“Một bộ phận không nhỏ suy thoái” tưởng chừng như khó tìm, thì nay đã được minh chứng bằng những số liệu rõ ràng và những nhân vật cụ thể.
Trong 5 năm (chủ yếu là 4 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI), toàn Đảng đã xử lý kỷ luật gần 1.400 tổ chức Đảng và hơn 74.000 đảng viên ở các cấp. Trong số đảng viên bị kỷ luật, có 82 tỉnh ủy viên và tương đương; hơn 1.500 huyện ủy viên và tương đương; gần 3.000 đảng viên bị kỷ luật bằng hình thức cách chức; hơn 8.700 người bị khai trừ ra khỏi Đảng và hơn 4.300 cán bộ, đảng viên phải xử lý bằng pháp luật.
Những nhân vật “đình đám” tốn nhiều trang viết của báo chí, được dư luận đặc biệt quan tâm, phải kể đến Trịnh Xuân Thanh và ông Vũ Huy Hoàng. Với “di sản” để lại thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng khi còn giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), Trịnh Xuân Thanh với tài “thoát xác” từ PVC, được “tráng men” ở Bộ Công Thương, theo đường “tiểu ngạch” để giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Không để cho kẻ cơ hội “leo” hết chức này đến chức khác, cách đây hơn 8 tháng, tiếng “trống lệnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã vang lên, làm vững lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước đối với Đảng. Từ sau mệnh lệnh của Tổng Bí thư, với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, khách quan, các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước phối hợp chặt chẽ kiểm tra, xem xét, kết luận và đề nghị các cấp lãnh đạo xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của Trịnh Xuân Thanh và những người có liên quan. Trong đó, Trịnh Xuân Thanh bị khai trừ đảng, bị khởi tố điều tra và bị truy nã; ông Vũ Huy Hoàng bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011 - 2016 do đã có những vi phạm về công tác cán bộ khi giữ chức vụ Bộ trưởng trong nhiệm kỳ này. Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách vì vi phạm liên quan tới công tác cán bộ tại Bộ Công Thương.
Không dừng lại ở đó, ngay sau khi nhận thấy các cơ quan báo chí phản ánh khối tài sản hàng trăm tỷ đồng của gia đình Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và xung quanh việc kê khai tài sản của quan chức này, ngày hôm qua (16/2) Văn phòng Trung ương Đảng thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp Ban Tổ chức Trung ương; Ban Nội chính Trung ương; Ban cán sự đảng: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ khẩn trương kiểm tra, thanh tra, xem xét, kết luận những nội dung mà các bài báo đã nêu và những vấn đề khác có liên quan và sớm báo cáo kết quả với Ban bí thư.
Có thể nói, lòng dân đang hướng về Đảng. Nhân dân vẫn dành trọn niềm tin vào Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. Hơn 87 năm qua, Đảng ta vẫn kiên định và thấm nhuần lời dạy của Người về công tác xây dựng Đảng “Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ nǎng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”; “Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng mà có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” (1).
Vẫn biết công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng là vô cùng khó khăn, phức tạp và nhạy cảm. Tuy nhiên, khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ.
Trong tình hình mới, khi mà các hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, lợi ích nhóm ngày càng tinh vi, phức tạp thì công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng càng phải quyết liệt, kịp thời, nghiêm minh. Loại bỏ khỏi đội ngũ của mình những người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; thẳng tay cắt bỏ "u nhọt" và trừng phạt nghiêm khắc những phần tử cơ hội, biến chất, tham nhũng... không làm cho Đảng ta yếu đi, mà chắc chắn sẽ làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Nói cách khác, duy trì nguyên tắc kiểm tra và kỷ luật Đảng là sự tự bảo vệ của Đảng trước những thử thách ngặt nghèo trong mọi thời kỳ cách mạng. Nếu lơ là, coi nhẹ công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng sẽ làm cho đảng viên sống và làm việc tùy tiện, quan liêu, sa vào chủ nghĩa cá nhân, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, làm cho nhân dân oán thán. Giữ vững kỷ luật, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật chính là giữ cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo đất nước ta, nhân dân ta thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
(1). Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2000, tr.261.