Bác Hồ viết Di chúc

09:34, 19/05/2017

Sáng tháng năm ấy,... trời cao và trong xanh. Mây trắng lững lờ trôi trên bầu trời Ba Đình. Trong vườn Bác, chim nhảy chuyền cành gọi nhau ríu rít. Đó là buổi sáng thứ hai, mồng 10 tháng 5 năm 1965 không thể nào quên, khắp nơi trong cả nước đang sôi nổi thi đua lập thành tích mừng thọ Bác 75 tuổi.

Bác Hồ vẫn ung dung như thường lệ. Tôi theo Bác lên nhà sàn, báo cáo công việc chính trong tuần. Cành phượng là là trên mặt nước, nụ hoa đã nở đỏ. Đàn cá đớp động, đáy nước lung linh mây trời.

 

Đúng 9 giờ, Bác Hồ ngồi chăm chú viết, phòng làm việc trên nhà sàn càng yên tĩnh. Gió mát dịu thoang thoảng hương thơm của hoa vườn. Chính vào giờ phút đó, Bác Hồ đặt bút viết những dòng đầu tiên vào tài liệu “Tuyệt đối bí mật” để dặn lại mãi mãi mai sau.

 

Mở đầu bản viết, Bác ghi rõ: "Nhân dịp mừng 75 tuổi". Bác ghi thêm hàng chữ "Tuyệt đối bí mật".

 

Ngày 10  tháng 5 năm 1965 ấy, Bác viết:

 

"Năm nay tôi đã 75 tuổi. Tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn mạnh khoẻ. Tuy vậy, tôi cũng đã là lớp người "xưa nay hiếm". Ai đoán tôi sẽ sống và phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng mấy năm, mấy tháng nữa.

 

Vì vậy, tôi để lại mấy lời này, chỉ nói tóm tắt vài việc thôi. Phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê nin và các vi cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột".

 

Bên ngoài, mặt trời đã lên cao. Nắng tháng Năm vàng óng như tơ, nhuộm đỏ rực những chùm hoa phượng vừa hé nở, khiến cả khu vườn quanh nhà Bác như được khoác màu áo mới.

 

Đúng 10 giờ. Một giờ đã qua, Bác gấp những tờ giấy "Tuyệt đối bí mật" lại, cẩn thận cho vào phong bì rồi để vào ngăn trên giá sách. Bác Hồ lại bình thản trở về với công việc hàng ngày của vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng, của người hoạt động không biết mệt mỏi cho phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

 

Sáng hôm sau, thứ ba tháng 5 năm 1965, đúng 9 giờ, Bác lấy chiếc phong bì đựng tài liệu “Tuyệt đối bí mật" từ trên giá sách xuống, ngồi vào bàn, chăm chú viết.

 

Hôm nay, Bác viết về Đảng, về đoàn kết, về đạo đức cách mạng: "Trước hết nói về Đảng. Nhờ đoàn kết chặt chẽ một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác". "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình". "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng". "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".

 

Ngay trong cuộc sống hàng ngày Bác cũng không dành cho mình một sự ưu ái đặc biệt nào. Những ngày đầu mới giành được chính quyển, Bác cũng ăn cơm chung với anh em trong cơ quan ở Bắc Bộ phủ, cũng một suất ăn bình thường như các đồng chí khác. Trở về Hà Nội lần thứ hai, sau kháng chiến chống Pháp, là Chủ tịch nước nhưng Bác không ở Dinh toàn quyền lộng lẫy, khang trang mà ở ngôi nhà của một người thợ điện cũ, chỉ có ba phòng nhỏ đơn sơ. Cho đến ngày 17-5-1958 thì chuyển hẳn sang ngôi nhà sàn gỗ, mỗi phòng chỉ vẻn vẹn chưa đầy 10 mét vuông. Cũng như đôi dép lốp, chiếc quạt lá cọ, bộ quần áo ka ki đã sờn.

 

Sáng nay, đúng 9 giờ, Bác lại ngồi viết tiếp tài liệu "Tuyệt đối bí mật": "Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa, vừa "hồng" vừa "chuyên". "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết". "Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng" .

"Đảng ta cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân".
"Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn".

"Còn non, còn nước, còn người
Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay".

"Dù khó nhọc, gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi, đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta, Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc".

 

Sáng 13 tháng 5 năm 1965, khi viết tiếp tài liệu "Tuyệt đối bí mật", trong phần "Về phong trào cộng sản thế giới", Bác Hồ dã dặn lại những lời tâm huyết: "Tôi tin rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại".

 

Chiều nay, Bác dành gấp đôi thời gian, từ 14 giờ đến 16 giờ cho tài liệu "Tuyệt đối bí mật" : "Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng". "Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên, và nhi đồng". "Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thiếu niên, nhi đồng quốc tế".

"Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dưng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".

 

Đúng hẹn, đồng chí Lê Duẩn sang gặp, cũng vừa lúc Bác đánh máy xong tài liệu "Tuyệt đối bí mật" vào lúc 16 giờ ngày 14 tháng 5 năm 1965.

 

18 giờ, các đồng chí Bộ Chính trị và một số đồng chí Trung ương "đột kích" vào chúc thọ Bác, một bó hoa tươi được đặt trang trọng giữa bàn.

 

Đồng chí Trường Chinh đứng dậy hường về phía Bác Hồ:

 

- Thưa Bác, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75 của Bác, chúng tôi thay mặt Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xin kính chúc Bác mạnh khoẻ, sống lâu.

 

Mọi người vỗ tay nhiệt liệt.

 

Bác xúc động nói:

 

- Bác cảm ơn các chú đã có lòng, nhưng trong lúc toàn dân ta đang kháng chiến gian khổ, mọi công việc hết sức khẩn trương mà lại đi tổ chức chúc thọ một cá nhân như thế này là không nên.

 

- Thưa Bác, chúng tôi có chuẩn bị rồi ạ!

 

Bác vui vẻ mời mọi người ăn bánh, ăn kẹo và dặn nhớ để phần cho các thím và các cháu ở nhà nữa.

 

Tất cả cười vang, đầm ấm, chan hoà.

 

19 giờ 30, Bác đến dự mít tinh của thiếu nhi Thủ đô.

 

21 giờ, Bác trở về tới Phủ Chủ tịch. Đêm tháng Năm trong lành, mát rượi. Hàng vạn vì sao lung linh đáy nước. Đêm yên tĩnh và thiêng liêng quá. Tưởng như nghe được cả hơi thở của cây lá trong vườn. Dạ hương đón Bác bằng hương thơm quen thuộc. Tôi im lặng đi bên Bác, đưa Bác lên nhà sàn. Bác giao chiếc phong bì to cho tôi và dặn:

 

- Chú cất giữ cẩn thận, sang năm, mồng 10 tháng 5 nhớ đưa lại cho Bác.

 

Ngày 10 tháng 5 năm 1969, Hội nghị Trung ương họp ở nhà khách Hồ Tây. Anh Ba Duẩn mời Bác đến dự vì lần này có một số đồng chí ở miền Nam ra.

 

Trở về đến nhà sàn đã hơn 9 giờ. Bác bảo tôi chuẩn bị tài liệu cho Bác. Lần đầu tiên trong bốn năm Bác viết và sửa chữa Di chúc từ 9 giờ 30 đến 10 giờ 30.

 

Hôm nay Bác viết lại toàn bộ đoạn mở đầu:

 

"Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn. Tôi có ý đinh đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam, Bắc để thăm lại đồng bào, cán bộ và chiến sĩ, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta.

"Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm viếng và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa và các nước bầu bạn khắp năm châu, đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ chúng ta trong cuộc chống Mỹ cứu nước.

"Ông Đỗ Phủ là người làm thơ rất nổi tiếng ở Trung Quốc đời nhà Đường, có câu rằng: "Nhân sinh, thất thập cổ lai hy", nghĩa là người thọ 70, xưa nay hiếm".

"Năm nay tôi vừa 79 tuổi, đã là lớp người "xưa nay hiếm", nhưng tinh thần, đầu óc vẫn sáng suốt như thường, tuy sức khoẻ có kém so với hai năm trước đây. Điều đó cũng thường thôi. Khi người ta đã ngoài 70 tuổi thì tuổi tác càng cao, sức khoẻ càng thấp".

"Ai mà đoán biết tôi còn phục vụ cách mạng, phục cụ Tố quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa".

 

Như vậy là đến ngày 10  tháng 5 năm 1969, Bác đã viết xong toàn bộ bản Di chúc lịch sử, bắt đầu từ ngày 10 tháng 5 năm 1965.

 

Mùa thu đã đến, có ai ngờ lại là mùa thu cuối của cuộc đời Bác Hồ.

 

Di chúc Bác Hổ chính là dòng nước mát lành sẽ mãi mãi góp phần làm cho non sông đất nước ta trở thành mùa xuân bất tận.

 

* (Trích Hồi ký "Bác Hồ viết di chúc" của đồng chí
Vũ Kỳ - Thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh)