Bình Sơn đề nghị sớm được công nhận là xã ATK

10:44, 28/03/2017

Căn cứ vào Quyết định số 897/QĐ-TTg ngày 27-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành tiêu chí, quy trình thủ tục công nhận xã An toàn khu, vùng An toàn khu, cuối tháng 10-2016, UBND T.P Sông đã chỉ đạo xã Bình Sơn rà soát các tiêu chí, để thực hiện quy trình lập hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền xem xét. Nhận thức được đây là vấn đề chính trị có ý nghĩa quan trọng với địa phương, Đảng ủy, UBND xã Bình Sơn đã họp, thống nhất thành lập Tổ hồ sơ khoa học đề nghị công nhận xã “An toàn khu”. Sau gần 4 tháng, xã đã hoàn thiện dự thảo hồ sơ khoa học.

Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, Bình Sơn là vùng quê truyền thống đã nuôi giấu nhiều cán bộ của Đảng về hoạt động xây dựng phong trào cách mạng, cũng là nơi Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp chỉ đạo xây dựng Khu an toàn, tổ chức mở lớp huấn luyện cán bộ, trung tâm căn cứ địa của vùng phía Tây của huyện Đồng Hỷ và tỉnh lỵ Thái Nguyên. Năm 1941, thực dân Pháp cho xây dựng Căng Bá Vân tại làng Bá Vân, xã Bá Sơn (nay là Bình Sơn) để giam giữ chiến sĩ cộng sản và những người Việt Nam yêu nước. Được sự che chở, nuôi giấu, giúp đỡ của nhân dân các xóm: Bình Định, Bá Vân, Thản Đãng (nay là Xuân Đãng), những đảng viên trong Chi bộ Căng đã từng bước tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, xây dựng phong trào cách mạng rộng khắp Tân Cương, Thịnh Đức, Bá Xuyên, Tân Quang…

 

Lịch sử Đảng bộ xã Bình Sơn giai đoạn 1946-2006 có viết: Năm 1943, Nhiều gia đình ở xóm Bình Định, Long Vân, Bá Vân, xã Bá Sơn đã trở thành cơ sở cách mạng bí mật, như: Gia đình các ông Trần Văn Mão, Phạm Quang Thân, Hà Văn Lai, Nguyễn Văn Thu, Nguyễn Đức Lân. Trong đó, nhà ông Nguyễn Văn Thu được chọn làm trạm liên lạc giữa Chi bộ với Xứ ủy, đình Bá Vân là địa điểm đặt hòm thư bí mật. Từ hòm thư này, Chi bộ Căng gửi báo cáo về Xứ ủy Bắc Kỳ và nhận từ Xứ ủy những chỉ thị, tài liệu. Thực hiện sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, tháng 8-1944, cơ sở cách mạng và lực lượng tự vệ các xóm Bình Định, Bá Vân, Thản Đãng đã bảo vệ, đưa đường cho 8 đảng viên của Chi bộ cộng sản Căng vượt ngục thành công. Từ đó, xã Bình Sơn trở thành trung tâm căn cứ địa của huyện Đồng Hỷ trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Xứ ủy Bắc Kỳ đã tổ chức nhiều lớp huấn luyện chính trị, quân sự ngắn ngày cho cán bộ trong vùng, đây còn là nơi Ban cán sự Đảng huyện Đồng Hỷ được thành lập.

 

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xã Bá Sơn là nơi đóng quân, đào tạo, huấn luyện, tập kết, trung chuyển của nhiều cơ quan, đơn vị quân đội như: Văn phòng của Cục Quân giới; Văn phòng Cục Quân y; Trạm Quân y, Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, trực thuộc Bộ Quốc phòng (tiền thân của Trường Lục quân Việt Nam), Trường Bổ túc cán bộ Liên khu Việt Bắc (còn gọi là Trường Lý Thường Kiệt), Trung đoàn 246 (Sư đoàn 250).

 

Với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, cán bộ và nhân dân Bình Sơn đã góp nhiều sức người, sức của chi viện cho chiến trường những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Cả xã có 8 gia đình được công nhận là “Gia đình có công với nước”; 8 lão thành cách mạng và tiền khởi nghĩa, một Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 6 Mẹ Việt Nam Anh hùng, gần 300 liệt sĩ, thương, bệnh binh... Năm 1981, Thủ tướng Chính phủ đã tặng “Bằng Có công với nước” cho nhân dân xóm Bình Định. Năm 1999, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Bình Sơn được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

 

Trong câu chuyện với các tổ viên sưu tầm tư liệu của xã Bình Sơn, chúng tôi được biết, quá trình thu thập thông tin có thuận lợi là Đảng bộ xã đã phát hành lịch sử Đảng bộ xã giai đoạn 1946-2006 vào năm 2010. Ngoài cuốn Lịch sử Đảng bộ xã, các bản kê khai của nhân chứng, các hiện vật chứng minh quá trình hoạt động của các nhân chứng tại địa phương cũng được lưu giữ cẩn thận tại phòng truyền thống UBND xã và Bảo tàng tỉnh. Do vậy, những cứ liệu về hoạt động cách mạng của cá nhân và các tập thể trong xã Bình Sơn là cơ sở chính xác để lập hồ sơ khoa học.

 

Tuy nhiên, các thành viên trong tổ sưu tầm khoa học cũng gặp một số khó khăn khi bổ sung thêm các tư liệu thì các nhân chứng đều đã mất. Ông Nguyễn Hoài Phương, Phó Chủ tịch HĐND xã Bình Sơn, tổ viên tổ hồ sơ khoa học đề nghị công nhận xã “An toàn khu” của xã cho biết: Có nhân chứng là cụ Nguyễn Thị Ân, cán bộ phụ nữ xã trước đây từng phục vụ nước và hậu cần cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV được tổ chức tại xóm Cây Lá vào tháng 4-1951 thì nay đã 90 tuổi, sức khỏe giảm sút nên chúng tôi phải đến nhiều lần hỏi han, chuyện trò và ghi chép. Do thời gian đã lâu nên các gia đình có công và cán bộ lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa không còn lưu giữ được nhiều tư liệu liên quan đến hoạt động cách mạng của các cụ, nhất là thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của cấp trên, sự quyết tâm của các tổ viên Tổ hồ sơ khoa học mà hiện nay, xã đang hoàn thiện dự thảo, từng bước hoàn chỉnh hồ sơ khoa học trình các cấp có thẩm quyền để công nhận Bình Sơn là xã ATK. Đối chiếu với các tiêu chí xã An toàn khu theo Quyết định số 897/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì xã đạt 4/5 tiêu chí, đáp ứng yêu cầu được công nhận.

 

Ông Dương Hồng Vượng, Bí thư Đảng ủy xã Bình Sơn cho biết: Chúng tôi hy vọng các cấp chính quyền quan tâm, xem xét để xã sớm được công nhận là xã ATK. Đó không những là vinh dự cho nhân dân vùng quê cách mạng anh hùng mà cả với T.P Sông Công.