộ xã tuổi đời còn trẻ, có thể cống hiến từ 2 đến 3 nhiệm kỳ. 

 

Đội ngũ đảng viên luôn được quan tâm phát triển nhằm nâng cao năng lực, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ. Trong 5 năm (2010-2015) Đảng bộ đã kết nạp được 34 đảng viên mới; năm 2015 và 2016 kết nạp thêm 13 đảng viên mới. Đảng bộ luôn đoàn kết, lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. Vì vậy, nhiều năm qua, Đảng bộ Kha Sơn liên tục được công nhận đạt trong sạch vững mạnh.

 

Trước khi về, đồng chí Bí thư Đảng ủy mời tôi đi thăm làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Phú Lâm, về xóm Tân Thành nghe bà con nông dân nói chuyện làm giàu bằng chính sức lao động của mình. Tôi không khỏi bất ngờ khi biết thu nhập bình quân đầu người của 2 xóm trên đạt từ 30 đến trên 40 triệu đồng/người/năm. Đường làng, ngõ xóm phong quang; đồng trên, xóm dưới người dân đang hăng say với công việc đồng áng, nghề phụ, hoàn thiện nốt công trình nhà văn hóa, kè những đoạn đường bê tông chưa đủ rộng. Sự cần cù ấy của người dân cùng với định hướng đúng đắn trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của Đảng bộ Kha Sơn đang góp phần làm cho quê hương Kha Sơn từng bước thay da đổi thịt, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng.