Khởi sắc ở Tiên Phong

14:12, 16/05/2017

Những câu thơ trong bài “Thăm cơ sở cách mạng” của cố Tổng Bí thư Trường Chinh khi ông trở về thăm Tiên Phong (T.X Phổ Yên) năm 1981 đã nói lên nghĩa tình cũng như đóng góp quan trọng của mảnh đất và con người nơi đây đối với cách mạng trong kháng chiến chống Pháp:


“Tiên Thù cơ sở năm xưa

Chở che, đùm bọc, đón đưa ân cần

Tình dân, nghĩa nước nồng nàn

Bốn mươi năm ấy muôn vàn nhớ mong”…

 

Người dân Tiên Phong tự hào khi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống, cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, nhân dân Tiên Phong cũng có những đóng góp to lớn. Toàn xã có tới 54 gia đình và cá nhân được cấp Bằng “Có công với nước”; 13 điểm di tích được xếp hạng cấp tỉnh và Quốc gia; xã được công nhận là đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Pháp. Có một điều đặc biệt là phần lớn di tích lịch sử trên địa bàn xã chính là nơi ở các gia đình địa phương. Có thể kể đến như: Nhà ông Ngô Hải Long, ở thôn Yên Trung là nơi các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt ở và hoạt động từ năm 1941 đến trước 1945; nhà bà Hoàng Thị Úc, ở thôn Yên Trung là nơi Xứ ủy Bắc kỳ đặt cơ sở in báo Cờ giải phóng năm 1942; những di tích này đã và đang được các gia đình bảo tồn nguyên vẹn để lưu giữ và giáo dục truyền thống cho thế hệ về sau.

 

Ông Nguyễn Văn Giáp, Bí thư Đảng ủy xã Tiên Phong cho biết: Ý thức được giá trị lịch sử to lớn mà cha ông để lại, cùng những vinh dự lớn mà Đảng và Nhà nước trao tặng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã và đang nỗ lực để xây dựng quê hương giàu đẹp. Về Tiên Phong vào những ngày có thể thấy rõ diện mạo nông thôn mới đang hình thành với các điều kiện hạ tầng như: đường giao thông, thủy lợi, trạm y tế, trường học…được xây dựng khang trang. Đặc biệt, kinh tế Tiên Phong thực sự có bước phát triển mạnh mẽ nhờ phát triển các làng nghề trong những năm gần đây. Cả xã hiện có 3 làng nghề là: Giã Trung, Thù Lâm và Hảo Sơn, với khoảng 500 cơ sở hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thu hút hang nghìn lao động. Tính riêng các làng nghề thủ công mỹ nghệ đã đạt doanh thu gần 350 tỷ đồng trong năm 2016. Làng nghề gỗ mỹ nghệ Giã Trung tuy hình thành chưa lâu nhưng đã góp phần vào sự thay đổi lớn về diện mạo nông thôn. Giã Trung có 292 hộ dân thì có đến 180 xưởng mộc, được trang bị 70 máy vi tính đục chạm và xẻ gỗ, thu hút 600 lao động trong xã và vùng lân cận. Năm vừa qua, thu nhập của làng nghề này ước đạt hơn 200 tỷ đồng. Đến thôn Giã Trung và Thù Lâm bây giờ sẽ được chứng khiến không khí làm việc tấp tập của làng nghề, những căn nhà mới mọc lên san sát, cuộc sống sung túc mà ít miền quê nông thôn nào trong tỉnh có thể sánh được.

 

Bí thư Đảng ủy Nguyễn Văn Giáp thông tin thêm với chúng tôi: Tiên Phong hiện đã hoàn thành 16/19 tiêu chí nông thôn mới. Ba tiêu chí còn lại là: giao thông, cơ sở vật chất văn hóa và môi trường sẽ sớm được hoàn thiện trong thời gian gần. Song song với phát triển kinh tế, người dân Tiên Phong luôn ý thức giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống. Vào dịp đầu xuân, hầu hết các thôn trên địa bàn xã vẫn duy trì hội làng với nhiều trò chơi dân gian như: Vật, cướp cầu, bịt mắt bắt dê, leo cầu phao… Ngoài ra, các giải thi đấu thể theo như: bóng đá, cầu lông hay bóng chuyền cũng thường xuyên được tổ chức. Ở Tiên Phong còn có nhiều câu lạc bộ văn nghệ dưỡng sinh, tập luyện và biểu diễn các làn điệu dân ca, chèo cổ. Ông Hoàng Văn Ngân, Bí thư Chi bộ thôn Thù Lâm cho rằng: Chúng tôi luôn nhắc con cháu phát triển kinh tế nhưng phải giữ gìn được bản sắc, xây dựng quê hương giàu đẹp hơn nữa để xứng đáng với truyền thống của quê hương.