Mới đó đã 20 năm!

08:18, 01/01/2017

Thời gian đang lướt nhanh đến ngày 1-1-2017. Mới đó đã 20 năm, ký ức trong tôi hiện về những ngày này của 20 năm trước đầy xao động.

Khi ấy, ăn chung, ở chung với nhau hơn 30 năm, chuẩn bị lại trở về điểm xuất phát trước đó: Tỉnh Bắc Thái chia tách thành hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn, hoặc nói cách khác trước nhập bây giờ tách ra, “trả lại tên cho em”.

 

Vào những năm 1964-1965, miền Bắc xây dựng Chủ nghĩa xã hội với những kế hoạch và hoài bão to tát. Hợp tác xã nông nghiệp ở quy mô xóm, liên xóm nay phải lên quy mô toàn xã; các tỉnh phải rộng hơn, lớn hơn để đi lên hiện đại. Lũ lượt về Thái Nguyên để gia nhập tỉnh Bắc Thái (Chữ đầu của hai tỉnh). Theo quy luật, nước phải đổ về chỗ trũng. Đô thị T.P Thái Nguyên (thủ phủ tỉnh Bắc Thái) thì phải nhanh chóng phát triển, ngược lại T.X Bắc Kạn cũng nhỏ lại cả ở ý nghĩa cơ học lẫn triết học… Thế rồi sức vóc, năng lực quản lý của bộ máy ở một địa bàn rộng cũng hạn chế, hơn nữa không thể quan tâm đến những vùng xa phủ, xa tỉnh, khoảng cách hưởng thụ ngày một xa cho nên việc trả về gốc ban đầu lại được đặt ra. Vậy là vào đầu năm 1996, Quốc hội đã bàn đến việc phân định lại địa bàn hành chính cho một số tỉnh, trong đó có Bắc Thái.

 

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, lãnh đạo tỉnh liên tục họp để phân chia lực lượng cho cả hai tỉnh: Khó nhất là vấn đề tổ chức, con người. Mặc dù ai cũng biết các đồng chí quê ở Bắc Kạn về xây dựng quê hương là hợp lý, hợp tình. Tuy nhiên, lực lượng này cũng không đủ, vả lại 31 năm rồi, hầu hết đã an cư lạc nghiệp tại Thái Nguyên.

 

Báo Bắc Thái có 31 người, nhưng thực ra quê gốc Bắc Kạn cũng chỉ có vài đồng chí. Để hình thành một tòa soạn, ít nhất cũng phải có mười người, làm thế nào đây? Lúc đó, anh Lê Quang Dực (mới từ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sang) làm Tổng Biên tập; anh Nguyễn Non Nước, Phó Tổng Biên tập, quê gốc Na Rì; tôi lúc đó làm Bí thư Chi bộ. Lúc đầu chúng tôi thành lập đoàn đi Bắc Kạn gồm 11 người: Anh Nước, tôi và 9 đồng chí khác. Khi sang tỉnh họp Ban Chỉ đạo chia tách tỉnh, anh Nguyễn Ngô Hai, Bí thư Tỉnh ủy cho ý kiến: Báo gọn nhẹ hơn nên phải ra số báo đầu tiên ngay từ ngày đầu tái lập tỉnh để còn chỉ đạo hoạt động qua tờ báo Đảng. Những ngày đầu, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh chưa được thành lập, các tin bài phát sóng tại Đài Bắc Thái. Tuy nhiên, giai đoạn đầu không nhất thiết phải đủ người. Báo Bắc Kạn tiếp tục tranh thủ sự giúp đỡ của Báo Thái Nguyên và cộng tác viên nữa… Cuối cùng thì đoàn đi Bắc Kạn còn lại 7 người, gồm: Anh Nguyễn Non Nước, Tổng Biên tập và 6 thành viên: Hoàng Đức Trí, Nguyễn Cao Thâm, Nguyễn Xuân Hải, Trần Quốc Nguyên, Trần Lan Phương, Nguyến Thế Bình.

 

Số báo Bắc Kạn đầu tiên được biên tập và in tại Thái Nguyên. Số báo này để khổ rộng 42x54cm, in hai màu, màu chủ đạo là màu đỏ, đăng tải hầu hết các nội dung của chủ đề tái lập hai tỉnh… Sau khi trao đổi với các nhà ngôn ngữ và lịch sử, từ số báo đầu tiên này măng séc Bắc Kạn được dùng bằng chữ “K” thay vì chữ “C” truyền thống. Lý do: Chữ “Bắc Kạn” có gốc là chữ chỉ địa danh Bắc Káp xưa kia. Người Pháp khi xác định địa giới hành chính tỉnh Bắc Kạn cũng từ xuất phát điểm là địa danh mà dân thường dùng… Phải nói ngày 1-1-1997 đối với Bắc Kạn là một ngày thật đáng nhớ. Mặc dù các cơ quan tỉnh, ngành mới tạm thời có mặt nhưng cuộc mít tinh thành lập tỉnh Bắc Kạn thật tưng bừng và cảm động. Người dân từ các vùng xa xôi của tỉnh đều đổ về sân vận động Thị xã chia vui… Thời Bắc Thái, Ngân Sơn và Chợ Rã lại thuộc tỉnh Cao Bằng, mọi việc hướng về của dân vùng này là T.X Cao Bằng xa xôi, nay lại được về gần. Về phía Nam, một số xã khi là Bắc Thái thuộc huyện Phú Lương nay lại trở về với tỉnh cũ là Bắc Kạn…

 

Buổi mít tinh có 3 diễn văn quan trọng và lịch sử. Diễn văn của Tân Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Hà Văn Phụng làm nức lòng nhân dân bởi những hứa hẹn của “những người con Bắc Kạn trở lại xây dựng quê hương sẽ nỗ lực để Bắc Kạn tiến nhanh hơn. Với tỉnh bạn Thái Nguyên, ông nhấn mạnh: Bắc Kạn  và Thái Nguyên vốn cùng một cội nguồn, có hơn 30 năm chung sống, đoàn kết xây dựng quê hương, nay mong tiếp tục hợp tác để hai địa phương cùng phát triển”. Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Ngô Hai đều mong muốn cho Bắc Kạn nhanh chóng vươn lên, xây dựng và phát triển. Các đồng chí đều đã chúc mừng ban lãnh đạo mới của Bắc Kạn là đồng chí Hà Văn Phụng - Trưởng Ban Tuyên giáo; Phan Thế Ruệ - Bí Thư Thành ủy Thái Nguyên nay là Bí thư, Chủ tịch, hai lãnh đạo chủ chốt của Bắc Kạn tái lập…

 

Sau số báo Bắc Kạn đầu tiên ấy, Thái Nguyên còn tiếp tục giúp đỡ thêm một số kỳ báo nữa cũng như sau này tờ Bắc Kạn được in từ nhà in Báo Thái Nguyên, Báo Điện tử Bắc Kạn do Báo Thái Nguyên điện tử giúp đỡ thành lập. Tình cảm và sự hợp tác giữa hai tờ báo được duy trì và phát huy nhiều năm sau đó.

 

Hầu hết anh em từ Thái Nguyên lên xây dựng tờ báo Bắc Kạn đều được sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của anh em có quê ở Bắc Kạn nên trưởng thành nhanh chóng. Nhà báo Hoàng Đức Trí với sự tận tâm, yêu nghề, nhanh chóng đứng trong hành ngũ lãnh đạo tờ báo và cương vị cao nhất đã góp phần cho tờ Bắc Kạn ngày càng có vị trí trong làng báo Đảng Việt Nam. Chị Trần Lan Phương, anh Nguyễn Cao Thâm ít lâu sau đều làm Phó Tổng Biên tập Báo Bắc Kạn, rồi Cao Thâm chuyển công tác làm ở báo khác. Thế Bình, Trần Nguyên, Xuân Hải đều trở thành lãnh đạo cấp phòng, ban ở các cơ quan báo chí… 7 anh em ra đi xây dựng tờ Báo Bắc Kạn buổi đầu tiên ấy đã làm nên một tờ Bắc Kạn chững chạc, đóng góp tích cực cho tỉnh Bắc Kạn ngày càng phát triển to đẹp…

 

Hai thập kỷ, thời gian chưa dài nhưng lại là một phần quan trọng của đời người. Hôm nay nghĩ về sự hy sinh, cống hiến của anh chị em làm Báo Bắc Kạn, chúng tôi vẫn thấy khâm phục, biết ơn… Mong rằng ở tuổi 21, tỉnh Bắc Kạn nói chung và Báo Bắc Kạn  nói riêng sẽ có những bước đi mạnh mẽ, thần tốc hơn cho hạnh phúc của nhân dân.