Ngày 23-5, Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV bước sang ngày làm việc thứ hai. Buổi sáng, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018.
Tiếp đó, Quốc hội chia tổ thảo luận về hai tờ trình nói trên. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên và các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, Đắk Nông, Hà Giang tham gia tổ thảo luận số 12. Đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên làm Tổ trưởng Tổ thảo luận.
Tại buổi thảo luận tổ, nhiều ý kiến tập trung trao đổi các nội dung của Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Theo đó, ngoài cơ bản nhất trí với các nội dung đã chuẩn bị, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra không ít hạn chế, tồn tại cần chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện. Đại biểu Trần Quốc Tỏ (Đoàn Thái Nguyên) cho rằng, Tờ trình còn nhiều khiếm khuyết về nội dung, hình thức, không ít chỗ câu chữ còn mâu thuẫn, nội dung chưa rõ ràng. Đề nghị, chỉ rõ hạn chế, nguyên nhân và đề xuất giải pháp cụ thể. Nguyên nhân nào thì giải pháp đó. Đại biểu Hoàng Văn Trà (Đoàn Phú Yên) nhấn mạnh: Yêu cầu của mỗi dự án luật rất cao, nhưng bộ máy xây dựng luật còn chưa đáp ứng. Cần giải pháp cụ thể về nhân lực, trên cơ sở không tăng bộ máy biên chế nhưng tăng tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong xây dựng luật.
Đại biểu Lê Thị Nga (Đoàn Thái Nguyên) thẳng thắn: Một số dự án luật không đảm bảo điều kiện về trình tự, hồ sơ, thủ tục, nên ảnh hưởng đến nội dung, chất lượng của luật đó. Với những dự án luật này, đề nghị cương quyết không thông qua. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cần quan tâm, có ý kiến chính thức trước khi trình dự án luật ra Quốc hội xem xét để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp. Đề nghị cơ quan trình dự án luật và cơ quan thẩm tra dự án luật phải theo từ đầu đến cuối, tránh trường hợp trình xong, thẩm tra xong là hết trách nhiệm.
Các đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đắk Nông), đại biểu Hoàng Văn Hùng (Đoàn Thái Nguyên), đại biểu Đinh Văn Nhã (Đoàn Phú Yên) đều cho rằng, nhiều dự án luật chất lượng chưa cao; các loại văn bản hướng dẫn khi ban hành luật còn chưa kịp thời; thời gian xây dựng, ban hành luật còn ngắn nên khó có tính khả thi cao; kế hoạch xây dựng dự án luật chưa hợp lý (trước đây xây dựng kế hoạch 5 năm, nay chỉ còn 1 năm), nên thiếu tầm nhìn dài hạn…
Về Tờ trình dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại. Đại biểu Phan Văn Tường (Đoàn Thái Nguyên) và một số đại biểu khác cho rằng, vì hiệu lực giám sát thấp nên kết quả giám sát cũng như hậu giám sát cần quan tâm, xem xét và có giải pháp cụ thể. Cần thiết phải có nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát. Các đại biểu cũng cho rằng, Quốc hội cần đề nghị Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện theo kết luận giám sát để kiểm điểm rõ những việc đã làm, những việc còn tồn tại. Mặt khác, cần công khai kết quả giám sát rộng rãi để các cơ quan, đơn vị liên quan cùng biết, cùng thực hiện.
Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu làm viêc tại hội trường, nghe lãnh đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo kế hoạch, ngoài thảo luận toàn thể tại hội trường, trong những ngày diễn ra kỳ họp thứ 3, Quốc hội sẽ dành 6 buổi để các tổ thảo luận những nội dung như dự kiến.