Chào cờ và hát Quốc ca là một nghi lễ thiêng liêng, thể hiện tinh thần yêu nước, niềm kiêu hãnh, tự hào, tự tôn dân tộc và trách nhiệm của mỗi công dân đối với đất nước, với nhân dân. Việc làm đó có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, có sức lay động mạnh mẽ và cổ vũ tinh thần to lớn. Đó như tiếng lòng, là nhịp đập của những con tim yêu Tổ quốc.
Ngày 13/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt “Tiến quân ca” của Nhạc sĩ Văn Cao làm Quốc ca nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước CHXHCN Việt Nam). Năm 1946, Quốc hội khóa I đã quyết định chọn “Tiến quân ca” làm Quốc ca của nước ta. Như vậy, Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã đi cùng năm tháng, đất nước và nhân dân ta được 72 năm. Với chặng đường 72 năm đó, “Tiến quân ca” đã hòa nhịp trong mỗi bước đi đầy gian lao mà vô cùng oanh liệt, rất đỗi tự hào của nhân dân ta. |
Quốc ca là bài ca vĩ đại, là biểu tượng của mỗi quốc gia, gắn với lịch sử của mỗi dân tộc. Ở nhiều nước trên thế giới, việc hát Quốc ca được coi là nghĩa vụ, quyền lợi của mỗi công dân, được quy định hết sức nghiêm túc. Ở nước ta, tiếng hát “Tiến quân ca” đã vang lên trên Quảng trường Ba Đình lịch sử trong ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. “Tiến quân ca” mang theo ước vọng của cả dân tộc đi qua các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm bảo vệ và xây dựng Tổ quốc để non sông ca khúc khải hoàn. Máu của những người con đất Việt đã tô thắm màu cờ, để mỗi người dân được hát vang bài hát vĩ đại của dân tộc. Trải qua 72 năm, nhiều thế hệ người Việt Nam đã hát Quốc ca với nhiệt huyết từ trái tim, cho chính mình, cho gia đình, cho quê hương và cho đất nước. Cờ đỏ sao vàng và "Tiến quân ca" đã trở thành ngọn đuốc soi đường cho nhân dân ta, đưa dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn thử thách, chiến thắng mọi sức mạnh bạo tàn để giành độc lập tự do cho dân tộc, thống nhất non sông.
Quốc ca thiêng liêng như vậy, nhưng thật buồn khi gần đây, việc hát Quốc ca lại chưa trở thành nền nếp. Nhiều nơi, trong lễ chào cờ, không hát Quốc ca mà thay bằng việc mở băng ghi âm. Quốc ca thiêng liêng mà chỉ nghe chứ không hát, từ đó dẫn đến tình trạng nhiều người chỉ biết giai điệu, biết đấy là bài Quốc ca nhưng không thuộc lời, không thể hát; có người vẫn làm việc riêng, nói chuyện riêng trong khi chào cờ. Cá biệt, có người còn cố ý xuyên tạc, hát sai lệch lời bài hát một cách thô thiển, mua vui cho người khác. Những hành động vô ý thức đó không chỉ làm khó chịu những người xung quanh mà còn làm xấu đi truyền thống hào hùng của đất nước, làm nhạt phai niềm tự hào, tự tôn dân tộc.
Quốc ca Việt Nam là niềm kiêu hãnh của mỗi con dân đất Việt, nhất là với những người con xa Tổ quốc. Mỗi khi cất tiếng hát thì từng câu, từng chữ, từng nốt nhạc của bài Quốc ca sẽ ngấm sâu vào dòng máu, tạo nên xúc cảm đặc biệt, thổi bùng lên lòng yêu nước, tự tôn dân tộc và ý thức trách nhiệm với Tổ quốc. Khi tiếng hát được cất lên cũng là lúc niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước trào dâng mạnh mẽ trong mỗi người. Và như vậy, mỗi lần hát Quốc ca là một lần chúng ta tự bồi đắp tinh thần yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc để nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình. Điều đó thật sự cần thiết đối với mỗi công dân Việt Nam, đặc biệt là học sinh, sinh viên, thế hệ trẻ để từ đó, nâng cao ý thức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Ý thức đó sẽ được chuyển thành hành động cách mạng cụ thể để đoàn kết cùng nhau "tiến lên", chung sức đồng lòng xây dựng “Nước non Việt Nam ta vững bền”.
Rõ ràng là phải hát Quốc ca bằng lời, bằng tình cảm bừng lên tận đáy lòng, từ sâu thẳm trái tim nồng nàn của mỗi con người thì mới có thể cảm nhận hết được âm hưởng hùng tráng của một ca khúc mang tầm thời đại, hết sức thiêng liêng nhưng cũng rất đỗi thân thuộc, gắn bó. Bước sang xuân mới 2017, tỉnh ta vừa triển khai thực hiện tổ chức chào cờ và sinh hoạt chính trị dưới cờ vào sáng thứ hai tuần đầu tiên của tháng, trong đó nhấn mạnh việc hát Quốc ca trong nghi thức chào cờ. Đây là việc làm hết sức quan trọng và ý nghĩa, nhằm tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mọi tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh về tinh thần yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Để việc hát Quốc ca thật sự trở thành sinh hoạt thường xuyên, nề nếp của mỗi cơ quan, địa phương, đơn vị cũng như mỗi công dân; để tinh thần “Tiến quân ca” trở thành động lực cho mỗi việc làm, mỗi hành động thì việc tổ chức chào cờ, hát Quốc ca và sinh hoạt chính trị dưới cờ cần phải được triển khai nghiêm túc trong mỗi cơ quan, địa phương, đơn vị, trường học, thấm sâu và ý thức của mọi tầng lớp nhân dân. Cảm xúc thiêng liêng, tự hào khi trang nghiêm chào cờ Tổ quốc, khi cất tiếng hát Quốc ca trong ngày đầu tuần sẽ tạo nên khí thế mới để mỗi chúng ta có thêm động lực hoàn thành tốt hơn công việc của chính mình./.