Thẳng thắn, không né tránh

20:20, 17/05/2017

Tại 4 tổ thảo luận, các đại biểu (ĐB) HĐND tỉnh và đại biểu mời đã có nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn tham gia vào các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp thứ 4. Nhiều vấn đề cử tri quan tâm đã được đưa ra phân tích, mổ xẻ, đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải trình, làm rõ. Báo Thái Nguyên lược ghi một số ý kiến thảo luận tại các tổ.

Tái cơ cấu nông nghiệp quá chậm

 

ĐB Lê Văn Tâm (Tổ ĐB T.X Phổ Yên) cho rằng, tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh quá chậm so với cả nước. Hiện tại, có những tỉnh đã tiến hành sơ kết 2 năm, 3 năm thực hiện nội dung này. Nguồn ngân sách của tỉnh dành cho thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 lên tới trên 700 tỷ đồng, nhưng mục tiêu đề ra còn chung chung. Đề nghị UBND tỉnh chỉ rõ mục tiêu cụ thể, hiệu quả sẽ đạt được ra sao. ĐB Nguyễn Hoàng Mác (Tổ ĐB T.P Thái Nguyên) cũng cho rằng, Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp còn thiếu cụ thể, chủ yếu hô khẩu hiệu. Thời gian 3 năm triển khai không nhiều nên càng cần phải chi tiết, cụ thể.

 

ĐB Lương Văn Lành (Tổ ĐB Định Hóa) và một số ĐB đề nghị, cần xác định rõ cơ chế và giải pháp cụ thể để hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh quy mô lớn. Cần quan tâm đến việc tìm kiếm thị trường, tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, tránh tình trạng “được mùa, mất giá”. Cần đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến nông sản để giải quyết tình trạng hàng nông sản dư thừa như hiện nay. Còn ĐB Đinh Hồng Thanh (Tổ ĐB Phú Bình) cũng cho rằng, để tái cơ cấu thành công, đầu tiên phải thực hiện dồn điền đổi thửa, nhưng trong Đề án chưa đề cập nhiều đến điều này. Do đó, rất cần có giải pháp, cơ chế cụ thể về dồn điển đổi thửa nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Theo một số ĐB, cần làm điểm việc dồn điền đổi thửa tại một số địa phương để từ đó đánh giá rút kinh nghiệm và nhân rộng.

 

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thiếu khả thi?

 

ĐB Ngô Quảng Bá (Tổ ĐB T.P Sông Công), ĐB Nguyễn Thị Mai (Tổ ĐB Phú Lương) và một số ĐB băn khoăn, Đề án Phát triển nông nghiệp công nghệ cao chỉ đề cập đến việc phát triển 3 loại cây đó là: lúa, chè và rau. Nên chăng, chọn cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng đất để phát triển từng loại cây. ĐB Phan Thị Thu Hằng (Tổ ĐB T.P Thái Nguyên) cho rằng, các chỉ tiêu, nguồn lực thực hiện, giải pháp đề ra cần phải hết sức cụ thể, có mối liên hệ chặt chẽ giữa tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

 

ĐB Mai Thị Thúy Nga (Tổ ĐB Phú Bình) đề nghị, cần quy định rõ đối với mỗi chủ thể thực hiện ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao sẽ được hưởng tất cả 6 chính sách hay chỉ được hưởng một chính sách hỗ trợ? Đề nghị giảm quy mô về diện tích, công suất để các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã có thể tiếp cận Đề án. ĐB Dương Văn Lượng (Tổ ĐB Phú Bình) và ĐB Nguyễn Thị Hà (Tổ ĐB Đồng Hỷ) cho rằng, cần đề cao vai trò của doanh nghiệp trong đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; xác định số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để có các chính sách hỗ trợ cụ thể như vốn, đất đai, bảo hiểm...

 

Cần giải pháp giảm nghèo hiệu quả

 

ĐB Nguyễn Thanh Tùng (Tổ ĐB Phú Lương) và nhiều ĐB phân tích: Tỷ lệ hộ nghèo hiện nay của tỉnh còn quá cao, nên cần đánh giá các nguyên nhân cụ thể để đưa ra giải pháp giảm nghèo hiệu quả trong thời gian tới. Phải tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Việc bình xét hộ nghèo hàng năm trên địa bàn vẫn còn hạn chế, có nơi bình xét chưa đúng nên dẫn đến trường hợp được hưởng hộ nghèo chưa chính xác.

 

ĐB Hà Thị Hường (Tổ ĐB Phú Lương) và một số ĐB cho rằng, cần xác định nhóm hộ nghèo cần hỗ trợ để thoát nghèo vì thực tế có nhiều trường hợp là hộ nghèo nhưng không có khả năng thoát nghèo (khuyết tật, không còn khả năng lao động…) để từ đó có kết quả khả quan hơn. Mặt khác, cần quan tâm đến đối tượng là những hộ cận nghèo, giúp họ tiếp cận vốn vay ưu đãi thuận lợi hơn. Mục tiêu đề ra, có 80% tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận vốn vay là còn thấp, cần nâng lên mức 90%. Thực tế, nhiều hộ cận nghèo khi không tiếp cận được vốn vay đã trở thành hộ nghèo.

 

ĐB Dương Văn Tiến (Tổ ĐB Võ Nhai) đề nghị, nên điều chỉnh chỉ tiêu phấn đấu hằng năm giảm bình quân tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn từ 3,5-5% xuống còn 3-4% cho phù hợp với Chương trình giảm nghèo bền vững của Trung ương.

 

Có cơ chế tức thời sau điều chỉnh địa giới hành chính

 

ĐB Phạm Văn Sỹ (Tổ ĐB Đồng Hỷ) nêu ý kiến, Đồng Hỷ đã triển khai thực hiện lấy ý kiến nhân dân và tạo được sự đồng thuận cao. Tuy nhiên, tỉnh cần có cơ chế xem xét, sử dụng cơ sở vật chất của địa phương hợp lý. Ví dụ, Bệnh viện huyện, nếu bỏ không sẽ rất lãng phí, có thể nâng cấp, cải tạo thành bệnh viện cấp tỉnh phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân. Cùng chung quan điểm trên, ông Nguyễn Vy Hồng, Giám đốc Sở Y tế (ĐB mời) đề nghị, đối với huyện Đồng Hỷ, việc xây dựng bệnh viện mới gần trung tâm hành chính sẽ khó khăn về kinh phí, nếu giữ lại để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân sẽ thuận tiện, phù hợp nhất về vị trí địa lý, nếu phá đi sẽ gây lãng phí.

 

Một số ĐB khác đề nghị, việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính của một số địa phương về T.P Thái Nguyên là chủ trương đúng đắn được nhân dân đồng tình. Nhưng phải có kế hoạch cụ thể để giải quyết những phát sinh trước mắt, có tác động trực tiếp đến các cơ quan Nhà nước cùng nhiều cán bộ, nhân dân sở tại. Thực tế, dư luận ở các địa phương trong diện điều chỉnh tỏ ra lo lắng, mong chờ vì chưa biết sẽ được sắp xếp cụ thể ra sao.

 

Cần giải pháp quyết liệt đảm bảo an toàn giao thông

 

Nhiều ĐB cho rằng, tình trạng tai nạn giao thông trên địa bàn và trong cả nước có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên thời gian vừa qua xảy ra liên tục các vụ tai nạn nghiêm trọng. Một số địa phương có số vụ tai nạn giao thông tăng đột biến. Do đó, cần giải pháp quyết liệt hơn nữa. ĐB Nguyễn Như Tuấn (Tổ ĐB Phú Bình) sau khi cung cấp nhiều thông tin liên quan đã đề nghị, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức tham gia giao thông đối với mọi tầng lớp, trong đó tập trung vào đối tượng là thanh, thiếu niên. Còn ĐB Nguyễn Văn Đồng (Tổ ĐB T.P Thái Nguyên) cho rằng, chất lượng các cơ sở đào tạo lái xe ô tô hiện nay rất thấp, dẫn đến kết quả đào tạo cũng thấp theo. Do đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn. ĐB Phạm Văn Thọ (Tổ ĐB T.X Phổ Yên) cho biết, UBND tỉnh đang đề nghị bố trí 4,4 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để xây dựng các trạm cấp cứu y tế trên các tuyến đường. Tuy nhiên, cần phải làm rõ tính hiệu quả của các trạm này ra sao, nhân lực phục vụ trạm thế nào, tránh trường hợp lãng phí…

 

Và những vấn đề khác

 

- Về Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản của tỉnh giai đoạn 2016-2025: ĐB Đặng Xuân Trường (Tổ ĐB Võ Nhai) đề nghị, cần quy định rõ trách nhiệm cụ thể của các đơn vị khai thác khoáng sản đối với địa phương trong việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và sự xuống cấp của hạ tầng giao thông do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra. Đồng thời, cần có cơ chế hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân địa phương nơi diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là đối với người dân ở khu vực miền núi, vùng cao… Cần tiến hành rà soát lại toàn bộ các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn để kịp thời phát hiện và xử lý những dự án gây ô nhiễm môi trường và tác động xấu đến cuộc sống của người dân.

 

- Về Chương trình phát triển văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh giai đoạn 2017-2020: ĐB Chu Thị Thúy Hà (Tổ ĐB Định Hóa) cho rằng, hiện nay hầu hết các thư viện cấp huyện và điểm bưu điện văn hóa xã đều hoạt động không hiệu quả. Vì vậy, cần rà soát, đánh giá lại hiệu quả hoạt động của toàn bộ các thư viện cấp huyện và điểm bưu điện văn hóa xã trên địa bàn để có giải pháp xử lý. Ngoài ra, cần bổ sung thêm các tủ sách hoặc thư viện tại các nhà văn hóa xóm, tổ dân phố để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, tiếp cận thông tin của người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. 

 

- Về Chương trình phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân của tỉnh giai đoạn 2017-2020: ĐB Cao Việt Hùng (Tổ ĐB Đại Từ) cho rằng, hiện nay hoạt động của các Trung tâm Y tế và Phòng Y tế cấp huyện đang có sự chồng chéo, không rõ ràng. Vì vậy, cần sớm có phương án sáp nhập 2 đơn vị này để hoạt động hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, hiện nay, tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh diễn ra ngày càng phổ biến. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm đưa ra giải pháp hạn chế tình trạng này.