Bản Quyên hôm nay

07:48, 18/05/2017

Những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi về thăm xóm Bản Quyên, xã Điềm Mặc (Định Hóa) nơi có di tích Đồi Khau Tý là địa điểm đầu tiên Bác Hồ đã từng ở và làm việc tại An toàn khu (ATK) Định Hóa trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đã 70 năm trôi qua kể từ ngày Bác Hồ đặt chân đến, Bản Quyên hôm nay đã đổi thay rất nhiều, cuộc sống no ấm, đầy đủ đang hiện hữu ở từng hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Ngược dòng lịch sử, vào ngày 20-5-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn đồi Khau Tý, thuộc xóm Bản Quyên, xã Điềm Mặc làm điểm dừng chân đầu tiên khi đến ATK Định Hóa để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tại đây, Bác Hồ cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng quyết định đến vận mệnh của dân tộc. Trong đó có Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng 15-10-1947 để ra Chỉ thị “Phải phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp lên căn cứ địa Việt Bắc”. Cũng trong thời gian ở đồi Khau Tý (từ ngày 20-5 đến tháng 10-1947), Bác đã viết “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp”; tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” - tài liệu quan trọng về xây dựng Đảng, học tập, tu dưỡng tư tưởng đạo đức và tác phong làm việc của cán bộ, đảng viên; ký Sắc lệnh lấy ngày 27-7 là Ngày Thương binh, liệt sĩ... Với ý nghĩa lịch sử đó, năm 2007, Di tích đồi Khau Tý được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia. Cùng với đó, Bản Quyên cũng được Nhà nước đầu tư để phát triển Làng du lịch cộng đồng nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc.

 

Đến Bản Quyên hôm nay, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước những đổi thay của miền quê cách mạng từng được coi là “thâm sơn cùng cốc”. Con đường dẫn vào di tích đồi Khau Tý - nơi ghi lại bao dấu tích lịch sử thiêng liêng của một thời cách mạng đã được đổ bê tông rộng rãi, uốn lượn quanh các đồi cọ, nương chè xanh mát mắt. Bên nếp nhà sàn, lũ trẻ đang hồn nhiên nô đùa tung tăng trong nắng mới… Tất cả những hình ảnh thân thương ấy đã ghép thành một bức tranh đa màu sắc về một vùng quê cách mạng đang đổi mới từng ngày.

 

Ông Ma Đình Hiệu, Trưởng Bản Quyên chia sẻ: Phát huy truyền thống cách mạng, những năm qua, người dân trong bản luôn động viên nhau đoàn kết, sáng tạo trong lao động sản xuất. Nhờ đó, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Hiện nay, xóm có 38 nóc nhà nhưng chỉ còn 13 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt gần 20 triệu đồng/người/năm. Xóm đã xây dựng được nhà văn hóa khang trang. 100% các hộ gia đình đã mua sắm được tivi, xe máy. 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Tất cả trẻ em trong độ tuổi đến trường đều được đi học đầy đủ… Đây là kết quả của sự phấn đấu không ngừng của người dân Bản Quyên, cũng như sự đầu tư có hiệu quả của Đảng, Nhà nước cho vùng căn cứ địa cách mạng.

 

Nếu như trước kia, kinh tế của đồng bào ở Bản Quyên chỉ dựa vào cây trồng truyền thống là cây lúa và cây ngô, cuộc sống quanh năm vất vả nhưng cũng chỉ đủ ăn. Thì nay, các hộ gia đình trong xóm đã mạnh dạn đầu tư thâm canh, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế gia trại mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những loại cây trồng mới như: Ngô lai, lạc, khoai tây, bí đỏ, khoai lang… được trồng ngày càng phổ biến đã góp phần nâng cao thu nhập cho bà con. Song song với đó, người dân trong xóm đã chuyển đổi những diện tích chè trung du cho năng suất thấp sang trồng các loại chè cành cho năng suất, sản lượng cao. Hiện xóm có trên 5,5ha chè, trong đó có 3ha chè cành. Sản lượng chè búp tươi của toàn xóm đạt trên 60 tấn/năm. Với mức giá trung bình 100-120 nghìn đồng/kg chè búp khô, thu nhập bình quân của người dân làm chè đạt trên 20 triệu đồng/người/năm. Không chỉ tập trung phát triển nông nghiệp, vài năm trở lại đây, Làng văn hóa du lịch Bản Quyên còn thu hút rất đông du khách đến thăm quan, góp phần tạo đà cho địa phương phát triển kinh tế gắn với du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Chứng kiến những đổi thay mạnh mẽ của quê hương, cụ Ma Đình Bài, năm nay 82 tuổi không khỏi tự hào cho biết: Từng con sông, con suối, vạt đồi, cánh đồng nơi đây đều gắn liền hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Mỗi địa danh đều mang giá trị lịch sử to lớn và là tài sản vô giá của đất nước, của dân tộc Việt Nam nói chung và của đồng bào nhân dân các dân tộc huyện Định Hóa nói riêng. Chính vì vậy, chúng tôi luôn động viên, bảo ban con cháu phải tích cực lao động sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo để xứng đáng với truyền thống cách mạng của quê hương. Đồng thời, phải có ý thức chăm lo và bảo vệ các di tích lịch sử để những di tích không bị mai một theo thời gian.

 

Những ngày này, cùng với các địa phương trong tỉnh, người dân xóm Bản Quyên đang tưng bừng chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ về ATK Định Hóa cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (20-5) và 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5). Từ trước đây cả tháng, bà con nhân dân trong xóm đã tập trung cùng nhau phát quang đường làng, ngõ xóm, vệ sinh, chỉnh trang khu khuôn viên Nhà văn hóa để sẵn sàng đón du khách khắp nơi đến tham quan. Những tiết mục đàn tính, hát then đặc trưng nhất cũng đang được đội văn nghệ của xóm tập luyện, chuẩn bị để tham gia Chương trình giao lưu, tọa đàm, gặp mặt nhân chứng lịch sử diễn ra vào tối 18-5 tại Di tích đồi Khau Tý.