Lược ghi một số ý kiến tâm huyết về vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

16:28, 22/02/2017

Sáng 22-2, Đảng bộ tỉnh đã tổ chức Hội nghị Tổng kết đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả trên địa bàn. Phóng viên Báo Thái Nguyên lược ghi một số ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị và đại diện một số lãnh đạo Đảng bộ địa phương quan tâm đến vấn đề này.

Đổi mới phương thức lãnh đạo được coi trọng hàng đầu, thực hiện thường xuyên

Đồng chí Đoàn Thị Hảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Thái Nguyên

 

Sau 3 nhiệm kỳ thực hiện chủ trương đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tổ chức các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của T.P Thái Nguyên đã từng bước được sắp xếp, kiện toàn, chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên; mối quan hệ công tác của các tổ chức trong hệ thống chính trị được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn. Thành phố đã thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, giảm từ 15 phòng quản lý Nhà nước xuống 12 phòng (hiện có 13 phòng vì thành lập thêm Phòng Dân tộc). Hệ thống chính trị cấp xã, bộ máy của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thành phố cũng được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả… Một số bài học kinh nghiệm mà Đảng bộ T.P Thái Nguyên rút ra qua quá trình triển khai là: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả là công việc phải được coi trọng hàng đầu, thực hiện thường xuyên. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cần mạnh dạn đổi mới, dám chịu trách nhiệm, linh hoạt, sáng tạo. Tập trung và quyết liệt trong thực hiện cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách chế độ công vụ, công chức.

 

Giảm nhân sự bằng cách cho kiêm nhiệm

Đồng chí Phạm Việt Đức, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

 

Thực hiện chủ trương của Đảng và các quy định của Nhà nước về tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, trong nhiều năm, cơ quan Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh vẫn duy trì số lượng biên chế là 54, riêng từ năm 2015 đến nay giảm được 2 người. Trong khi đó, quy mô giáo dục của tỉnh không ngừng tăng, khối lượng công việc phải giải quyết nhiều lên từng ngày. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở đều thực hiện nghiêm việc xây dựng đề án vị trí việc làm, giảm nhân sự hành chính bằng cách gộp một số vị trí, phần việc cho một người đảm nhiệm. Bên cạnh đó, Sở chỉ đạo tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên nhằm vừa nâng cao năng lực chuyên môn vừa có thể đảm nhiệm được nhiều vị trí công tác, qua đó phục vụ tốt cho việc điều động, luân chuyển, bố trí kiêm nhiệm khi cần thiết. Việc tinh giản biên chế là giáo viên trong các trường học khó thực hiện vì phải đảm bảo định mức theo quy định (phụ thuộc vào quy mô trường lớp và học sinh). Một số cấp học tại các địa phương trong tỉnh vẫn thiếu biên chế giáo viên.

 

Đề nghị sắp xếp lại các hội quần chúng, hoạt động theo Nghị định 45 của Chính phủ

Đồng chí Nguyễn Thị Mai, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Phú Lương

 

Đề nghị tỉnh sắp xếp lại các hội quần chúng ở cơ sở, đưa về Ủy ban MTTQ quản lý, hoạt động theo Nghị định 45 của Chính phủ là tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm kinh phí hoạt động. Tôi thấy mô hình chi bộ cơ quan xã như hiện nay chưa thực sự phù hợp. Thực tế cho thấy, ở nhiều địa phương, việc sinh hoạt tại chi bộ cơ quan khiến đảng viên xa cách với quần chúng nơi cư trú, không nắm được tình hình địa phương. Chưa kể, một số chi bộ miền núi rất ít đảng viên, việc đảng viên sinh hoạt ở chi bộ cơ quan làm khó khăn thêm về số lượng đảng viên ở chi bộ. Tương tự, mô hình chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn cũng chỉ nên áp dụng với những địa phương đặc thù, không phù hợp với tất cả các xã, phường khác trên địa bàn. Đề nghị tỉnh có quy định, chế tài xử lý các sai phạm sau khi HĐND giám sát chỉ ra.

 

Đánh giá thực tiễn để điều chỉnh kịp thời trong xây dựng bộ máy chính quyền cấp xã, cấp huyện

Đồng chí Lê Thanh Tuyết, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Thị ủy Phổ Yên

 

Đề nghị Trung ương có quy định cụ thể hơn về việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tôi thấy, thực hiện mô hình nhất thể hóa Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND cấp xã, Chính phủ chưa có chế tài để kiểm soát thẩm quyền. Trong xây dựng bộ máy cơ quan, nhiều xã có từ 2 Phó Chủ tịch UBND theo Luật Tổ chức HĐND-UBND các cấp, khi thực hiện Luật Tổ chức Chính quyền địa phương lại chỉ còn 1 Phó Chủ tịch UBND. Trong thực tiễn đã không đáp ứng được với sự phát triển trong nền kinh tế thị trường và xu thế hội nhập ngày nay. Đề nghị Trung ương sớm đánh giá thực tiễn để có điều chỉnh kịp thời trong xây dựng bộ máy chính quyền cấp xã và cấp huyện. Trong thu hút đầu tư, hiện nay đang có bất cập là các công ty đăng ký sản xuất kinh doanh ở tỉnh khác đến mở chi nhánh ở địa phương, khi phát sinh doanh thu không nộp thuế ở địa phương có chi nhánh. Đề nghị Trung ương và Chính phủ có quy định cụ thể  sửa đổi để các công ty thực hiện nộp ngân sách ở địa phương.

 

Tỉnh nên ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển doanh nghiệp địa phương

Ông Nguyễn Văn Thời, Bí thư Đảng ủy Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG

 

Từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã có nhiều chính sách nhằm khuyến khích, phát triển doanh nghiệp địa phương, ví dụ như năm 2012 là cải thiện môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Điều này đã góp phần giúp các doanh nghiệp phát triển, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế tỉnh nhà. Những năm gần đây, Thái Nguyên rất thành công với việc thu hút, tạo điều kiện thu hút đầu tư doanh nghiệp vốn FDI, các doanh nghiệp địa phương tuy phát triển nhưng có phần “lép vế”. Vì vậy, để đảm bảo tính bền vững cho nền kinh tế, ngoài tiếp tục phát triển công nghiệp vốn đầu tư nước ngoài FDI, tỉnh cần quan tâm tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn, trong đó chú ý nhiều đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa của địa phương. Điều này cũng sẽ giúp tỉnh tận dụng tối đa sức ảnh hưởng và sự lan tỏa của các nhà đầu tư lớn của nước ngoài. Theo tôi, Tỉnh ủy nên xem xét và sớm ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển doanh nghiệp địa phương, tạo điều kiện để họ tham gia được vào chuỗi sản xuất khổng lồ của các doanh nghiệp có vốn FDI trên địa bàn.

 

Tạo điều kiện để các xã, phường loại 2 trở lên có 2 Phó Chủ tịch UBND

Đồng chí Dương Hồng Oai, Bí thư Đảng ủy phường Bách Quang, Đảng bộ T.P Sông Công

 

Theo tiêu chuẩn được biên chế, phường Bách Quang có tổng biên chế 273 người (không kể biên chế trong lực lượng Công an) là cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp phường, tổ dân phố. Trong đó, công chức là 8 người; cán bộ là 10 người; cán bộ hợp đồng lao động 4 người; cán bộ không chuyên trách cấp phường là 11 người; cán bộ hoạt động không chuyên trách ở tổ dân phố là 240 người. Tuy số lượng cán bộ, công chức trong các tổ chức của cả hệ thống chính trị của phường đã tăng hơn so với trước, nhưng có những chức danh bố trí không hợp lý, vừa thiếu, vừa thừa, gây nên bất cập trong quá trình giải quyết các công việc của địa phương. Đồng thời, một số chức danh được tinh gọn chưa thực sự phù hợp với cơ sở như: Việc chỉ để 1 chức danh Phó Chủ tịch UBND như hiện nay đối với các xã, phường loại 2, loại 3 đã làm ảnh hưởng rất lớn đến việc giải quyết các công việc của địa phương. Bởi vậy, tôi kiến nghị Trung ương tiếp tục tạo điều kiện để các xã, phường loại 2 trở lên có 2 Phó Chủ tịch UBND.

 

Phương thức chỉ đạo và phong cách làm việc của Đảng bộ phải bám sát cơ sở

Đồng chí Lưu Văn Thái, Phó Bí thư Thường trực Đảng bộ xã Bảo Cường (Định Hóa)

 

Những năm qua, Đảng bộ xã Bảo Cường luôn coi trọng và thực hiện đổi mới tổ chức, hoàn thiện bộ máy lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở cũng được Đảng bộ đặc biệt quan tâm thông qua việc rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị - xã hội, để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ cơ sở đến năm 2020. Đồng thời, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đảm bảo tiêu chuẩn quy định. Nhờ vậy, chất lượng cán bộ công chức được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, được trẻ hóa với độ tuổi bình quân là 40. Bên cạnh đó, phương thức chỉ đạo và phong cách làm việc của Đảng bộ cũng có sự chuyển biến theo hướng bám sát cơ sở, giải quyết công việc tại cơ sở, bước đầu khắc phục được tình trạng phiền hà, sách nhiễu nhân dân. Với sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực của bà con nhân dân, Đảng bộ xã Bảo Cường luôn đạt trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2016 theo đúng lộ trình.