Tác giả Mai Thắng (thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã giành giải Nhất cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 8 với tác phẩm “Dì Mười 25 năm lặng thầm làm việc nghĩa”.
Ngoài giải Nhất, Ban tổ chức còn chọn được 14 tác phẩm xuất sắc khác để trao giải, gồm có 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 9 giải Khuyến khích. Lễ trao giải thưởng cuộc thi viết và giao lưu nghệ thuật chủ đề “Ngời sáng những người con trung hiếu” sẽ diễn ra tối 8/6 tại Hà Nội. Đây là thông tin do Ban tổ chức cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 8 cung cấp tại cuộc họp báo diễn ra tại Hà Nội ngày 1/6.
Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết: Trong số hàng trăm tác phẩm của các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên ở mọi miền đất nước gửi về tham dự cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 8, Ban tổ chức đã lựa chọn hơn 130 tác phẩm đăng tải trên các ấn phẩm của Báo Quân đội Nhân dân và Báo Quân đội Nhân dân điện tử. Hội đồng chung khảo với sự tham gia của các nhà báo lão thành Hà Đăng, Phan Quang cùng nhiều nhà báo uy tín khác đã chọn 15 tác phẩm xuất sắc nhất để Ban tổ chức trao giải thưởng.
Theo Ban tổ chức: Các tác phẩm dự thi đã phát hiện, phản ánh nhiều tấm gương điển hình là cán bộ, đảng viên, người có công, người dân thuộc mọi ngành nghề, lĩnh vực. Trong đó có những người đã âm thầm cống hiến cho đất nước, cộng đồng, làm được nhiều việc tốt, bình dị nhưng có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, thực sự là những điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Họ có một điểm chung đáng quý là thầm lặng làm việc tốt, việc thiện; sẵn sàng nhận việc khó, phần thiệt thòi về mình; nỗ lực cống hiến cho xã hội, cộng đồng mà không hề nghĩ đến phần thưởng hay trở thành người “nổi tiếng”.
“Dì Mười 25 năm lặng thầm làm việc nghĩa” là tác phẩm giành giải Nhất cuộc thi, tác giả Mai Thắng viết về tấm gương của dì Mười, (tên thật là Lê Thị Tám, một nữ cựu tù Côn Đảo, 86 tuổi). Đây là một phụ nữ không chỉ có tấm lòng nhân ái, mà còn là tấm gương sáng về đức hy sinh thầm lặng, quên mình vì cộng đồng. Tuy tuổi cao, sức yếu nhưng bà luôn giành tâm huyết các công việc thiện nguyện, giúp đỡ cho nhiều đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, đã không ngần ngại bán căn nhà đang ở để giành một phần tiền mua 14 tấn gạo, nhiều vật chất khác tặng đồng bào 4 tỉnh miền Trung bị lũ lụt năm 1999; dành dụm, gom góp tiền lương để tặng các gia đình thân nhân liệt sĩ…
Lễ tổng kết, trao giải cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” và chương trình giao lưu nghệ thuật “Ngời sáng những người con trung hiếu” sẽ giúp khán giả hiểu hơn về những tấm gương bình dị mà cao quý này. Họ là những tập thể, cá nhân tiêu biểu luôn đề cao nghĩa vụ công dân, hết lòng phụng sự Tổ quốc, thực sự là “công bộc” của nhân dân. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng chiếu các phóng sự sinh động, hấp dẫn; các nghệ sỹ trình diễn c nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc ca ngợi Đảng, Bác Hồ, đất nước và quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng…
Tại lễ trao giải, Ban tổ chức tiếp tục phát động cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 9 (2017-2018) dành cho các công dân Việt Nam. Theo đó, ban tổ chức nhận bài dự thi ở các thể loại bút kí, phóng sự, phóng sự điều tra, bài phản ánh, ghi chép, mỗi tác phẩm không dài quá 2.500 chữ, phải có ảnh đi kèm. Nhân vật trong bài viết phải là nhân vật có thật, bài viết chưa được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, các loại ấn phẩm. Thời gian nhận bài dự thi đến hết tháng 2/2018.../.