"Như còn đâu đây bóng hình của Bác"

16:11, 19/05/2017

Tôi xin mượn lời bài hát “ATK nhớ mãi tên Người” của Nhạc sĩ Lê Tú Anh làm đề tựa cho bài viết về một vùng quê cách mạng - nơi diễn ra Lễ trình Quốc thư đầu tiên của Đại sứ Trung Quốc La Quý Ba lên Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 1-9-1954, tại đồi Giang, xã Tiên Hội (Đại Từ). Vì bởi đã 63 năm trôi qua, nhưng cán bộ, nhân dân nơi đây vẫn luôn nhắc nhớ, tự hào và phát huy truyền thống quê hương cách mạng.

Ông Tô Viết Sơn, Chủ tịch UBND xã Tiên Hội tâm sự: “Thời gian trôi nhanh như bóng câu qua cửa”, khu đồi Giang, xóm Thắng Lợi, nơi diễn ra sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước - Lễ nhận Quốc thư đầu tiên và rất đặc biệt của nước Việt Nam. Tại thời điểm đó, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đang ở Đại Từ, chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, nhưng vẫn chuẩn bị cơ sở trang trọng để tiếp đón Đại sứ Trung Quốc.

 

Đưa chúng tôi lên đồi Giang, đồng chí Trần Đức Sơn, Bí thư Chi bộ xóm Thắng Lợi cho biết: Từ ngày còn nhỏ, tôi đã được nghe các cụ trong xóm kể lại: Hồi bấy giờ, khu vực đồi Giang toàn sim, mua, ít người qua lại, song là vị trí an toàn, vì người dân trong vùng chân chất, một lòng theo Đảng. Còn bà Đặng Thị Minh cho biết: Tôi là người nơi khác về đây làm dâu, được nghe các cụ kể nhiều về những sự việc liên quan đến di tích đồi Giang. Dù không có ai được gặp Bác Hồ, không ai được tận mắt chứng kiến một buổi lễ trang trọng cấp quốc gia, nhưng tất cả mọi người dân trong vùng đều cảm nhận được niềm vinh dự, tự hào. Hiện trong xóm còn có cụ Ngô Thị Cửa, 92 tuổi và cụ Ngô Thị Liệu, 94 tuổi. Các cụ đều tuổi cao, sức yếu, khi nhớ, lúc quên. Còn phần nhiều các cụ của thời bấy giờ đều đã đi về bên kia của thế giới người hiền.

 

Một góc Di tích tại đồi Giang, xóm Thắng Lợi, xã Tiên Hội (Đại Từ).

 

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, thời gian đủ để cho một con người được sinh ra, trưởng thành và lên thiên chức ông, bà. Cũng trong suốt những năm ấy, các thế hệ con, cháu của vùng đất xã Tiên Hội, lớp trước, lớp sau bền bỉ khắc phục khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng, cùng chung sức xây dựng quê hương. Hiện xã Tiên Hội có 1.810 hộ, 6.727 nhân khầu, 16 xóm. Đảng bộ có 217 đảng viên, 21 chi bộ, trong đó có 16 chi bộ nông thôn. Năm 2015, Tiên Hội là một trong những xã đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên “cán đích” Chương trình xây dựng nông thôn mới.

 

Đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của người dân được nâng cao, nhưng các thế hệ con, cháu của vùng đất cách mạng Tiên Hội luôn khắc cốt, ghi tâm, nhắc nhớ nhau về một thời đầy ắp niềm tự hào dân tộc. Từ vùng đất cách mạng Thái Nguyên, năm xưa đã có những đoàn quân ngược đường lên Tây Bắc, cùng quân, dân cả nước làm lên một thiên sử vàng - Điện Biên Phủ.

 

Tây Bắc xưa chị gánh, anh thồ và âm vang câu hò kéo pháo vào trận địa của bộ đội, dân công, để bây giờ những con đường, vùng đất từ Thủ đô kháng chiến lên Điện Biên Phủ trở thành những địa danh lịch sử. Làng quê Tiên Hội còn khắc ghi dấu tích nơi đồi Giang, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và Cộng hoà nhân dân Trung Hoa thiết lập quan hệ ngoại giao. Năm 2011, Di tích nơi Đại sứ quán Trung Quốc trình Quốc thư với Chính phủ Việt Nam, được UBND tỉnh Thái Nguyên quyết định công nhận là di tích cấp tỉnh.

 

Chúng tôi bước lên từng thềm bậc, đến trước một khoảng đất bằng trên đồi Giang. Thấy ngay trước mặt một ngôi nhà lớn, rộng, thoáng được làm bằng các vật liệu tre, gỗ, lá. Theo lời kể của các cụ thì đó là một biệt thự đẹp của thời bấy giờ. Công trình do Kiến trúc sư Hoàng Như Tiếp thiết kế, làm theo phong cách cách biệt thự ở Hà Nội. Nhà có đầy đủ các phòng tiếp khách, khánh tiết, hành lang… đầy đủ các phòng để nghi lễ diễn ra trang trọng nhất. Chúng tôi biết, đây là công trình được cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên phục dựng, tôn tạo lại y “bản chính”. Bảo đảm được sự thâm nghiêm, đồng thời gợi mở được trong ký ức mỗi người dân và du khách khi đến thăm di tích này.

 

Từ sân của ngôi nhà, có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát cả một vùng đất rộng lớn của huyện Đại Từ, như dãy núi Hồng ở phía xa, và ngay dưới chân đồi Giang là dòng sông Công mang nước mát lành làm nên huyền thoại Hồ Núi Cốc. Từng bậc thềm từ chân lên đến đỉnh đồi được gia cố bằng xi măng, cát. Một số công trình như: Nhà đón tiếp, nhà bia được xây dựng mới, màu đỏ trên mái, màu sơn tường còn sáng láng; giữa các công trình trong quần thể Di tích được kết nối bằng đường bê tông sạch đẹp, dọc bên đường trong khu vực khuôn viên di tích, cây xanh bóng mát mới được trồng trong những năm gần đây đang vươn cao, hướng ánh mặt trời. Tất cả tạo nên một cảnh quan sinh động, sông - núi hữu tình. Ông Đàm Văn Tâm, người dân ở gần khu Di tích nói thủ thỉ: Có một thời gian dài, khu đất này được nhân dân địa phương đến làm nhà ở. Có tất cả 9 hộ. Nhưng khi Đảng, Nhà nước đầu tư xây dựng di tích, bà con đã chấp hành, dời chuyển nhà, trả lại mặt bằng cho di tích. Chỉ tiếc là khi dời chuyển đi, có những cây mít to bằng cả người ôm chưa xuể bị đốn hạ. Khi nhận ra, cả người trồng, người chặt đều thấy tiếc.

 

Có một điều quan tâm là khi đến thăm di tích đồi Giang, tôi được nhiều bà con trò chuyện cởi mở, thân thiện. Nhiều người còn kể cho tôi nghe về di tích như một bài học thuộc lòng. Bà Trần Thị Tuyển cho biết: Di tích có tổng diện tích 2,2ha. Có cảnh quan đẹp, mong một ngày không xa, ngoài ý nghĩa về giá trị lịch sử, Di tích còn là một điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách trong, ngoài nước.

 

Mải chuyện, mặt trời đứng bóng từ khi nào không hay, chúng tôi vội xuống chân đồi Giang. Vẫn từng bậc lên, xuống ấy mà cảm nhận có gì đó ấm áp, gần gụi. Chợt từ một ngôi nhà dân gần đó, có giọng hát trong trẻo ngân nga: “Như còn đâu đây bóng hình của Bác/ Một ngày tháng Năm Bác về…”.

 

Vâng! Năm xưa, Bác Hồ đã về đây để thực hiện một nghi lễ trọng đại Quốc gia. Nghi lễ đánh dấu mốc son lịch sử quan trọng trong mối quan hệ lâu đời giữa 2 nước Việt Nam - Trung Hoa. Người dân Tiên Hội có quyền tự hào vì được sinh ra, lớn lên ở vùng đất được Đảng, Bác Hồ, Chính phủ lựa chọn làm nơi để nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Nhà nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Nay là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.